Diễn biến vụ cán bộ nhiệt tình tự ý đấu giá đất làm nông thôn mới: Chứng cứ chưa thực sự thuyết phục, tòa vẫn tuyên án tù

(PLO) -Như PLVN đã đưa tin, nguyên trưởng thôn và hai phó thôn Tăng Long (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi thực hiện dồn điền đổi thửa tại địa phương. Các cơ quan tố tụng căn cứ vào hợp đồng giao đất buộc tội nhóm bị cáo. Thế nhưng có đến 3 bản hợp đồng như thế với những điểm khuất tất chưa được làm rõ?
Nhóm nguyên cán bộ thôn Tăng Long vướng lao lý

Ba bị cáo gồm các ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1957, nguyên trưởng thôn, trưởng tiểu ban dồn điền đổi thửa (DĐĐT) 2011-2013 thôn Tăng Long) và hai phó thôn kiêm ủy viên tiểu ban Nguyễn Văn Cương (SN 1965), Nguyễn Xuân Quảng (SN 1955).

Năm 2011, thôn Tăng Long triển khai thực hiện DĐĐT. Do phần lớn đồng ruộng chỗ trũng, chỗ cao khó canh tác nên người dân chỉ đồng ý nhận ruộng sau khi đã được san lấp bằng phẳng. Kinh phí được cấp lại chỉ đủ đầu tư giao thông thủy lợi.

Vì thế, các bị cáo khai đã đến gặp chủ tịch xã báo cáo tình hình và được đồng ý cho thôn tự tìm nguồn kinh phí. Họp thôn, người dân cũng thống nhất cho đấu thầu hai khu ruộng trũng bỏ hoang để lấy kinh phí. Việc này cũng được báo cáo lãnh đạo xã. 

Tháng 3/2012, thôn Tăng Long tổ chức đấu thầu khu đồng trũng Cây Đề và lãnh đạo thôn kí hợp đồng giao đất dài hạn cho người trúng thầu. Số tiền thu được thôn sử dụng vào việc chi trả tiền san lấp mặt bằng. Do còn thiếu nợ chủ san lấp 120 triệu đồng nên lãnh đạo thôn trả nợ bằng cách cho thuê khu Đồng Cung (chưa ai thuê).

Công tác DĐĐT tại thôn Tăng Long nhờ thế hoàn thành trước thời hạn, không có ý kiến khiếu nại. Tháng 3/2013, các lãnh đạo thôn trên hết nhiệm kì. Nhưng đến cuối năm, cả 3 bị công an mời làm việc, sau đó bị khởi tố do có người tố cáo thôn bán đấu giá đất, kí hợp đồng giao đất trái thẩm quyền (khu đất trên thuộc thẩm quyền của xã).

Cuối tháng 8/2016, tòa án huyện Sóc Sơn mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sau 5 lần hoãn. Đại diện UBND huyện xin xét xử vắng mặt, đại diện ủy ban xã là Phó chủ tịch.

Tại tòa, cả 3 bị cáo nói làm việc vì lợi ích chung, không hề vụ lợi và bức xúc khi xã “phủi tay” phủ nhận trách nhiệm. Còn làm việc với CQĐT, UBND xã Việt Long trả lời chỉ cho chủ trương “tự tìm nguồn vốn” chứ không cho phép đấu thầu.

Đặc biệt, người dân tại tòa đều xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo vốn là các cán bộ năng nổ. Tuy nhiên, tòa lần nữa hoãn xử do đại diện xã nói mới nhậm chức không biết rõ sự việc, không thể trả lời thẩm vấn tại tòa. 

Đầu tháng 9/2016, tòa án huyện Sóc Sơn mở lại phiên tòa xét xử nhóm cán bộ thôn. Lần này, vẫn đại diện xã Việt Long dự tòa lần trước khẳng định chính quyền xã không hay biết chuyện 3 bị cáo kí hợp đồng giao đất và lãnh đạo xã cũng không đến dự các phiên họp dân như bị cáo khai.

Tình tiết mới tại tòa: luật sư của các bị cáo cung cấp bằng chứng mới là hợp đồng được cho bản gốc. Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng buộc tội ba bị cáo dựa vào hai bản hợp đồng giao đất do thôn kí kết với các hộ dân trúng thầu.

Luật sư bào chữa thân chủ không vì mục đích vụ lợi cá nhân, không có động cơ cá nhân khác mà nhằm làm lợi cho người dân. Luật sư cho rằng nhóm bị cáo kí hợp đồng như vậy vì không hiểu biết pháp luật.

Trước khi kí, trưởng thôn đã xin ý kiến ủy ban xã, phát trên loa truyền thanh. Đặc biệt lúc đó có ông Nguyễn Viết Lãng - Phó chủ tịch xã Việt Long tham dự hội nghị toàn dân, nhưng CQĐT chưa làm rõ điều này.

Luật sư trình bày tiếp, CQĐT và VKSND huyện Sóc Sơn chỉ căn cứ vào hợp đồng đấu thầu dài hạn và đơn tố cáo để truy tố 3 bị cáo là không có cơ sở, vì cho rằng những bản hợp đồng này là giả mạo. 

Cụ thể, các bị cáo khai hợp đồng có hai trang thì họ đều kí tên, nhưng hai bản hợp đồng CQĐT và VKS huyện Sóc Sơn sử dụng làm căn cứ buộc tội có nhiều nghi vấn. Tại một hợp đồng, ông Dũng trưởng thôn là chủ thể kí kết nhưng tại trang thứ nhất, có bản thì người tố cáo kí nháy, có bản thì cán bộ tư pháp xã (người có tham gia đấu thầu đất ruộng) kí nháy, có bản thì do Phó chủ tịch xã Việt Long kí tên, đóng dấu xác nhận. Trong khi đó UBND xã và cá nhân cán bộ này lại nói không biết việc kí kết này. 

Sau khi nêu những khuất tất tại các hợp đồng trên, luật sư đã cung cấp cho tòa bản hợp đồng được cho là bản gốc. Đối chiếu với hai hợp đồng cơ quan tố tụng làm căn cứ luận tội thì hợp đồng này chỉ khác ở tờ thứ nhất hai đặc điểm: một, hợp đồng luật sư cung cấp có chữ kí của 3 bị cáo ở cuối trang thứ nhất; hai, cũng tại trang thứ nhất, có điều khoản:

“Bên B sẽ nhận diện tích đất bằng một văn bản khác. Hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi hai bên kí biên bản bàn giao đất”. Trong hợp đồng còn ghi thời gian: “Hai bên sẽ thống nhất bằng văn bản cụ thể và chỉ có hiệu lực khi hai bên kí xác nhận”. 

Mặt khác CQĐT không thu thập được biên bản bàn giao đất và văn bản xác nhận hợp đồng. Bởi vậy luật sư cho rằng đủ căn cứ khẳng định hợp đồng đại diện thôn Tăng Long kí với thân chủ chưa có giá trị pháp lý và các bị cáo không phạm tội.

“Các cơ quan tố tụng chưa điều tra làm rõ hợp đồng nào là giả, hợp đồng nào là thật? Tôi cho rằng có người làm giả hợp đồng tố cáo oan sai, đề nghị HĐXX phải triệu tập bổ sung thêm một số nhân chứng, làm rõ trách nhiệm của chính quyền xã trong vụ án này”, luật sư nói.

Tuy nhiên, VKS bảo lưu quan điểm luận tội, còn HĐXX chỉ ghi nhận tiếp nhận thêm chứng cứ, bác đề nghị của luật sư. Kết thúc phiên tòa, tòa tuyên phạt bị cáo Dũng 15 tháng tù, bị cáo Quảng 12 tháng tù và bị cáo Cương 9 tháng tù. Cả ba bị cáo đã làm đơn kháng cáo và TAND Hà Nội đang thụ lý.

Đọc thêm