Diễn biến xử lý kiến nghị của người nuôi cá tầm: Tổng cục Lâm nghiệp trả lời ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù thừa nhận với phương pháp giám định hiện nay các cơ quan khoa học CITES mà Bộ NN&PTNT giới thiệu khó đưa ra kết luận rõ ràng về loài cá tầm có đúng với giấy phép cấp cho DN nhập khẩu hay không; nhưng Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN - Bộ NN&PTNT) lại không nhắc đến việc tạm dừng cấp phép CITES cá tầm nhập khẩu theo đề nghị từ phía Tổng cục Hải quan (TCHQ) đưa ra trước đó.
Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng cảnh báo thực trạng cá tầm lai tạp đội lốt thuần chủng để nhập ồ ạt đe dọa sự sống còn ngành nuôi cá trong nước.

Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng cảnh báo thực trạng cá tầm lai tạp đội lốt thuần chủng để nhập ồ ạt đe dọa sự sống còn ngành nuôi cá trong nước.

Chưa biết khi nào có hướng dẫn mới về giám định

Trước đó, trong quá trình lấy mẫu, phối hợp các cơ quan khoa học CITES giám định cá tầm nhập khẩu, cơ quan hải quan phản ánh gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục thông quan. Đó là kết quả giám định của các cơ quan khoa học CITES mà Bộ NN&PTNT giới thiệu không kết luận cụ thể giống loài, con lai hay con thuần chủng cá tầm nhập khẩu có đúng với tên ghi trên Giấy phép CITES mà bộ này cấp cho DN hay không.

Để giải quyết vấn đề, Bộ Tài chính, TCHQ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ quan giám định; tạm dừng cấp Giấy phép CITES với cá tầm nhập khẩu cho đến khi có cơ quan xác nhận chính xác giống loài, con lai, con thuần chủng đúng với giấy phép CITES của cá tầm nhập khẩu.

Trả lời PV về đề xuất này, TCLN cho biết, cơ quan này và TCHQ đang phối hợp, tham mưu hai Bộ tiếp tục có giải pháp phù hợp trong giải quyết một số khó khăn, vướng mắc hiện nay trong sản xuất, kinh doanh, thương mại cá tầm.

Liên quan vấn đề giám định, theo TCLN, danh sách các cơ quan khoa học CITES do Bộ NN&PTNT chỉ định đã được giới thiệu với hải quan. Trên thực tế, với sự giới thiệu của Bộ NN&PTNT, sự phối hợp của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES (thuộc TCLN), nhiều Chi cục Hải quan đã thực hiện việc trưng cầu giám định để ra quyết định thông quan hàng hoá.

“Mấu chốt của vấn đề hiện nay là ở khâu giám định mẫu vật cá tầm. Các cơ quan khoa học CITES và/hoặc các cơ quan giám định (do hải quan trưng cầu) chưa đưa ra kết luận rõ ràng về loài cá tầm cụ thể khi thực hiện giám định các mẫu cá tầm được hải quan trưng cầu. Việc giám định loài thuần chủng là khó khăn chung của Ban Thư ký CITES cũng như của các cơ quan khoa học CITES tại các nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại cá tầm trên thế giới”, TCLN cho hay.

Trong văn bản gửi PV, không thấy TCLN đưa ra thời hạn cụ thể, cũng như định hướng sắp tới sẽ sử dụng phương pháp giám định nào để giải quyết vướng mắc mà phía Bộ Tài chính đề nghị. Cơ quan này chỉ thông tin chung chung là “đã đề nghị các cơ quan khoa học CITES khẩn trương hoàn thành việc giám định cá tầm nhập khẩu; cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (CQTQ) đã chia sẻ các hướng dẫn định loại cá tầm của Ban Thư ký CITES với các cơ quan khoa học CITES Việt Nam để tham khảo áp dụng”.

“Chưa có căn cứ pháp lý” để tạm dừng cấp phép?

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, hiện có 16 DN tham gia nhập khẩu cá tầm. Năm 2021, số lượng cá tầm nhập khẩu hơn 1.878 tấn, kim ngạch nhập khẩu hơn 8,9 triệu USD. Các lô cá tầm nhập về tiêu thụ trong nước chủ yếu nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, qua các cửa khẩu đường bộ và theo khai báo hải quan là cá tầm Siberi hoặc cá tầm Nga Acipenser Gueldenstaedtii.

Thế nhưng, thu mẫu cá tầm thương phẩm của cơ quan chức năng gần đây tại một số chợ đầu mối của Hà Nội và TP HCM, cho thấy hơn 80% các mẫu không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng cảnh báo thực trạng cá tầm lai tạp đội lốt thuần chủng để nhập ồ ạt về trong nước đang ngày càng trở nên đáng báo động, đe dọa sự sống còn ngành nuôi cá trong nước.

Tuy nhiên, liên quan đến đề xuất tạm dừng cấp phép CITES với cá tầm nhập khẩu cho đến khi các cơ quan xác nhận giống loài, con lai, con thuần chủng đúng với giấy phép CITES, TCLN cho rằng, việc cấp giấy phép hay tạm dừng cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm cần phải thực hiện đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản, thương mại; tuân thủ quy định của Công ước CITES.

Theo cơ quan này, CQTQ chỉ cấp giấy phép CITES nhập khẩu với cá tầm sống, gồm Xiberia (Acipenser baerii) và cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii) từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm.

Trên phạm vi quốc gia, việc tạm dừng cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm hiện chưa có căn cứ pháp lý áp dụng. Với tổ chức, cá nhân cụ thể, CQTQ thực hiện việc dừng cấp giấy phép CITES nhập khẩu cá tầm sống nếu chủ thể nhập khẩu vi phạm điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định 06/2019-NĐ-CP. “Tuy nhiên, trường hợp chủ thể nhập khẩu vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng có thẩm quyền đề nghị xử lý bằng hình phạt bổ sung như thu hồi hay dừng cấp Giấy phép CITES thì CQTQ sẽ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật”, theo TCLN.

Trả lời câu hỏi của PV, quan điểm của TCLN về thông tin từ tháng 2/2022 đến nay có 100 tờ khai hải quan cá tầm nhập khẩu chưa được thông quan do vấn đề giám định không xác định được sự phù hợp với giấy phép, TCLN cho biết: Việc quyết định thông quan hàng hóa thuộc thẩm quyền của Hải quan. Do có khó khăn trong việc giám định cá tầm, nên việc tiếp tục phối hợp giữa hai Tổng cục cũng như giữa các cơ quan hữu quan với nhau để cùng xử lý vấn đề này là rất cần thiết. “Chúng tôi đang đề xuất phương hướng giải quyết việc thông quan không chỉ với các lô hàng cá tầm theo thông báo của Bộ Tài chính mà còn với các lô hàng đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định, phù hợp với thực tiễn”, TCLN cho biết.

Báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính khẳng định, căn cứ Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm trong phối hợp, kiểm tra, xác định, kết luận hàng hóa nhập khẩu có phù hợp với Giấy phép CITES, thuộc danh mục hay không. Việc Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm nhưng không phối hợp hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát cá tầm nhập khẩu đảm bảo phù hợp Giấy phép CITES và thuộc danh mục gây khó khăn cho hải quan trong quá trình thực thi.

Đọc thêm