Điện và giá điện

(PLVN) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg. Bất cứ giá cả gì liên quan đến “túi tiền” của dân đều nhạy cảm. Có thể nói, “tính giá”, ở đây đang nói giá điện đang thể hiện một sự lúng túng của Bộ Công Thương.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án giá điện sinh hoạt. Một là phương án giá điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành còn 5 bậc. Hai là, Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá). Đây là phương án mới, chưa từng xuất hiện trong các dự thảo trước đó của Bộ Công Thương. Ở phương án thứ 2 này, Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến.

Có thể thấy với giá điện bậc thang mới, nhóm khách hàng dùng 400 số trở xuống có số tiền điện phải đóng ít hơn so với bậc thang cũ. Tuy nhiên, nếu nhóm khách hàng này lựa chọn dùng điện một giá, thì số tiền phải đóng lại tăng hơn rất nhiều so với việc sử dụng giá điện bậc thang. Với bậc thang mới, khách hàng dùng 700 số trở xuống có số tiền điện phải đóng cao hơn so với bậc thang cũ, tuy nhiên mức tăng là không đáng kể. Trong khi, nếu dùng điện một giá, nhóm khách hàng này cũng phải chịu tiền điện cao hơn dùng điện bậc thang.

Với bậc thang mới, theo tính toán, khách hàng dùng 800 số có số tiền điện phải đóng cao hơn đáng kể ở bậc thang cũ. Còn nếu dùng điện một giá, số tiền khách hàng này phải đóng thấp hơn nhiều so với việc dùng điện bậc thang. Do đó, khách hàng dùng 701 số trở lên có thể lựa chọn phương án sử dụng điện một giá.

Có thể thấy, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến vẫn dựa trên cơ sở khuyến khích tiết kiệm điện, dùng càng nhiều giá càng cao. Lý do điện là hàng hóa đặc thù. Điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo sang, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên,...) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí. Mặt khác, cung về điện hiện chưa đáp ứng đủ tốc độ tiêu thụ điện hàng năm.

Ngày xưa, khách hàng của ngành Điện chỉ có “hộ sản xuất” và “hộ gia đình”. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng phát triển, “hộ gia đình” trung lưu ngày càng lớn, mới sinh ra thiết kế “bậc thang”. Xin nhớ, đây mới là dự thảo, phát đi “thông điệp chính sách” liên quan tới việc tiết kiệm điện.

Vấn đề người dân quan tâm là bản thân ngành Điện cũng phải tiết kiệm trong sản xuất, truyền dẫn và quản lý nội bộ. Bởi giá điện còn phải phản ánh đúng, đủ, công khai, minh bạch. Giá điện không chỉ “đánh” vào thu nhập và kết cấu hàng hóa của những ngành hàng khác nên vô cùng “nhạy cảm”.