Điện Biên Phủ trong hồi ức một sĩ quan Pháp (Kỳ 1)

(PLO) - Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, không chỉ có thiên tài quân sự của những nhà lãnh đạo, tướng lãnh Việt Nam; mà còn có ý chí, nghị lực, quyết tâm của sức mạnh toàn dân. Điều đó đã được phía thua cuộc, như trong hồi ức của Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng của Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương. 
Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức giữa sức mạnh máy bay và những đôi chân trần
Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức giữa sức mạnh máy bay và những đôi chân trần

Xin giới thiệu loạt bài về Điện Biên Phủ trong hồi ức một sĩ quan Pháp, phản ánh góc nhìn, quan điểm, đánh giá của viên sĩ quan bại trận trước chiến thắng vĩ đại của Việt Nam.

“Tập đoàn cứ điểm được phòng ngự kiên cố”

Ngày 7/12/1953, đại tá De Castries được tướng Cogny cử làm Tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi là GONO. Người chỉ huy trước đó để lại cho Castries những đơn vị xuất sắc, một tập đoàn cứ điểm được phòng ngự kiên cố, một tập hồ sơ các huấn thị giúp Castries làm tròn nhiệm vụ.

Tính đến ngày 10/12, doanh trại Điện Biên Phủ đã có 10 tiểu đoàn bộ binh và năm cỗ pháo 105. Sáu tiểu đoàn dù đã nhảy xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ vẫn đang ở lại đây. Riêng binh đoàn đổ bộ đường không số 1 do Fourcade chỉ huy từ ngày 11 sẽ rút về, chỉ còn binh đoàn 2 của Langlais.

Binh đoàn cơ động số 9 đã được đưa bằng máy bay tới miền Nam Việt Nam, gồm hai tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13, gọi tắt là DBLE. Đây là bán lữ đoàn được ca ngợi, đã liên tiếp chiến thắng trên các chiến trường Bir Hakeim, Koenig, trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Bán lữ đoàn lê dương số 13 được đặt dưới sự chỉ huy của trung tá Gaucher đã phục vụ trong đội quân lê dương suốt 25 năm nay, được ca ngợi là rất vững vàng. Ngay khi mới tới Điện Biên Phủ, Gaucher đã được Castries giao cho nhiệm vụ tổ chức các trận địa phòng ngự.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong những giờ chiếm đóng đầu tiên mới phác hoạ vài nét sơ lược nay được đại tá Castries vẽ rõ thành bản đồ. Thành trì này được hình thành trước tiên bởi sáu trung tâm đề kháng, mỗi trung tâm được mang tên một cô gái.

Tại địa điểm Mường Thanh trải dài quanh làng bản cho đến tận bờ sông Nậm Rốm nay là vị trí của các sở chỉ huy, các cơ quan thông tin liên lạc, các cụm pháo: Cơ sở hậu cần, kho tàng, sở chỉ huy không quân nhà chứa gái điếm và nơi đóng quân của ba tiểu đoàn lính dù cơ động ứng chiến.

Toàn bộ tập đoàn cứ điểm gồm tất cả hệ thống rất hỗn độn này được gọi bằng cái tên rất chung chung là “trung tâm” hoặc GONO hoặc Điện Biên Phủ.

Trung tâm đề kháng thực sự tập trung trong năm cứ điểm này bố trí thành một vành đai bảo vệ theo đường cánh cung vào khoảng một phần tư đường tròn, hướng về phía Tây Nam nơi có cánh đồng rộng lớn, rải rác trên cánh đồng là những làng bản.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên
Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên

Cụm cứ điểm mang tên Huguette bảo vệ sân bay hướng về mặt Tây và Bắc. Ở phía Đông dòng sông Nậm Rốm là một cụm cứ điểm phòng ngự, bố trí trên năm quả đồi mang tên Dominique và Eliane, che chở trung tâm tập đoàn cứ điểm.

Ở mặt Tây Bắc, cứ điểm Anne Marie được xây dựng trên một gò cao thoai thoải như cồn cát. Ở mặt Đông Nam, ngay sát đường 41 là vị trí của tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn lê dương 13, xây dựng trên ba mỏm đồi đã phát quang cây cối được coi là vị trí tiền tiêu chặn đường tiến công của đối phương.

Trung tâm đề kháng này mang tên Béatrice. Dưới chân Béatrice là một bản nhỏ bên dòng suối, gọi tên là bản Him Lam. Địa danh này sau đó sẽ trở thành tên gọi chiến thắng đầu tiên của Việt Minh.

Một viên tướng phát biểu: “Vị trí Điện Biên Phủ chỉ thật sự tỏ ra tuyệt vời trong điều kiện Việt Minh chấp nhận cọ xát tại đây. Cứ đứng im chờ Việt Minh tới như thế tốt hơn”.

Nỗi lo “Việt Minh không tiến đánh”

Castries vừa mới thay tướng Gilles thì ngày 17/12, Tổng tư lệnh Navarre tới thăm Điện Biên Phủ. Máy bay của Tổng tư lệnh cất cánh từ Hà Nội lúc 9 giờ 30 phút, chở theo một loạt nhân vạt quan trọng: Tướng Lauzin Tư lệnh không quân Đông Dương; tướng Cogny Tư lệnh chiến trường Bắc kỳ. Tướng Nguyễn Văn Hinh cũng đòi đi quan sát cứ điểm pháo đài, viện cớ tiểu đoàn dù Bảo an số 301 là đơn vị dưới quyền ông và các đại tá Berteil, Revol.

Tôi cần nói thêm, vào thời điểm lạc quan sảng khoái này, những chỗ ngồi trong các chuyến bay lên Điện Biên Phủ, nhất là những ghế hạng nhất, phải cầu cạnh mới có được. Tất cả mọi người ở Hà Nội và Sài Gòn nhất là các sĩ quan tham mưu và các cơ quan quân sự đều cố viện ra một lý do để được đi thăm thung lũng lòng chảo.

Ngồi trên máy bay, đại tá Berteil có vẻ đắc thắng một cách thầm lặng về những tính toán khẳng định Việt Minh không thể duy trì lâu cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Gần đó tướng Cogny đang cười ha hả lớn tiếng giải thích cho tướng Hinh rõ “sẽ đập nát Việt Minh tại con đê chắn sóng này như thế nào”.

Mô hình cứ điểm Điện Biên Phủ
Mô hình cứ điểm Điện Biên Phủ

Tướng Cogny và đại tá Berteil vốn không ưa nhau, nhưng trong ngày hôm đó, cả hai đều cùng chung lo ngại, chỉ sợ Việt Minh bỏ cuộc không tiến đánh Điện Biên Phủ thì thật đáng tiếc.

Đúng 10h40, chiếc chuyên cơ của tướng Navarre tắt máy ở phía đầu sân bay dã chiến, đường băng được lót bằng những tấm kim loại đục thủng, bước chân lên nghe rõ tiếng lạo xạo dưới gót. Một trung đội thuộc tiểu đoàn bộ binh Ma rốc số 5 đứng nghiêm, bồng súng chào.

Ở phía cuối đường băng, một chiếc máy bay Dakota chở các vật liệu đang chuẩn bị hạ cánh. Đại tá De Castries đứng nghiêm nghênh đón Tổng tư lệnh trong bộ quân phục dã chiến, quần ống chẽn dài đến tận mắt cá chân, giày vải mềm, áo sơ mi len màu cỏ úa, mũ ca lô và khăn quàng màu đỏ .

Tôi nhảy vội lên ghế sau của chiếc xe Jeep chở tướng Navarre do đại tá De Castries tự cầm lái. Đoàn xe đi về phía Sở chỉ huy tác chiến Tây Bắc đặt tại Mường Thanh, hai bên đường là những kho chứa dây kẽm gai những hòm đạn, bao gạo để chất đống hoặc chôn dưới mặt đất.

Từ ngày 29/11/1953, bộ mặt thung lũng đã thay đổi. Những cây xoài và cây ổi to thường phủ bóng mát trên đường làng đã bị chặt phá hết, chỉ còn lại một thân cây trơ trụi đen sì vươn những cành khô nom như những cánh tay hướng lên trời.

Thân cây đơn độc này là dấu hiệu báo cho biết đã tới chỗ đặt Sở chỉ huy bố trí sâu dưới mặt đất. Những mái nhà trong bản đã biến mất, chỉ còn lại vài chiếc cọc nhà sàn bên cạnh những lều bạt và chiến hào.

Bên trái đường, vào khoảng 2km về phía Đông, ở bờ bên kia sông Nậm Rốm có dòng nước đục ngầu chảy uốn khúc giữa đám ruộng, tôi nhận ra những cứ điểm mang tên Dominique và Eliane chạy theo hàng dọc từ Bắc xuống Nam, nom như một dãy đầu lâu trụi tóc quấn một vòng khăn bằng những lớp rào kẽm gai lộn xộn. Trên đầu dốc Eliane 2, một con đường độc đạo dẫn đến một dinh thự đổ nát trước kia là niềm hãnh diện của các quan cai trị.

Kế hoạch “hoàn hảo”

Chiếc xe Jeep dừng lại trước một đường hào hẹp chạy vào sở chỉ huy. Đây là một nhà hầm dài 15m, rộng 3m được ngăn bằng nhiều vách tre nứa. Nắp hầm được đắp đất dày tới 1m.

Phòng làm việc của đại tá Castries đặt tại ngăn giữa. Tất cả các sĩ quan trong bộ tư lệnh Binh đoàn tác chiến Tây Bắc đều có mặt đông đủ. Trên vách có treo một tấm bản đồ toàn bộ tập đoàn cứ điểm, đánh dấu rõ vị trí các cứ điểm và cả nơi bố trí lưới lửa phòng ngự. Tướng Navarre được mời ngồi trước tấm bản đồ có phủ giấy bóng, trên một chiếc bàn gập của Mỹ, đúng kiểu bàn làm việc trong sở chỉ huy dã ngoại…

Lính Pháp trấn giữ đồi A1
Lính Pháp trấn giữ đồi A1

Đại tá Castries trình bày kế hoạch phòng ngự dựa theo huấn thị của tướng Cogny đã được ghi rõ thành hai điểm ngắn gọn trên văn bản:  

1. Bảo vệ sự tự do hoạt động của sân bay đến từng chi tiết nhỏ bằng cách không cho đối phương có thể bắn phá bằng pháo nặng và đảm bảo cho máy bay hoạt động dễ dàng trong phạm vi một đường bán kính rộng 8km quanh sân bay.

2. Làm chậm khả năng tiến đánh của Việt Minh bằng cách tiến công mạnh các vị trí bao vây của Việt Minh.

Tiếp đó, đại tá Castries trình bày các biện pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự. Ngoài sáu trung tâm đề kháng nay có thêm một trung tâm nữa mang tên Isabelle đặt ở Hồng Cúm gồm hai tiểu đoàn bộ binh và hai khẩu đội pháo, đặt cách cứ điểm Claudine 5km về phía Nam. 

Đây là khoảng cách rất tốt để các cỗ pháo bắn yểm trợ cho sở chỉ huy đặt ở vị trí trung tâm, Isabelle còn có một sân bay phụ đặt trên bãi thả dù Simone, đường băng của sân bay này cũng được bảo vệ chu đáo. Cuối cùng cứ điểm Isabelle ở phía Nam còn có thể sử dụng để tổ chức những cuộc phản công giải toả cho khu Trung tâm khi cần. 

Riêng ở phía Bắc sân bay chính chưa được bảo vệ tốt. Đối phương có thể tiến đánh từ điểm cao 530 xuống. Vì vậy, đã có kế hoạch xây dựng thêm một cứ điểm nữa trên đồi Độc lập do một tiểu đoàn bộ binh trấn giữ. Cứ điểm trên đồi Độc Lập này mang tên Gabrielle. Xây dựng xong cứ điểm này cũng có nghĩa là hoàn tất việc bố trí phòng ngự tại Điện Biên Phủ.

Dự kiến, nếu ba tháng sau Việt Minh mới có thể tiến công thì đến lúc đó, tập đoàn cứ điểm phòng ngự đã có 12 tiểu đoàn bộ binh, 24 khẩu pháo 105mm, bốn khẩu pháo 155mm, 10 xe tăng Schaffee M24 được tháo rời từ Hà Nội đưa lên máy bay tới đây sẽ được lắp ráp lại.

Đoàn quân đi bộ 600km xuyên rừng trong đêm giá rét

Cùng thời điểm đó, cũng theo nhận định của Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng của Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương, sự chuẩn bị của bộ đội Việt Minh như sau.

Trong những giờ đầu tiên khi quân Pháp vừa mới nhảy xuống Điện Biên Phủ, những tiểu đoàn thuộc sư đoàn 316 đã có mặt tại vùng thượng du, nhận được lệnh bao vây quân Pháp thật gần. Tiểu đoàn 888 thuộc trung đoàn 176 là đơn vị đầu tiên đến khu vực Điện Biên Phủ đang tiến hành càn quét những đội biệt kích của Pháp ở giữa Nà Sản và Sơn La.

Quan chức Pháp và Bảo Đại thăm, động viên lực lượng tại Điện Biên
Quan chức Pháp và Bảo Đại thăm, động viên lực lượng tại Điện Biên

Sau sáu ngày hành quân cấp tốc, tiểu đoàn này đã tới những mỏm núi cao phía Đông Điện Biên. Đó là ngày Chủ nhật 29/11, đúng giữa lúc Tổng tư lệnh Navarre đang gắn huân chương khen thưởng một sĩ quan trước các tiểu đoàn dự lễ duyệt binh bên cạnh một bản ở Điện Biên Phủ.

Các trung đoàn 174 và 98 tới Tuần Giáo vào thượng tuần tháng 12, toàn bộ sư đoàn 316 đều có mặt ở khu vực Điện Biên Phủ.

Ngày 24/12, các sư đoàn mạnh thuộc lực lượng cơ động tác chiến như 308, 312, 351 được lệnh lên đường đi Điện Biên Phủ. Từ nhiều tháng trước, những sư đoàn này đóng quân trong khu vực giữa Phú Thọ và Thái Nguyên và đã chuẩn bị từ lâu để đánh đồng bằng nay lại được đưa lên vùng thượng du.

Ngay trong buổi tối 24/12, sư đoàn 308 lập tức lên đường. Trước khi tới Điện Biên Phủ, sư đoàn phải vượt khoảng 600km đi bộ xuyên rừng trong đêm giá rét. Ba mươi đêm hành quân trong sương mù trắng đục bao phủ những thung lũng cao của xứ Thái, đượm với khói toả ra từ những cây củi ẩm uớt và mồ hôi trên da thịt.

Đằng sau sư đoàn bộ binh 308, là sư đoàn pháo binh 351 hành quân trên xe tải có kéo những khẩu pháo 105. Đến Yên Bái, sư đoàn vượt sông Hồng trên phà máy ban ngày được ngụy trang kỹ.

Những chiếc xe tải này chạy ban đêm bằng đèn gầm, với tốc độ chẳng vượt quá người đi bộ nhiều lắm, bánh xe luôn vấp phải ổ gà trên đường vượt sông suối trên đá ngầm, sa lầy trên đường trơn có những hố bom vừa mới san lấp vội vã.

Những khúc ngoặt trên đèo đã được mở rộng cho xe kéo có lối vòng, nhưng khi lên đèo vẫn cứ phải đẩy bằng tay để trợ lực cho máy ô tô đã kiệt sức.

Cuối cùng, sư đoàn 312 rời khỏi nơi đóng quân sau khi hai trung đoàn của sư đoàn 304 từ Thanh Hoá đến thay thế.

Ngày thứ Bảy, 28/11, Sở Tình báo quân sự Pháp tại Hà Nội đã có thể trình lên tướng Navarre bản sơ đồ lịch trình hành quân của lực lượng cơ động chủ lực Việt Minh đang tiến lên vùng Tây Bắc. Giữa trục đường hành quân được đánh dấu từng ngày với trục ghi tên các làng bản đối xứng, những chấm đỏ chỉ các đơn vị Việt Minh nhích dần theo đường kẻ màu đen hướng về địa danh Điện Biên Phủ.

Tình báo Pháp ước tính đến ngày 15/1/1954, tướng Giáp đã có thể tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 30 tiểu đoàn quân chính quy, 24 khẩu pháo 105, 24 khẩu sơn pháo 75 mm, nhiều súng cối loại nặng pháo phòng không…

Quân Pháp tin tưởng sức mạnh mãy bay sẽ “đè bẹp” bộ đội Việt Minh
Quân Pháp tin tưởng sức mạnh mãy bay sẽ “đè bẹp” bộ đội Việt Minh

Tướng Navarre ngồi ở bàn giấy, lắng nghe thiếu tá trưởng ban 2 Levain trình bày. Tình báo Pháp đặt câu hỏi nếu Điện Biên Phủ cầm cự được trong vòng một tháng, hai tháng thì ngược lại Việt Minh có thể kéo dài cuộc tiến công được bao lâu?

Việt Minh có 7.000 binh lính chiến đấu cách xa các căn cứ hậu phương 400km và cách các cửa khẩu khoảng từ 600 – 700km. Hàng vạn tấn đạn dược lương thực phải chuyển vận bằng 500 xe tải trên con đường duy nhất là quốc lộ 41 đang bị hư hại vì máy bay thường xuyên bắn phá.

Tướng Pháp Lauzin đã nghiên cứu kỹ vấn đề này. Ông đã tập trung đánh phá các trọng điểm và kiểm tra lại kết quả bằng ảnh chụp từ máy bay. Tất cả các cơ quan tham mưu các cấp cũng đều đặt câu hỏi: Liệu Việt Minh có thể duy trì được sức chiến đấu ở Điện Biên Phủ được bao lâu?

Tính toán của Pháp về sức chiến đấu Việt Minh

Tại Tổng hành dinh đặt trong trại Desmarres ở Sài Gòn, đại tá Berteil, Cục phó Cục Tác chiến, làm việc suốt 18 tiếng mỗi ngày. Nóng nực và mệt mỏi không có tác động gì với viên sĩ quan tốt nghiệp tham mưu có lý luận, khô khan và lạnh lùng.

Ông là người đã có thâm niên chẵn 50 năm. Ông cũng là người duy nhất đã dự báo phản ứng của tướng Giáp khi quân dù đánh chiếm Điện Biên Phủ. Trong đêm khuya đại tá Berteil vẫn ngồi một mình cặm cụi tính toán.

Với một tiểu đoàn bộ binh, mỗi ngày cần phải có 1.000kg gạo tức 30 tấn mỗi tháng, tức 15 xe chuyên chở trong suốt 20 ngày… Vậy thì phải huy động tới 300 xe tải chuyên để lo ăn cho bộ đội tức là toàn bộ số xe mà Việt Minh có thể có được.

Dân công gánh gạo
Dân công gánh gạo

Ngoài lương thực, Việt Minh còn phải chuyển vận đạn dược, chất nổ, xăng dầu, thuốc men và tất cả mọi thứ cần dùng cho một đội quân chiến đấu. Cũng phải tính đến những chuyện chậm trễ vì con đường độc đạo thường xuyên bị ném bom, phải chở các vật liệu tới để sửa chữa nối liền những đoạn đường bị cắt phá. Vì vậy Việt Minh phải có ít nhất 2.000 xe tải để chở nhiều tấn lương thực các dụng cụ sửa đường, hàng ngàn mét khối xăng dầu, hàng ngàn tấn đạn dược…

Berteil đã tính toán một cách rất hợp lý. Vì vậy, ông đã tự khen và rất vui mừng khi thấy Tổng tư lệnh ký vào bản chỉ thị ngày 3/12, trong đó có câu: “Tôi quyết định chấp nhận chiến đấu với Việt Minh trên chiến trường Tây Bắc”.

Hai năm sau, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đổ sụp, trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp Jean Ferran đăng trên tờ Paris Match số 370, ngày 12/5/1956, tướng Giáp cũng nói:

“Việc người Pháp chọn thung lũng Điện Biên Phủ là có suy nghĩ. Họ có cân nhắc kỹ mặt tốt, mặt xấu. Họ đã tính toán hợp lý: Điện Biên Phủ nằm rất xa các hậu cứ của quân đội Việt Minh, và cũng xa các hậu cứ của Pháp. Nhung Pháp sẽ giải quyết vấn đề bằng không quân. Việt Minh không có máy bay. Tính toán như vậy là rất hợp lý. Nhưng…”

Trong buổi tướng Navarre đang ngồi tại Hà Nội nghe Cục Quân báo thuyết trình thì tướng Giáp đã tới Tuần Giáo từ lúc chưa rạng đông, cách sở chỉ huy tác chiến của quân Pháp 70 km.

Ngồi trên chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm, ông đã vượt những đoạn đường lầy lội, lồi lõm của quốc lộ 41 trong suốt ba đêm. Các đoàn dài lính bộ binh thuộc các sư đoàn thiện chiến dạt sang hai bên đường, nhường chỗ cho xe của Tổng tư lệnh vượt qua.

Trong xe, tướng Giáp mặc bộ đồ chẳng khác gì người lái xe. Tướng Giáp cho dừng xe để kiểm tra công việc của các trung đoàn công binh đang mở rộng đường vòng. 

Đến Thuận Châu, ông nghỉ trong nếp nhà tranh của người Thái, chờ đến đêm sẽ đi một mạch vượt đoạn đèo dài 50km lượn giữa đám cỏ tranh đung đưa theo chiều gió. Đây là đoạn đường nguy hiểm nhất vì hoàn toàn không có cây che phủ, không có chỗ nào để giấu xe hoặc ngụy trang, và các máy bay Pháp thường tới ném bom ngay từ sáng sớm.

Bộ đội kéo pháo vào trận địa
Bộ đội kéo pháo vào trận địa

Tướng Giáp xuống xe, dùng bàn chân nắn những hố bom đã được lấp đất. Trên từng cây số ông đã đánh giá những khó khăn trên con đường và những kết quả công tác để giữ cho con đường được lành lặn.

Sức mạnh quân Pháp không tính tới

Đến Sở chỉ huy tác chiến đặt trong một khu rừng rậm, tướng Giáp nghe cán bộ quân báo nói về tình hình Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong thung lũng lòng chảo quân Pháp đã làm một đường băng cất cánh, hạ cánh cho máy bay, tăng thêm quân, pháo, chiếm đóng các điểm cao phía đông bờ sông đào các chiến hào, quây các lớp rào kẽm gai quanh các cứ điểm…

Phải tính kỹ cái giá phải trả cho việc tiến đánh Điện Biên Phủ. Đến cuối tháng 1/1954, cần phải đưa tới đây hơn 5.000 tấn gạo cho bộ đội, 25 ngàn đạn pháo 105, 1.000 tấn xăng, hàng triệu đạn súng trường và súng máy. Ngoài ra, còn cần phải huy động hàng ngàn người để sửa chữa khoảng từ 250 - 300 km đường bị phá hoại.

Ngày 6 /12/1953, tướng Giáp ra lời kêu gọi “vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tích cực sửa đường, ngoan cường chiến đấu, chiến thắng đói rét, xốc tới Điện Biên Phủ, tiêu diệt địch, giải phóng đồng bào Tây Bắc…”.

Lệnh động viên của Tổng chỉ huy được các chính trị viên truyền đạt tới chiến sĩ, các cán bộ chính trị truyền tới nhân dân, đài Tiếng nói Việt nam đọc lại từng câu trong nhiều ngày.

Từ các bản làng, từng đoàn dân công lặng lẽ bí mật lên đường dọc theo quốc lộ 41 dài 600km từ nơi xuất phát. Họ lập lán trại ngay gần những trọng điểm thường bị ném bom. Khi lặn mặt trời họ đến những nơi đã bị máy bay phá hoại trong ngày.

Mang theo những chiếc rổ nhỏ bé, những cuốc xẻng, họ lấp các hố bom dưới ánh sáng của những ngọn đuốc. Không gì có thể cản trở được sức lao động của họ: Mệt mỏi, đói rét, bệnh tật và cả những quả bom nổ chậm hoặc những quả bom cạm bẫy gọi là “bom bướm” vừa chạm nhẹ vào đã phát nổ ngay lập tức.

Các cứ điểm của Pháp
Các cứ điểm của Pháp

Cũng không gì có thể ngăn nổi luồng gạo và đạn suốt đêm từ từ chảy ngược lên phía tập đoàn cứ điểm của Pháp. Đêm nào cũng có tới hàng chục ngàn người đen kịt, đông như kiến, gồng gánh tiếp vận trên tuyến đường thiêng liêng. Đến khi trời sáng, máy bay Pháp bay lên chụp ảnh thì con đường đã vắng ngắt, phi công chỉ nhìn thấy rất rõ các đoạn bị bom phá hoại đã được sửa chữa xong.

“Điện Biên Phủ. Đó là một sự tính toán hợp lý”. Tướng Giáp đã nói với nhà báo Pháp Jean Ferran như vậy. Nhưng ông còn nói thêm: “Sự tính toán hợp lý vẫn chưa phải đã có giá trị. Chính nhân dân mới là người tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần”. Đúng vậy.

Mời đón đọc kỳ sau.

Đọc thêm