Dịch bệnh là cơ hội thúc đẩy đấu giá online

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đấu giá trực tuyến là giải pháp văn minh, an toàn, hiệu quả cho các cuộc đấu giá không những trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội mà còn đem đến cho người có tài sản thêm một sự lựa chọn trong việc xử lý tài sản, tiết kiệm thời gian, chi phí và quan trọng nhất là giảm thiểu tình trạng “xã hội đen”, “cò”, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc xử lý tài sản.
Dịch bệnh là cơ hội thúc đẩy đấu giá online

Đã có trong luật từ 2016

Hình thức đấu giá trực tuyến (ĐGTT) tại Việt Nam lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Đấu giá tài sản 2016 và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho một mô hình đấu giá công khai, minh bạch khá quen thuộc trên thế giới.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg. Trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt, chỉ đạo người có tài sản lựa chọn hình thức đấu giá, bước giá phù hợp với từng cuộc đấu giá; tổ chức thực hiện thí điểm việc đấu giá bằng hình thức ĐGTT đối với một số loại tài sản công do bộ, ban, ngành ở Trung ương quản lý và tài sản là quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất hoặc tài sản thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Khi tham gia ĐGTT, người tham gia đấu giá không nhất thiết phải đến cùng một địa điểm để tham gia đấu giá, thông tin về người tham gia đấu giá được bảo mật.

Khi tham gia ĐGTT, người tham gia đấu giá không nhất thiết phải đến cùng một địa điểm để tham gia đấu giá, thông tin về người tham gia đấu giá được bảo mật.

Theo một số chuyên gia, việc bổ sung thêm hình thức ĐGTT không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, mà còn tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới, hạn chế tối đa sự móc ngoặc, thông đồng, dìm giá, giúp thu hút được nhiều người, tổ chức tham gia, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Bởi hình thức này có rất nhiều ưu điểm như không ràng buộc thời gian, không gian và vị trí địa lý; việc đặt giá có thể thực hiện bất kì lúc nào; các sản phẩm được liệt kê trong một vài ngày (thường là từ 1 đến 10 ngày, tùy theo ý thích của người bán) để người mua có thời gian tìm kiếm, quyết định và đặt giá; giá trị của món hàng sẽ được nâng lên theo số lượng người tham giá đấu giá…

Đặc biệt, khi tham gia ĐGTT, người tham gia đấu giá không nhất thiết phải đến cùng một địa điểm để tham gia đấu giá, thông tin về người tham gia đấu giá được bảo mật, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người cùng tham gia đấu giá.

Với nhiều tính ưu việt vốn có, hình thức ĐGTT được kỳ vọng sẽ mang lại một thị trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai Luật, hình thức ĐGTT vẫn chưa được áp dụng thực sự rộng rãi với việc mới có 5 tổ chức đấu giá tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT, số cuộc đấu giá được thực hiện trực tuyến vẫn còn ít ỏi.

Giải pháp an toàn trong mùa dịch

Kết quả một phiên đấu giá online của Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt.

Kết quả một phiên đấu giá online của Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc tạm dừng các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xử lý tài sản của các cơ quan, doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ đấu giá tài sản.

Vì vậy, tuy còn chưa phổ biến tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng việc tổ chức được nhiều phiên ĐGTT gần đây là hướng đi hết sức đúng đắn và cần thiết để kịp thời xử lý tài sản cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, tài sản thi hành án, qua đó, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo thực thi các bản án của Tòa án.

Nhận thức rõ xu thế phát triển của ĐGTT, ngay từ khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt (Hà Nội) đã triển khai xây dựng phần mềm ĐGTT theo mô hình của các nước có nghề đấu giá phát triển và là một trong tổ chức đấu giá đi tiên phong triển khai ĐGTT ở Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 10/8/2021, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt đã tổ chức thành công phiên ĐGTT gỗ sưa thanh lý (cây đã chết) của Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ.

Kết quả, 7 cây gỗ sưa có tổng khối lượng trên 14,9 m3 với mức giá khởi điểm trên 146 tỷ đồng đã được bán cho một khách hàng với tổng số tiền 234.942.820.000 đồng (giá chưa bao gồm thuế VAT), vượt giá khởi điểm hơn 88,8 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với giá khởi điểm, một kỷ lục về mức giá chênh giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm trong các cuộc ĐGTT của Công ty từ trước đến nay.

Theo đại diện Công ty, đến nay Lạc Việt đã thực hiện thành công 63 cuộc đấu giá với hình thức trực tuyến, tổng giá trị bán thành được hơn 845 tỷ, chênh lệch hơn 148,8 tỷ đồng so với giá khởi điểm, là tổ chức đấu giá có số lượng cuộc đấu giá dưới hình thức trực tuyến nhiều nhất tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 5/8, cũng qua trang thông tin điện tử ĐGTT của Lạc Việt, Công ty đấu giá hợp danh Ngô Thống Nhất đã tổ chức thành công phiên ĐGTT. Đây là doanh nghiệp đấu giá đầu tiên thuộc địa bàn các tỉnh phía Nam tổ chức cuộc đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Tại phiên đấu trực tuyến này, Công ty đấu giá hợp danh Ngô Thống Nhất đã tổ chức đấu giá thành công lô cáp đồng viễn thông thanh lý với giá khởi điểm từ 6,2 tỷ đồng đã tăng lên 7,15 tỷ đồng, tăng 950 triệu đồng so với giá khởi điểm.

Là tổ chức đấu giá tài sản đầu tiên trên cả nước được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT (theo quyết định ngày 12/5/2020 của Sở Tư pháp TP Hà Nội), Công ty đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia cũng đã thực hiện được khoảng 30 cuộc đấu trực tuyến. Công ty đã tổ chức ĐGTT đối với nhiều loại tài sản được cho là “khó nhằn” như tài sản vi phạm hành chính tại Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thí điểm đối với tài sản thi hành án tại Cục Thi hành án dân sự Hà Nội và các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội…

Có thể nói, ĐGTT là một phương thức xử lý tài sản văn minh, đảm bảo công bằng minh bạch, khách quan, là một trong những công cụ quan trọng góp phần tránh “thông đồng”, “dìm giá” trong xử lý tài sản, đặc biệt tài sản nhà nước, tài sản thi hành án, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho việc xử lý tài sản, tạo nền tảng đưa hoạt động đấu giá trở lên minh bạch, chuyên nghiệp, tiệm cận với xu thế xử lý tài sản chung trên thế giới…

Tuy nhiên, để ĐGTT thiết thực đi vào cuộc sống hơn nữa thì cần có sự nỗ lực rất nhiều từ phía cơ quan nhà nước lẫn thị trường. Chẳng hạn, Chính phủ cần xây dựng hoặc khuyến khích sự phát triển của các sàn ĐGTT, đưa ra quy định cụ thể một số tài sản nhà nước như cổ phiếu, xe công… trong một số trường hợp bắt buộc phải ĐGTT. Đồng thời, cần có thêm các doanh nghiệp thẩm định giá, sàn giao dịch… phát triển, góp phần vào việc giúp hàng hóa trên thị trường được thúc đẩy lưu thông mạnh hơn. Quan trọng hơn là cần quyết tâm công khai, minh bạch từ người có tài sản.

Đọc thêm