“Mẹ ơi con không thích trường này”
Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng hễ nhắc đến chuyện học hành của Sóc, chị Huyền Nam ở Đống Đa, Hà Nội vẫn giật mình thon thót. Bé Sóc được mẹ gửi trẻ từ khi 2 tuổi ở một cơ sở tư nhân gần nhà. Các cô ở đây rất yêu Sóc và Sóc cũng mến các cô nhưng cái cảm giác con phải học ở một cơ sở tư nhân bé tí trong khi gia đình hoàn toàn có điều kiện để gửi con ở trường Tây hoành tráng khiến chị Nam không hài lòng.
Sau nhiều lần suy tính, năm nay chị Nam quyết định chuyển trường cho Sóc. Chị chọn một trường lớn, chuẩn quốc gia, uy tín, hoành tráng để gửi con. Mất khá nhiều công sức, cuối cùng chị cũng toại nguyện. “Nhưng rồi mình lăn tăn ngay khi bước chân tới trường nhập học cho con. Cảm giác trường chuẩn, trường oai nên các cô có vẻ “chảnh”, không có sự thân thiện như trường cũ của Sóc”, chị Nam tâm sự.
Nghĩ thế nhưng vì đã quyết “đầu tư bài bản cho con từ mẫu giáo” nên chị vẫn thuyết phục chồng và ông bà nội ngoại cho con chuyển trường. Điều mà chị không ngờ đó là sự phản ứng kinh khủng của bé Sóc. “ Hôm đầu tiên tới trường, Sóc bám chặt lấy mẹ và khóc ầm lên: con không thích trường này, cho con về trường Tomato (tên trường cũ của Sóc). Những ngày tiếp theo, đi học là một nỗi ám ảnh thực sự của Sóc, đến nỗi trong giấc ngủ con cũng khóc không thành tiếng rồi quờ quạng gọi cô Hằng ơi (tên cô giáo cũ) cho con về chơi với Bông”, chị Nam kể.
Vừa thương vừa xót con nhưng các cô ở trường mới thì bảo con chưa quen trường thôi, rồi một thời gian con sẽ quen nên chị Nam vẫn cắn răng đưa con tới trường. Mỗi ngày màn con ôm chân mẹ khóc đòi về và mẹ gạt nước mắt dứt tay con ra lại diễn ở cổng trường. Cho tới khi Sóc có biểu hiện khủng hoảng tới mức cô giáo mới gọi cho bố mẹ tới giữa giờ thì chị Nam mới thực sự nhận ra mình đã sai.
Chị tâm sự: “Tôi đã khóc như mưa khi nhìn thấy con ngồi ngơ ngáo giữa các bạn trong ngôi trường đạt chuẩn. Con không chịu ăn, không chịu ngủ và chống đối lại cô bằng cách đi vệ sinh tại chỗ. Trong khi ở trường cũ con là một cô bé đáng yêu, ngoan ngoãn, luôn được các cô yêu quý và con lúc nào cũng líu la líu lo”.
Sau khi cho Sóc nghỉ một thời gian để chấn tĩnh, chị Nam đưa con trở lại trường cũ. Cả cô và trò thấy nhau đều vui mừng hớn hở và Sóc ôm chặt lấy cô giáo của mình như không muốn chia xa. “Đến lúc đó thì tôi hiểu, với trẻ con không phải một ngôi trường đạt chuẩn với những thiết bị sang trọng, hiện đại là quan trọng. Quan trọng với các con là tình cảm cô với trò, trò với cô”, chị Nam chia sẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Ân hận muộn màng
Theo chuyên gia tâm lý, giáo dục Nguyễn Hải, trẻ con rất nhạy cảm, ai yêu chúng chúng sẽ yêu lại vô điều kiện. Trường hợp bé Sóc, do đi trẻ từ 2 tuổi nên sự chăm sóc của cô Hằng (cô giáo của Sóc) chu đáo, yêu thương khiến Sóc yên tâm như cô là mẹ. Vì vậy, khi bị chuyển khỏi trường, ở với người lạ, Sóc như bị xa mẹ lần thứ hai dẫn tới khủng hoảng tâm lý.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này thì trường hợp như bé Sóc rất may là bố mẹ đã “tỉnh” kịp thời. Nhiều trường hợp gia đình vẫn kiên quyết để con theo học ở môi trường mới dù con không thích, con thấy áp lực tại môi trường mới đã phải trả giá đắt, hậu quả hết sức nặng nề. Nhiều trẻ đã phải đi điều trị tâm lý do trầm cảm kéo dài.
Mới đây giới học đường cũng xôn xao trước thông tin một học sinh trường chuyên tự tử do bị trầm cảm sau khi chuyển trường.
Đây chính là những tiếng chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ đừng vì mong muốn ích kỷ của cá nhân mình mà ép con phải học trường chuyên, lớp chọn, quá sức của mình. Cũng đừng chỉ vì để thoả mãn sĩ diện với bạn bè rằng con học trường Tây, trường chuẩn, trường điểm mà ép uổng con trẻ cho dù con không thích ứng được với môi trường mới.
“Đôi khi mình tự cho mình cái quyền “sống” thay cho bọn trẻ là không đúng. Đành rằng các con còn bé chưa biết tính toán và lo liệu cho tương lai của mình nhưng nếu chỉ vì muốn con bằng chị bằng em mà ép con thiếu phương pháp thì sẽ để lại hậu quả mà lúc ấy lời xin lỗi cũng đã là muộn màng”, chị Huyền Nam, dưới góc độ “người trong cuộc” chân thành chia sẻ.