Diễn biến vụ người nuôi cá tầm trong nước điêu đứng: Văn phòng Chính phủ đề nghị 5 Bộ vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan đến các kiến nghị của Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng (Hiệp hội), Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có công văn đề nghị các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Tài chính, Y tế; và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; căn cứ quy chế của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, xử lý các kiến nghị của đại diện người nuôi cá tầm trong nước.
“Cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được thông quan dù không có giám định của cơ quan khoa học CITES”, theo phản ánh của Hiệp hội.

“Cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được thông quan dù không có giám định của cơ quan khoa học CITES”, theo phản ánh của Hiệp hội.

Các chỉ đạo chưa được các Bộ thực hiện nghiêm túc

Trong Công văn 836/VPCP-KTTH ban hành mới đây, VPCP cho biết, nhận được Văn bản số 8693/BC-BNN-TCLN ngày 22/12/2021 của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về các nội dung phản ánh và kiến nghị của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 138/2016/NĐ-CP và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, VPCP chuyển văn bản nêu trên đến các bộ, cơ quan liên quan để nghiên cứu, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Như vậy trong vòng 1 năm, đây là lần thứ hai VPCP đã phải có văn bản gửi một số bộ, ngành đề nghị xử lý thông tin liên quan đến vấn đề nhập khẩu cá tầm, đang ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nuôi cá tầm trong nước.

Trước đó, sau khi PLVN phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ… tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường cá tầm, ngày 16/1/2021, VPCP cũng đã có Văn bản 378/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý thông tin Báo nêu, xem xét, xử lý theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay vấn đề còn tồn tại trong việc kiểm soát việc nhập khẩu cá tầm từ cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được giải quyết và có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm.

Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Bộ NN&PTNT (cơ quan thẩm quyền quản lý CITES, Tổng cục Thủy sản) là cơ quan chịu trách nhiệm trong phối hợp, kiểm tra, xác định, kết luận hàng hóa nhập khẩu có phù hợp với Giấy phép CITES, thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (Danh mục) hay không. Theo Bộ Tài chính, việc Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm nhưng không phối hợp hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát cá tầm nhập khẩu đảm bảo phù hợp Giấy phép CITES và thuộc Danh mục; đã gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong quá trình thực thi.

Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, minh bạch chính sách quản lý với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể; chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ trực thuộc phối hợp hải quan trong kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có phù hợp giấy và có thuộc Danh mục hay không.

Số cá tầm chưa thông quan được xử lý ra sao?

Theo tìm hiểu của PV, hiện đang có 16 DN đã tham gia nhập khẩu cá tầm, trong đó có một số DN thường xuyên nhập khẩu cá tầm như: Cty TNHH Thuỷ hải sản Sỹ Hưng, Cty TNHH Thuỷ hải sản Thanh Tú, Cty TNHH Đầu tư & Xuất nhập khẩu An Hưng, Cty TNHH Nông lâm thủy sản Đức Vui, Cty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Hòa Hưng...

Các lô cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, qua các cửa khẩu đường bộ và theo khai báo hải quan là cá tầm Siberi hoặc cá tầm Nga Acipenser Gueldenstaedtii.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ tháng 1/2021 đến nay các lô cá tầm nhập khẩu của DN đều phải lấy mẫu giám định xác định chủng loại. Tuy nhiên, do kết quả giám định không rõ ràng nên có gần 100 tờ khai nhập khẩu cá tầm không đủ cơ sở pháp lý nên chưa được thông quan. Điều này có nghĩa DN nhập khẩu không thể đưa số cá tầm vào sản xuất, tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội, vào tháng 10/2021, qua tìm hiểu thực tế, phát hiện DN nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vi phạm pháp luật vẫn không bị cấm mà vẫn được cấp phép nhập khẩu với số lượng hàng ngàn tấn.

“Cá tầm có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được thông quan dù không có giám định của cơ quan khoa học CITES. Hệ quả là cá tầm Trung Quốc vẫn được bán tràn ngập thị trường trong nước làm cho người nông dân chúng tôi càng điêu đứng, cơ cực. Hiệp hội chúng tôi đang nghiên cứu để trình báo vấn đề này tới cơ quan chức năng để làm rõ”, Hiệp hội phản ánh.

Liên quan đến các kiến nghị của người dân cũng như đề xuất của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan… PV đã liên hệ làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan này.

Đọc thêm