Không có “cục cưng” làm sao gà “đạp mái”?
Bí mật chuyện “đạp mái” không cần “cục cưng” là do cấu tạo cơ quan sinh dục của gà. Cơ quan giao cấu của gà trống không phát triển. Nó chỉ là chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh. Khi giao phối, cơ quan sinh dục ngoài của gà trống áp sát vào lỗ huyệt của con cái. Lúc này âm đạo mở ra, tinh trùng được phóng vào âm đạo và đi vào trong tử cung.
Nghiên cứu sâu hơn về tính năng sinh dục của gà, chúng ta nhận thấy khi gà hưng phấn, chúng chủ động tìm đến nhau, sau khi gạ gẫm xong một con gà mái thì tiến hành đạp mái, lúc này gà trống kích hoạt phản xạ phóng tinh gồm phóng từng ít tinh một nhờ sự co bóp ống dẫn tinh. Trung tâm thần kinh điều khiển sự giao phối và phóng tinh nằm ở tủy sống hông. Gà đạt được cảm giác cực khoái khi phóng tinh.
Gà trống có thể đạp mái 25-41 lần/ngày. Nếu nhốt gà trống riêng, thả gà mái vào thì số lần đạp mái tăng lên nhiều, 13-29 lần/giờ. Đây là một kỷ lục mà không có bất kỳ giống loài nào vượt qua được loài gà!!! Khối lượng tinh dịch phóng ra ở gà là 0,6-0,2ml/lần giao phối, với mật độ 3,4 tỷ tinh trùng/ml tinh dịch.
Ở gia cầm, ngoài phản xạ không điều kiện trong giao phối, có thể tạo phản xạ có điều kiện. Lợi dụng khả năng này, ngày nay nhiều chuyên gia đã có cách làm cho con trống xuất tinh mà không cần có con mái: Nhốt gà trống tách gà mái, rồi ta dùng tay vuốt dọc xương khum của gà trống nhịp nhàng nhiều lần, con trống tự phóng tinh. Đây là phương pháp lấy tinh trùng của gà trống để thụ tinh nhân tạo cho gà mái.
Người ta dùng dụng cụ hứng tinh dịch là cái chai miệng hình phễu khi vuốt lưng con gà trống, sau đó lấy ống tiêm kích thước 2ml hút tinh trùng và bơm vào âm đạo gà mái. Phương pháp thụ tinh nhân tạo này có hiệu quả kinh tế cao, vì giảm số lượng con trống phải nuôi. Một con trống có thể thụ tinh nhân tạo cho 35-40 con mái. Tỷ lệ thụ tinh cao hơn so với đạp mái trực tiếp.
Sau giao phối, tinh trùng tập trung ở tử cung và cuống phễu của gà mái. Khoảng 10-12 ngày sau khi giao phối, tinh trùng vẫn có khả năng thụ tinh cho trứng mới rụng hàng ngày của gà, trung bình mỗi ngày rụng một trứng. Như vậy sau khi đạp mái, gà có thể sử dụng tinh trùng có sẵn trong tử cung từ từ trong suốt hơn 10 ngày, sau đó nếu chúng ta mong muốn trứng gà có trống cao thì phải cho gài đạp mái lại.
Thông minh như gà?
Theo nghiên cứu của nhà khoa học Christine Nicol, Ðại học Bristol, Anh, gà biểu lộ những khả năng nhận thức có trình độ tự chủ về thức ăn, sẵn sàng chấp nhận sự chờ đợi nếu chúng nghĩ sẽ có được phần ăn lớn hơn về sau. Những khám phá cũng cho thấy loài gà biểu lộ cách cư xử xã hội tinh vi, có thể nhận ra và nhớ được hơn 100 con gà khác và diễn tả hơn 30 cách phát âm khác nhau, như âm thanh gọi bầy, gọi con, gọi... gà mái tới! Âm thanh cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo diều hâu, rắn...
Gà có thể cảm nhận sự đau đớn. Các cuộc khảo cứu cho thấy, những con gà bị đau hoặc đi khập khiễng sẽ chọn thức ăn có trộn chất morphin (thuốc giảm đau) khi có sự lựa chọn. Ngược lại, những con khỏe mạnh chọn thức ăn không có thuốc giảm đau.
Gà cũng biết vui, buồn, giận dữ và đau đớn, vì vậy dù gà là nguồn thức ăn cung cấp đạm cho con người, nhưng con người cũng nên coi trọng cảm xúc của gà để đối xử với gà nhân đạo hơn. Phương pháp cắt cổ gà còn sống trông thật dã man, phản cảm. Vì vậy, trong dây chuyền giết mổ gà công nghiệp ngày nay, người ta đưa gà vào khu vực gây mê bằng điện với dòng điện thấp vừa đủ để gây mê gà rồi sau đó cắt tiết.
Can trường như gà
Người xưa luôn coi gà trống là biểu tượng của sự can trường, liều mình để bảo vệ những con gà khác trong đàn, chiến đấu tới cùng không bao giờ bỏ cuộc. Hình ảnh gà trống cánh lông sặc sỡ, dáng dấp oai dũng còn tượng trưng 5 đức tính: mào đỏ giống mũ cánh chuồn là văn (chữ Hán mào gà gọi là quan, đồng âm với quan (mũ) và quan (chức); cựa sắc nhọn như gươm là vũ; đấu đá không sợ địch là dũng; chia mồi cho gà con là nhân; gáy đúng giờ là tín. Vì sao gà can trường như vậy?
Giữa thế kỷ 18, người ta đã phát hiện tác dụng của hormon sinh dục đực từ những thí nghiệm trên gà. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, nếu cắt bỏ tinh hoàn của gà trống thì mào gà sẽ héo hon, gà không còn ham muốn đạp mái nữa. Nhưng nếu ghép một mảnh tinh hoàn mới cho gà thì mào gà tươi thắm trở lại và gà sẽ “hồi xuân”.
Tuyến sinh dục, ngoài chức năng sinh sản còn thực hiện vai trò của cơ quan nội tiết, tiết ra các hormon sinh dục, ảnh hưởng lớn lên hình dáng bên ngoài của gà. Tất cả các hormon được tạo ra ở tuyến sinh dục con trống được gọi là androgen, còn ở con mái - oestrogen. Nhóm androgen có những hormon: testosteron, androsteron, dehidroandrosteron...
Chất có hoạt tính mạnh nhất là testosteron. Dưới ảnh hưởng của androgen, ở con đực phát triển các dấu hiệu sinh dục thứ cấp: mào và tích, màu lông... Hormon sinh dục khiến cho gà trống trở nên can trường và dũng mãnh. Nếu gà trống bị thiến, mào và tích của gà từ từ nhỏ đi, tính tình thay đổi, mất sự quyến rũ giới tính. Chính nhờ thí nghiệm này mà đến khoảng cuối thế kỷ 18, người ta đã mạnh dạn cho một cụ già suy kiệt về tình dục dùng thử một loại thuốc làm từ tinh chất của tinh hoàn. Kết quả cụ đã tìm lại được phần nào sức mạnh tình dục thời thanh niên tưởng đã vĩnh viễn mất đi.
Vì sao gà gáy sáng?
Tiếng gà gáy lúc bình minh báo hiệu về ánh sáng, về sức mạnh tâm linh, về sự xua đuổi mọi bóng tối, chết chóc. TS. Takashi Yoshimura, Trường đại học Nagoya, Nhật Bản cho biết: “Hành vi gáy sáng là nhờ đồng hồ sinh học tự nhiên bên trong cơ thể gà trống”.
Gà trống thường gáy đều đặn 2-3 tiếng đồng hồ trước khi bình minh. Đó là một tập tính được di truyền qua nhiều thế hệ. Vốn có nguồn gốc từ gà rừng nên gà vẫn còn có tập tính bầy đàn, trong đó gà trống có vai trò của con đầu đàn và tiếng gáy được xem như một tín hiệu xác định chủ quyền về lãnh thổ cũng như thể hiện “bản lĩnh” nhằm chinh phục các cá thể còn lại, nhất là để thu hút gà mái.