Loài hoa đặc trưng của đồng bào Thái
Gọi thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) là xứ sở của hoa ban quả không sai. Cứ mỗi độ xuân về, vào tiết tháng 2, tháng 3 là cả phố núi trở nên mơ mộng, thanh khiết bởi màu trắng ngần của hoa ban phủ kín khắp lưng đèo, đỉnh núi. Hoa ban có nhiều sắc màu như ban tím, ban trắng, ban đỏ, nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa ban trắng.
Hoa ban là loài hoa mang đậm bản sắc của núi rừng Tây Bắc, có nhiều tỉnh từ Sơn La, Hòa Bình nhưng có nhiều nhất ở tỉnh Điện Biên. Cây ban phân bổ rộng khắp các huyện như Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, hay dọc theo con đường chính của thành phố Điện Biên Phủ, đường Võ Nguyên Giáp, trong khu vực đồi A1 lịch sử cũng có rất nhiều.
Nhìn từ xa, du khách sẽ có cảm giác những bông hoa nhỏ xinh ấy như những bông tuyết lấp lánh tỏa sáng trong ánh nắng vàng dịu dàng. Không thể diễn tả hết được xúc cảm khi vừa hít hà hương xuân tươi mới, vừa được thưởng hoa và ngắm những áng mây bồng bềnh tựa như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Những năm gần đây, mùa hoa ban thu hút một lượng khách du lịch lớn đến các tỉnh Tây Bắc để ngắm hoa, chụp ảnh.
Tên gọi hoa ban theo tiếng của dân tộc Thái, có nghĩa là hoa ngọt. Hoa ban là loài hoa tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc bởi vẻ đẹp hoang sơ, phóng khoáng, lãng mạn.
Cây hoa ban mang một sức sống bất diệt khi bất chấp sự khắc nghiệt của địa hình và thời tiết, cây hoa ban vẫn len lỏi trong từng ngóc ngách của khe núi, phủ lên những mái nhà sàn rêu phong một màu trắng tinh khôi. Màu trắng hoa ban thường được những thi sĩ ví von như sắc màu của sự tinh khôi trong sáng hệt như vẻ đẹp trong trẻo của những thiếu nữ miền sơn cước yêu hết mình và dâng hiến hết mình trong tình yêu.
Huyền thoại một tình yêu bất tử
Mùa hoa ban gợi nhớ đến một câu chuyện tình được truyền từ đời này sang đời khác ở Tây Bắc như một huyền thoại chuyên chở khát vọng về một tình yêu vĩnh cửu. Chuyện xưa kể rằng, xưa kia trong bản nhỏ có một chàng trai nghèo, mồ côi cha mẹ tên là Khum - tiếng Thái tức là đắng. Dường như cái tên Khum đã vận vào cuộc đời nhiều cay đắng, khốn khó của chàng trai nghèo. Tuy vậy, vượt lên hoàn cảnh, chàng Khum rất khôi ngô, tuấn tú, giỏi làm nương và săn bắt thú rừng.
Tiếng khèn của chàng làm trái tim bao gái bản thổn thức nhớ mong và chàng được nàng Ban xinh đẹp nhất vùng trao khăn piêu hẹn mùa xuân cả hai cùng chung bếp lửa, nên duyên chồng vợ. Nàng Ban - cô gái nghèo xinh đẹp đã bỏ qua những lời cầu hôn của bao người con trai khác để chung thủy với chàng Khum. Song, vẻ đẹp trinh trắng của nàng Ban đã lọt mắt tên chúa đất, hắn quyết bắt nàng về làm người hầu.
Chàng Khum và nàng Ban trốn vào rừng sâu quyết bảo vệ tình yêu trong sáng nhưng vẫn bị lãnh chúa săn đuổi. Tên chúa đất quyết tâm phải bắt nàng Ban về làm vợ, bằng không sẽ không một ai có thể chiếm được trái tim người con gái mà hắn đã yêu. Thế cho nên chàng Khum và nàng Ban phải chạy trốn miết, họ đi mãi vào rừng sâu cho đến khi đói, mệt, kiệt sức, hai người gục ngã bên nhau. Đất quê hương mở lòng ôm hai người vào vòng tay nhân ái.
Từ nấm mộ của nàng Ban mọc lên một thân cây gỗ nhưng dáng hình mềm mại, lá hình trái tim chung đôi xanh biếc. Mỗi độ xuân về lại trút lá rồi bừng nở những bông hoa năm cánh trắng ngần, thơm mát như búp tay người con gái của núi rừng. Đó là cây hoa ban trắng. Còn từ nấm mộ của chàng Khum vươn lên một cây vầu, xuân đến lại đội đất nhú lên những ngọn măng có vị đắng như vẫn khôn nguôi nhớ về mối tình tuyệt vọng.
Dân bản lấy măng vầu đắng về thái nhỏ ngâm với nước thả mấy bông hoa ban thấy măng hết đắng. Khi ăn, dư vị cứ ngân mãi trong lòng gợi một nỗi niềm, để rồi mỗi lần người già kể cho con cháu nghe “Ngày xưa…” là mỗi người lại rưng rưng trong lòng và trân trọng hơn những gì đã có.