Mẹ nhớ mãi buổi chiều tháng hai ấy, khi lần đầu tiên mẹ dẫn con bước qua một cánh cổng trường tiểu học để xin học, vì qua hè năm ấy, con sẽ vào lớp một.
Khi đó, con mới vừa qua 5 tuổi, là một cậu bé nhút nhát, nội tâm. Con biết đọc từ sớm và vì thế, thay vì chạy nhảy hò hét như những cô cậu bé khác trong khu nhà, đọc sách, đọc truyện trở thành thú vui của con. Đôi khi con ra sân chơi – cũng chỉ chơi với những cậu bé thân quen. Đối với nỗ lực của bố mẹ đưa đi tham gia các hoạt động ngoài trời, gặp gỡ giao lưu, con không từ chối nhưng cũng không nhiệt tình cho lắm. Và, ở chỗ đông người đó, thay vì cùng bọn trẻ xúm đầu vào chơi điện tử, con có thể chui vào một góc đọc sách… kỹ thuật – niềm đam mê của con.
Đến trường, hôm đó người đón tiếp mẹ con mình là một giáo viên lâu năm nay đảm nhiệm công tác quản lý. Sau khi nghe mẹ trình bày tình trạng nhút nhát và sống khép kín của con, bà hỏi con đôi câu, rồi bảo con hát một bài. Và theo bản tính nhút nhát lẫn việc không thích hát như rất nhiều đứa con trai khác, con rụt rè từ chối.
Đột nhiên, bà giáo viên nói toẹt vào mặt mẹ: “Tự kỷ rồi, con nhà chị tự kỷ rồi”. Mẹ, một người mẹ rất có ý thức với con cái và có kiến thức nhất định về sự đa dạng của các biểu hiện tự kỷ, kiềm chế bày tỏ: “Vâng, cháu nhà tôi nhút nhát”. Chưa nghe hết câu mẹ nói, bà giáo viên át đi: “Chị phải đối mặt đi, nhà tôi có cháu tự kỷ tôi biết, bố mẹ không bao giờ chấp nhận thực tế con mình bị tự kỷ đâu”.
Sau khi “kết luận” về mẹ con mình như vậy, bà giáo viên không đồng ý nhận con vào học chính thức, chỉ chấp nhận “học thử” một tháng. Mẹ từ chối việc học thử, bởi cho rằng, với cách nhìn nhận đó, những đứa trẻ khác biệt càng dễ trở thành khác biệt hơn mà thôi…
Giờ con học hết lớp 3, tất nhiên là ở một ngôi trường khác, nơi đã giang tay đón con như bao đứa trẻ bình thường khác. Con là một học sinh tiểu học như tất cả các học sinh tiểu học khác, với khả năng cộng trừ nhân chia, làm văn theo chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo, với lượng giờ tiếng Anh gấp mấy lần các bạn khác vẫn vui vẻ trả bài, với những giờ tập piano tích cực và chơi bóng rổ, bơi lội hào hứng...
Nhưng mỗi lần hai mẹ con đi qua ngôi trường ngày nào ấy, con vẫn kể trong này có bà giáo bảo con tự kỷ, dù rằng bản thân chẳng hiểu tự kỷ là thế nào.
Và mẹ, nhìn vào cái cổng có trang trí hình Khuê Văn Các ấy, lòng thắc mắc một câu hỏi: “Một bà giáo quản lý, một chuyên gia sư phạm, sẽ dạy gì cho bọn trẻ khi có thái độ phũ phàng như thế trước mặt phụ huynh và một cậu bé 5 tuổi?”.
Bởi, một điều mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần, chứ không riêng gì trẻ tự kỷ, đó là được yêu thương…