Điện Biên Phủ trong hồi ức một sĩ quan Pháp (Bài 4): Cuộc giao tranh dai dẳng giành giật năm quả đồi

(PLO) - Ngày 1/4, cơ quan tình báo Pháp nghe được bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam: “5h chiều nay ngày 30/3 các đơn vị Quân đội nhân dân có pháo binh và pháo phòng không yểm trợ đã mở đợt tiến công thứ hai vào hệ thống phòng ngự của Pháp tại Điện Biên Phủ. Hệ thống này gồm năm vị trí kiên cố được xây dựng trên năm quả đồi có nhiệm vụ bảo vệ cho sân bay và sở chỉ huy của địch”.
Bộ phận hậu cần quân Pháp gắn vũ khí lên máy bay chuẩn bị oanh kích Điện Biên
Bộ phận hậu cần quân Pháp gắn vũ khí lên máy bay chuẩn bị oanh kích Điện Biên

Nỗi sợ pháo Việt Minh của lính Marốc

Bản tin được phổ biến tới quân Pháp. Một điện mật được gửi tới Tổng tư lệnh Sài Gòn. Tướng Navarre trả lời đêm đó sẽ ra Hà Nội. Thời tiết xấu khiến cho không một chiếc máy bay nào có thể tới Điện Biên Phủ. Chỉ còn một cách là chờ đợi.

Trung tá Langlais, chỉ huy khu Trung tâm ngay ngày hôm đó đã tới kiểm tra tất cả các vị trí phòng ngự, chiếc mũ sắt chụp đến tận tai che khuất bộ mặt. Trung tá đã leo lên tận đỉnh những cao điểm, đi dọc các chiến hào phòng ngự bên ngoài lớp rào kẽm gai, kiểm tra tận mặt góc bắn từ những lỗ châu mai, nhìn từng gương mặt những người lính như muốn thấy rõ từng trái tim và tâm hồn của họ.

Lính Angiêri bảo vệ cứ điểm Dominique không tạo cho ông một cảm giác tin cậy nhiều lắm. Dù sao Bộ tư lệnh Pháp từ Hà Nội đã đưa tiểu đoàn này lên Điện Biên Phủ như là “một trong số những đơn vị tốt nhất”.  

Langlais không hiểu rõ người Angiêri lắm nhưng cũng biết nói đôi chút tiếng Arập Bắc Phi. Ông trao đổi vài câu với những người lính Angiêri. Họ cũng đáp lại bằng tiếng Arập Bắc Phi với một vẻ rất bình thản đôi mắt lạnh lùng chẳng nói lên điều gì cả.

Leo dốc lên cứ điểm Eliane 4, trung tá tiếp tục nghiền ngẫm sự lo ngại. Các chiến hào Việt Minh đã vươn tới sát các vị trí ở một cự ly có thể xung phong nhảy vào đồn, cuộc tiến công có thể xảy ra trong đêm nay hoặc đêm sau.

Bộ đội Việt Minh xung phong chiếm cứ điểm
 Bộ đội Việt Minh xung phong chiếm cứ điểm

Hỏi một sĩ quan, ông được trả lời: “Báo cáo trung tá! Tinh thần người lính ở đơn vị tôi cũng hệt như tinh thần người chỉ huy. Ở bất cứ nơi nào nếu người chỉ huy không bị chết hoặc bị loại khỏi vòng chiến đấu thì người lính vẫn chiến đấu tốt. Nhưng nếu không có mặt người chỉ huy thì không thể đảm bảo”.

Câu trả lời không đủ làm yên lòng trung tá Langlais. Bài học thời gian qua đã chứng minh chỉ vài phút chiến đấu đầu tiên các sĩ quan chỉ huy đã bị chết. Tình hình này đã xảy ra ở Béatrice, Gabrrielle, khu Trung tâm. Vì vậy, ông đã quyết định thay binh lính Marốc đang trấn giữ ở đây bằng một đại đội lính dù lê dương số 1.  

Trung đội lính dù lê dương đầu tiên do Luciani chỉ huy tới vị trí tiếp quản vào đúng giữa buổi trưa nóng nực, đáng lẽ đó là giờ ngủ trưa. Họ được dẫn tới mỏm chiến hào phía Đông Nam cứ điểm Eliane 2 nơi công trình phòng ngự chưa được xây dựng tốt, lại là nơi ngoài cùng chạm trán sớm nhất với cuộc tiến công.

Lính dù lê dương vội cầm lấy cuốc xẻng đào sâu thêm chiến hào, vừa đào vừa chửi bới lính Marốc đã lao động “lười biếng”. Vào khoảng 5h chiều, giữa lúc lính lê dương còn chưa bật nổi tảng đá chắn ngang để đào hào thì pháo Việt Minh bắt đầu ập xuống tất cả bốn quả đồi ở vành ngoài và cả khu Trung tâm ở phía trong.

Tất cả các vũ khí nặng của Việt Minh dường như đều được huy động vào cuộc bắn phá chuẩn bị này. Pháo và cối nện “giã giò” trên nóc hầm và phá hủy các lỗ châu mai lô cốt để hoàn thành việc bắn phá chuẩn bị cho đợt xung phong.

Pháo bắn dồn dập làm cho lính bộ binh nép mình trong hầm trú ẩn vì sợ hãi rồi lan nhanh thành một cơn hoảng loạn. Trời hãy còn sáng khi những binh lính Angiêri tại các cứ điểm Dominique 1, Dominique 2 và lính Marốc tại các cứ điểm Eliane 1 bỏ vị trí tháo chạy một số giơ cao hai cánh tay lên trời khi giáp mặt với Việt Minh dưới làn đạn pháo.

Nhiều vị trí của quân Pháp đã thất thủ trước sức tấn công mãnh liệt của bộ đội
 Nhiều vị trí của quân Pháp đã thất thủ trước sức tấn công mãnh liệt của bộ đội

Nhiều người khác cố chạy về khu Trung tâm. Số còn lại chạy trốn vào trong những hầm ngầm dọc theo bờ sông Nậm Rốm và cả những hố chuột ven sông. Từ cứ điểm Dominique 1, trung úy Martinet thét to:

 - Bắn vào những tên bỏ chạy?

 Nhưng đã quá chậm để ngăn cản sự hoảng loạn. Hơn nữa bóng tối đã ập xuống nhanh trước khi Việt Minh kịp nhận ra lính trong đồn đang tháo chạy nên lập tức ra lệnh xung phong. Dưới sự chỉ huy của trung úy Martinet lúc đó chỉ còn những lính dù và số cán bộ chỉ huy hai đại đội lính thuộc địa Angiêri phải đương đầu với quân Việt Minh. Họ cố chống cự vài giờ nữa rồi cuối cùng hoàn toàn tan biến.

Cảnh tượng “canh chừng bên cạnh kẻ đang hấp hối”

Lúc này, cứ điểm Eliane 2 (đặt trên đồi A1) đã phải chịu đựng pháo bắn suốt bốn tiếng. Các công trình phòng ngự chung quanh cứ điểm đã bị hủy diệt hoặc đổ vỡ.

Ở mỏm phía Nam, trung đội thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 1 không kịp chui xuống hầm trú ẩn đã bị thương vong gần hết, chỉ còn lại một hạ sĩ và sáu lính lê dương lành lặn. 

Khoảng gần 22h thì Bộ tư lệnh quân Pháp ở Hà Nội nhận được điện báo tình hình từ Điện Biên Phủ gửi về. Lúc này, tướng Cogny hãy còn bận “dự tiệc chiêu đãi trong thành phố”, chưa trở về sở chỉ huy. Không ai biết sau đó viên tướng sẽ qua đêm ở đâu, cho nên mãi sáng hôm sau ban tham mưu mới đưa trình bản báo cáo tóm tắt:

“Các cứ điểm Dominique 1,2 và 6 đều đã bị mất. Eiane 1 cũng bị đánh chiếm. Chỉ còn lại một phần Eliane 2 (tức đồi A1). Đang giao tranh tại trung tâm Huguette 7. Isabelle cũng bị bắn pháo nhưng không được tăng viện từ bên ngoài, khó khôi phục được tình hình. Ký tên: Castries”.

Máy bay C119 thả quân dù xuống Điện Biên Phủ
Máy bay C119 thả quân dù xuống Điện Biên Phủ

Trong thành Hà Nội là nơi đặt cơ quan thông tin, tướng Bodet cùng với các sĩ quan tham mưu ngồi bàn luận giữa các thiết bị vô tuyến. Vắng mặt tướng Cogny là tư lệnh trưởng, họ không thể quyết định điều gì.

Họ biết như vậy nhưng không ai muốn quay về phòng ngự mà cũng không muốn ngồi bị động, không làm việc gì trong cơ quan. Họ đành xúm xít chung quanh máy thu, nghe tin tức báo cáo từ Điện Biên Phủ như những người ngồi canh chừng bên cạnh một kẻ đang hấp hối, nghe từng tiếng đập trong tim, đón từng lời nói cuối cùng mà không còn hy vọng giúp được gì để cứu sống.

Khi đài thu tín hiệu bặt tiếng nói, chiếc môi dưới của tướng Bodet lại trễ xuống, rung lên vì lo ngại. Ông hút thuốc lá liên tục. Vốn là một viên tướng không quân đã từng chỉ huy những đội máy bay chiến đấu trên vòm trời nước Đức phát xít hồi chiến tranh thế giới thứ hai, ông là một người nổi tiếng vì có “trái tim sắt đá”.

Lính dù chào ông, không phải chỉ theo điều lệ mà còn do kính trọng. Thỉnh thoảng, tướng Bodet lại nhấc máy nói, liên lạc với trưởng phi cơ chiếc máy bay do thám đang lượn trên vùng trời đêm thung lũng lòng chảo:

 - Thời tiết Điện Biên Phủ thế nào?

 - Tầm nhìn số không! - Viên phi công trả lời bằng một giọng quen thuộc.

Trong thung lũng lòng chảo, bóng đêm dày đặc chỉ bị chọc thủng bởi các đốm lửa do đạn nổ hoặc các vệt sáng theo sau đường đạn bay. Trên nóc hầm sở chỉ huy của Langlais, chiếc bóng đèn điện để trần đang đưa theo dây treo, ánh sáng cũng rung động theo những nhịp sóng chấn động.

Không khí trong hầm nặng trĩu và nóng nực, mùi mồ hôi, cà phê rượu vang chen lẫn khói thuốc lá và bụi đất. Muốn nghe rõ điện thoại báo cáo tình hình, trung tá Langlais phải gào to trong máy, bảo người nói chuyện phải nói thật to.

Từ đầu máy bên ngoài, có tiếng thiếu tá Clémenon chỉ huy các cụm cứ điểm mang tên Huguette, đề nghị được nói chuyện trực tiếp với Langlais. Langlais gào to:

 - Tôi nghe đây!

 - Huguette 7 đang bị tiến đánh. Việt Minh đã bám chân được ở mặt Bắc. Tôi cần một đại đội để phản kích.

 - Mặc kệ cái Huguette của các anh! Các anh tự lo với mọi thứ anh có trong tay. Anh không biết là ở mặt phía Đông này, Việt Minh cũng đang đánh mạnh à?

Vẻ lo ngại mà Langlais muốn giấu đã bật ra, làm giọng nói của ông rung lên, ánh mắt sáng quắc thái độ vụt trở nên giận dữ và thô bạo. Điện Biên Phủ như đang chết đến nơi. Đã 20 phút rồi, cứ điểm Eliane 2 đặt trên đồi A1 không trả lời tín hiệu.

Toán lính Pháp yểm trợ cho một nhóm tuần tra
Toán lính Pháp yểm trợ cho một nhóm tuần tra

Bản báo cáo cuối cùng nhận được từ lúc 23h, trong đó viên chỉ huy cho biết đang tập hợp số binh lính còn lại của tiểu đoàn để cố bảo vệ sở chỉ huy đặt trên đỉnh đồi. Việt Minh đã chiếm được sườn đồi đặt tên là Champs Elysées và đang tiếp tục tiến công.

Trong tình huống này không thể suy nghĩ đắn đo Langlais biết phải hành động gấp. Nhưng hành động như thế nào? Tăng cường phòng ngự cho cứ điểm thì đã quá muộn, mà phản kích thì lại quá sớm, ít nhất phải chờ đến lúc rạng đông mới có thể tiến hành. Các đường dây điện thoại đã bị đứt hết. Langlais dùng máy vô tuyến điện gọi về ban chỉ huy cụm pháo binh:

 - Tập trung tất cả các loại pháo, bắn mạnh lên đỉnh đồi nơi đặt sở chỉ huy của Eliane 2 nhằm ngăn chặn Việt Minh, không cho chiếm đỉnh đồi để đến sáng chúng tôi tổ chức phản kích.

Đúng nửa đêm, các đội lính Marốc, lính dù, lính lê dương tổ chức phản công. Khoảng một giờ sáng thì giành lại được đỉnh đồi A1.

Dai dẳng giao tranh trên đồi A1

Khi mặt trời mọc cũng là lúc tại sở chỉ huy, Castries, Pazzis, Langlais và Bigeard nhanh chóng điểm lại tình hình. Tất cả bốn người đều gầy yếu, mệt nhọc, bẩn thỉu. Họ hiểu rằng chỉ còn có thể dựa vào lực lượng tại chỗ.  

Cuộc phản kích ngày 31 tháng 3 được bắt đầu lúc gần buổi trưa, dưới trời nắng gắt. Trên trời, từ tít trên cao, trên cả tầm bắn của pháo phòng không, những chiếc máy bay C119 đang lượn vòng. Nhưng không phải để thả dù quân tăng viện mà là thả các nhu yếu phẩm. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm một phương pháp mới:

Để cho rơi tự do cách mặt đất khoảng 300m mới tự động mở dù. Nhưng có một nửa số kiện hàng rơi xuống đất vỡ tan vì dù chậm mở, hoặc là dù tự động mở quá sớm bị gió đánh dạt sang trận địa của Việt Minh. Dưới đất, các cuộc phản kích của quân Pháp lần lượt thất bại, tàn binh phải tháo lui.

Đêm 31/3 rạng ngày 1/4 trôi đi rất chậm. Vào lúc sẩm tối, một trung đoàn của sư đoàn 316 Việt Minh ra lệnh xung phong lên đồi A1 nơi đặt cứ điểm Eliane 2. Cũng như đêm trước, đợt tiến công đầu tiên nhằm vào mỏm Yên Ngựa mà Pháp gọi là Champs Elysées.

Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt quân Pháp
Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt quân Pháp

Nhưng cũng như đêm trước, lực lượng tiến công này mặc dù rất mạnh vẫn không chiếm được đỉnh đồi do lính lê dương chống giữ dưới sự chỉ huy của Luciani.

Cùng trong lúc đó, sư đoàn 312 Việt Minh lại tiến công Huguette 7, một cứ điểm được xây dựng trên một mô đất tròn nhô giữa đám ruộng. Các công trình phòng ngự của Pháp được bố trí rất cân đối theo một hình ngôi sao có ba góc cạnh, chính giữa là vị trí chỉ huy. Trấn giữ cứ điểm này là đại đội 1 thuộc tiểu đoàn lính dù số 5, từ ngày 28/3 được đặt dưới sự chỉ huy của đại úy Bizard.

Bizard là một sĩ quan tự nguyện xung phong lên Điện Biên Phủ và đã trải qua bảy năm chiến tranh. Ông ta xuất thân là một kỵ binh, thường ngồi trên yên ngựa, nhưng lại có cặp giò của bộ binh, không thích hợp lắm với đôi ủng có gắn khoá thúc ngựa. Ông ta có thể chiến đấu thành thạo trong bùn lầy, đi bộ, cũng như ngồi trên xe bọc thép và nếu có cơ hội, không ngần ngại nhảy ngay lên mình ngựa để tác chiến.  

Buổi tối 31/3, Bizard ngồi một mình trong hầm chỉ huy đã đổ sụp một nửa. Hôm trước, phó của Bizard là thiếu úy Thelot đã tử trận vào lúc 5h30 chiều bởi một viên đạn pháo 57 bắn thẳng. Tuy nhiên sư đoàn 312 vẫn không chọc được cửa mở qua những lớp rào dây thép gai để chiếm lấy các lô cốt bên trong dù đã liên tục không ngừng bắn súng cối vào đó.

Vào lúc gần tới đêm, đại úy Bizard quyết định cho rút các vị trí ở mặt Bắc cứ điểm và cả vị trí trung tâm, cố thủ tại hai vị trí khác. Bộ đội Việt Minh bắn pháo chuẩn bị nhiều giờ liền, tập trung vào từng thước đất.  

Ngày 1/4 vòm trời vẩn đục. Những đám mây chứa đầy hơi nước lững lờ trôi trước mặt trời. Không một lực lượng tăng viện nào được nhảy xuống Điện Biên Phủ trong đêm đó. Trên đồi A1, ba đại đội dù trong cứ điểm Eliane 2 đã giao tranh suốt 36 giờ không nghỉ. 

Đêm thứ ba, Việt Minh giành được Huguette 7 lúc 4h sáng. Cụm cứ điểm được xây dựng cân đối theo hình học này biến thành mảnh đất tan hoang lộn xộn. Nhưng Eliane 2 vẫn giữ vững. Trong đêm, hai trung đội thuộc trung đoàn nhảy dù thuộc địa đã nhảy xuống được khu vực sân bay.  

Đêm thứ tư Việt Minh tiếp tục tiến công Eliane 2 nhưng vẫn không tiến thêm được mét nào. 

Hi vọng mới của quân Pháp

Tại mặt phía Tây, Việt Minh tăng cường lực lượng tiến đánh Huguette 6 là một cứ điểm ngay đầu đường băng, như một dấu chấm trên chữ “I”.

Trung úy Rastouille cùng 100 lính lê dương trấn giữ cứ điểm này. Họ đã tới đây từ 15 ngày nay và ngày nào cũng phải ra lấp những chiến hào Việt Minh đào lấn chỉ cách vị trí của họ có 30m. Vào lúc hết đêm, 12 lính lê dương trong cứ điểm đã chọc thủng một đoạn hàng rào dây kẽm gai đào ngũ.

Bắt đầu bước sang ngày thứ năm của cuộc tiến công giải đoạn 2, tức là đêm mùng 3 rạng ngày 4/4, pháo Việt Minh tới tấp nã xuống Huguette 6. Đến 8h tối, bộ phận đi đầu của một tiểu đoàn Việt Minh đã vào được trung tâm cứ điểm bằng đoạn rào dây thép gai đã bị lính lê dương đào ngũ cắt đứt.

Nhiều máy bay Pháp đã bị hỏa lực phòng không Việt Minh bắn rơi
Nhiều máy bay Pháp đã bị hỏa lực phòng không Việt Minh bắn rơi

Castries gọi dây nói cho Langlais: “Chúng ta không thể để mất Huguette được. Để mất Huguette có nghĩa là mất luôn một phần ba đường băng sân bay, có khi cả một nửa sân bay, là bãi thả dù duy nhất hiện nay để chúng ta nhận được tăng viện”.

Langlais đặt máy xuống không trả lời. Đã bốn ngày nay, ông ta chờ đợi tiểu đoàn tăng viện. Ngày thứ nhất, đáng lẽ viện binh đã phải nhảy dù xuống bãi thả dù, trên cánh đồng phía Nam dãy đồi có cụm cứ điểm Eliane, nhưng Việt Minh đã tới sát, pháo mặt đất và pháo phòng không Việt Minh làm cho kế hoạch nhảy dù không thực hiện được. Phải tìm các biện pháp khác. Bộ chỉ huy tại Hà Nội đã chấp nhận phương án nhảy dù đêm xuống sân bay.

Đó là một bãi nhảy dù khá tốt. Mặc dù hẹp, nhưng chiều dài của đường băng có thể vừa đủ để nhảy xuống, miễn là vẫn giữ được Huguette 6 là điểm tựa ở đầu phía Bắc đường băng.

Đêm hôm trước, các phi công đã thả dù lần đầu tiên các kiện hàng xuống đường băng cho tới khi các pháo sáng làm loá mắt không thể thả dù tiếp tục được. Nếu đêm nay mất Huguette 6, có nghĩa là mất thêm một phần sân bay. Đến lúc đó thì ngay việc thả các kiện hàng cũng rất khó thực hiện, chưa nói gì đến nhảy dù.

Langlais phải quyết định gấp. Ông ta thử tiến hành một cuộc phản kích ngay trong đêm tối với một đại đội và hai xe tăng.

Dưới ánh pháo sáng, hai chiếc xe tăng bắn loạn xạ. Trong khi đó, Langlais liên lạc bằng máy vô tuyến với những chiếc Dakota đang lượn vòng tròn chuẩn bị để lính dù nhảy xuống. Đêm hôm trước chính những chiếc máy bay chở đầy quân này đã phải quay trở về căn cứ bởi vì bãi nhảy bị chiếu sáng khi đồn Huguette 7 đang bị tiến công. Trưởng phi cơ nói:

 - Không thể nhảy xuống đường băng sân bay được chừng nào sân bay còn bị chiếu sáng.

 - Nhưng tôi cũng không thể nào ngừng cuộc phản kích được. Nếu không nhảy xuống sân bay được thì cho lính nhảy xuống khu Trung tâm.

 - Nhưng ở đó không có bãi nhảy đúng tiêu chuẩn.

 - Cứ nhảy xuống. Tôi sẽ chịu trách nhiệm. 

Đúng nửa đêm, lính nhảy dù rơi vào một khu vực lổn nhổn công sự và chiến hào. Chỉ cách một viên đại úy nhảy dù vài mét, một cỗ trọng liên bốn nòng đang chĩa lên trời. Chung quanh, những đạn pháo nổ tung ra những cụm lửa đỏ xen lẫn với màu nhợt nhạt của pháo sáng. Đã tới được Điện Biên Phủ. Nhưng đang ở đâu?

Xe tăng Pháp trong một trận phản công
Xe tăng Pháp trong một trận phản công

Viên đại úy đảo mắt nghi ngờ nhìn chung quanh, lục lọi trong hành trang lấy ra một khẩu súng ngắn, rồi nằm im trên mặt đất lắng tai nghe những tiếng động của người và tiếng nổ của đạn pháo.

Có một tiếng gọi như từ lòng đất vọt ra:

 - Này! Lại đây.

Viên đại úy chỉ rơi cách hầm chỉ huy của Castries khoảng 100m và coi như vừa mới khánh thành một bãi nhảy dù mới toanh. Cho tới ngày hôm đó, bãi nhảy dù vẫn được quy định là một mảnh đất có sẵn kích thước, trên mặt phủ ít nhiều loại cỏ mềm.

Còn bãi đất lính dù vừa nhảy xuống lại là một mảnh đất mơ hồ không biết rõ lổn nhổn chiến hào, hầm hố, lởm chởm nhiều cọc nhọn giữa những lớp hàng rào dây thép gai. 312 lính dù đã tới mà không cần phải chọn kỹ bãi nhảy, cũng không cần phải thạo nhảy dù. Chỉ cần đưa người lên máy bay rồi nhảy xuống.

Đúng lúc đó, viên chỉ huy đám lính dù Bréchignac cũng lần mò tìm được lối vào sở chỉ huy. Người ta lại phá ra cười khi nhìn thấy Bréchignac… cởi truồng. Viên đại úy đã rơi đúng vào lớp hàng rào dây thép gai. Trong đêm tối, ông ta không tài nào gỡ ra được, đành phải tụt quần bỏ lại đó.

Thời điểm chỉ biết mong chờ điều “kỳ diệu”

Mặt trời đã mọc. Lính dù thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn dù thuộc địa số 1 đi theo hàng một tiến lên dãy đồi Eliane. Bộ đồ ngụy trang ra trận chỉnh tề, vũ khí lau chùi sạch sẽ. Toàn đội cùng chung một kiểu đi giống như người chỉ huy, tức là bước chân dài, hơi nặng, tiết kiệm.

Khoảng 5h sáng bộ đội Việt Minh rút khỏi bãi Champs Elysées ở phía trước Eliane 2 sau một đợt tiến công kéo dài 100 tiếng.

Đêm 4 rạng ngày 5/4 là đêm thứ sáu của cuộc tiến công giải đoạn hai. Việt Minh tập trung tiến công Huguette 6., quyết tâm đánh bật cái nút chai trên đầu đường băng. Sư đoàn 312 được yểm trợ bằng tất cả các khẩu pháo 105 và một đại đội cối, huy động tới bốn tiểu đoàn bộ binh cùng với một tiểu đoàn pháo hạng nặng.

Thương binh Pháp chờ máy bay hạ cánh
Thương binh Pháp chờ máy bay hạ cánh

Pháo chuẩn bị của Việt Minh kéo dài năm tiếng đồng hồ. Trước nửa đêm, các tiểu đoàn Việt Minh đã lọt được vào cứ điểm qua đoạn hàng rào kẽm gai đã bị lính Pháp đào ngũ cắt đứt. Lính lê dương lùi vào phía trong. Tình thế trở lại gần giống như đêm trước. Khi trời đã sáng rõ, Việt Minh rút để tránh máy bay bắn phá. Cuộc tiến công giai đoạn hai của Việt Minh kết thúc.

Ngày 5/4/1954 tại Điện Biên Phủ. Nhờ có thêm lực lượng tăng viện, tình hình quân Pháp đã được cải thiện đôi chút. Hai quả đồi phía Đông, nơi đặt Eliane 2 và Eliane 4 đã chống chọi được suốt sáu đêm liền trong cuộc tiến công giai đoạn hai của Việt Minh.

Nhìn chung, nếu như binh lính trong tập đoàn cứ điểm đã rất mệt mỏi thì toàn bộ tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn nhảy dù lê dương số 1 lần đầu tiên đã tới Điện Biên Phủ với đầy đủ quân số.

Castries đang chờ có thêm tiểu đoàn thứ hai. Ở Hà Nội, vẫn còn hai tiểu đoàn dù đang chuẩn bị. Tiểu đoàn dù lê dương thứ hai sẽ bắt đầu nhảy liên tục hết đêm này đến đêm khác theo nhịp độ đều đặn của số máy bay, cho tới khi toàn bộ tiểu đoàn có mặt tại Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, nếu Việt Minh tạm ngừng cuộc tiến công trực diện thì chưa phải đã hoàn toàn nghỉ các hoạt động quân sự. Việt Minh vẫn tiếp tục bắn pháo với nhịp độ tiết kiệm, vẫn cho quân đi tuần tiễu sát các hàng rào dây kẽm gai của các cứ điểm, vẫn để lại trên hàng rào những lá cờ đỏ sao vàng và những truyền đơn địch vận, vẫn tiếp tục hăm hở đào chiến hào lấn dần các trận địa quân Pháp.

Đến đầu tháng 4/1954, cả những binh sĩ chưa được tập huấn nhảy dù cũng được Pháp cho lên máy bay thả xuống Điện Biên Phủ
Đến đầu tháng 4/1954, cả những binh sĩ chưa được tập huấn nhảy dù cũng được Pháp cho lên máy bay thả xuống Điện Biên Phủ

Liệu Castries và các phó chỉ huy của ông còn có thể làm gì được nữa? Tiến hành thắng lợi một cuộc rút quân chăng? Họ không bao giờ tin vào điều đó. Chờ đợi một sự can thiệp kỳ diệu từ bên ngoài chăng?

Ngay đến Castries là chỉ huy trưởng cũng không biết gì đến việc tướng Ely gặp Chủ tịch hội đồng tham mưu Mỹ Radford bàn kế hoạch Vautour, định sử dụng nhiều máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ từ Philippin bay tới ném bom các tuyến đường vận tải và vị trí đóng quân của Việt Minh ở Điện Biên Phủ.

Không một nhân vật có thẩm quyền nào ở Đông Dương lại nghĩ rằng có thể rút quân từ Điện Biên Phủ sang Lào được. Tình thế càng trở nên tuyệt vọng khi mọi người đều nghĩ không thể trông chờ vào một điều kỳ diệu gì sẽ xảy ra.

Nhưng quân Pháp vẫn trông chờ thời tiết. Những trận mưa tháng 5 sẽ ngăn cản cuộc vận chuyển bằng xe ôtô vận tải trên đường cái, cũng như xe đạp thồ và người vác gồng gánh trên những đường mòn. Đến lượt lực lượng tiến công sẽ bị thời tiết vây hãm giảm dần sức lực. Dù cho lúc đó tập đoàn cứ điểm có bị chìm trong lớp bùn của lòng chảo thì vẫn cứ sống được vì vẫn có lương ăn thả dù xuống.

(Còn tiếp)

Đọc thêm