Mộ quan bơ vơ giữa đồng
Một buổi chiều thu gió lành lạnh, chúng tôi tìm về thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo để tìm khu lăng mộ Quân Vân và lão quản lăng già. Ông Trương Văn Tuân, hiện đã 88 tuổi tiếp chúng tôi trong căn nhà ngói 5 gian với 4 thế hệ sinh sống. Nhiều chuyện về quá khứ ông đã không còn nhớ rõ nữa, bởi sự minh mẫn ở cái tuổi 88 xưa nay hiếm đã giảm sút nhiều. Nhưng khi nhắc tới lăng đá Quận Vân, ông Tuân lại trở lên tinh tường đặc biệt.
Để mục sở thị hiện trạng khu lăng đá Quận Vân, ông nhờ người cháu kèm xe cùng chúng tôi ra khu đồng lúa trước làng. Dừng xe, ông Tuân đưa mắt nhìn bốn phía xung quanh, rồi vẻ mặt trùng xuống. Sau mấy trận mưa lớn cộng với vùng trũng nên đến nay nước chưa rút hết, vẫn ngập chân tượng linh canh, voi, ngựa… Ông Tuân than rằng: “Bây giờ sức khỏe cũng đã giảm sút nhiều rồi, nên đôi khi chỉ nhìn mà lực bất tòng tâm”.
|
Tấm bằng Di tích Quốc gia lăng đá Quận Vân vứt xó! |
Ông Tuân giới thiệu cho chúng tôi nghe về chủ nhân của khu lăng mộ đá này. Quận Vân là tên lăng đá của ông quan Quận công Đỗ Bá Phẩm. Về năm sinh của ông này chưa thấy ghi ở nguồn tài liệu nào, người ta chỉ biết ông người làng Vân La, xã Vân Tảo, Thường Tín ngày nay. Ông sống vào cuối thời Lê Trung Hưng. Quận công Đỗ Bá Phẩm xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Ông đã được Trịnh Cương giao cho làm chức Tư Giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang.
Năm 1932, Trịnh Giang lên ngôi chúa. Trịnh Giang tàn ác, dâm loạn đã hãm hại nhiều mệnh quan đại thần. Năm 1734, Đỗ Bá Phẩm cũng bị Chúa Trịnh Giang phế truất chức Trấn thủ Nam Sơn và sau đó bắt phải chết. Theo nguồn tư liệu từ văn bia, khu lăng đá được xây dựng vào năm 1733 khi Quận công Đỗ Bá Phẩm vẫn còn sống.
Theo sơ đồ phát lộ khu lăng đá Quận Vân rộng gần 2000m2. Trong khu lăng đá có nhiều di vật đá cổ: chó đá cao 0,8m ngồi chầu, cổ đeo 3 chuông; 2 tượng lính gác cao 1,8m; 2 sập đá hình trụ đứng có bề mặt dày 0,76m; rộng 0,74m; cao 0,78m; 1 bệ thờ hoa sen cao 1,45m; dài 1,68m; rộng 1,2m có hoa văn rất tinh xảo và chuẩn xác; 2 sập đá cao 1,5m; rộng 0,62m; dài 1,5m; 2 tượng voi đá nằm phục cao 1,5m; dài 2,2m; 2 tượng ngựa đá cao 1,3m; dài 2,85m; 2 bệ thờ; 1 sập đá; 2 con nghê cao 1m. Nhà bia được lắp ghép bằng hơn 20 mảnh đá đục đẽo chuẩn xác, cầu kỳ. Nhà cao 3,4m; dài 2,62m; rộng 2,24m…
Có thể nói Lăng đá Quận Vân là một công trình kiến trúc điêu khắc đá độc đáo, tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng. Độc đáo và tiêu biểu bởi những hoa văn, họa tiết điêu khắc trên đá ở lăng Quận Vân như hình rồng chầu, nghê đá, chó đá... đều rất tinh xảo và thuần Việt. Những giá trị về mặt kiến trúc điêu khắc và quy trình xây lăng đá Quận Vân là tài sản và tinh hoa lớn của ông cha ta ngày xưa, nó khác hoàn toàn với những tượng đá theo lối kiến trúc điêu khắc ngoại lai mới được dựng ở chùa Bái Đính, Ninh Bình.
Một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc và có giá trị lịch sử như vậy, nhưng ông Tuân cho biết nó đã hoàn toàn bị quên lãng. Một năm có đến 4-5 tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch) lăng đá Quận Vân bị ngậm nước. Có những trận mưa nước ngập đến tận nửa người tượng, voi, ngựa. Đến những đợt nắng to nước mới rút xuống, nhưng vẫn rất lầy lội bùn đất vì khu vực nhà bia tám mái rất trũng.
Một công trình lăng đá độc đáo và có nhiều giá trị nghệ thuật như vậy mà đang bị đối xử thật tệ hại. Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống tượng, voi, ngựa đá đã bị sứt, bào mòn, nhem nhuốc. Một mình ông Trương Văn Tuân ngày ngày trông coi và dọn rửa cho khu lăng đá cũng chỉ như cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân, chẳng thể bảo vệ nguyên vẹn vẻ đẹp cho những công trình đá cổ nơi đây.
Dù hoang phế, khu lăng đá ẩn hiện sau cánh đồng lúa bạt ngàn vẫn toát lên vẻ kì vĩ và độc đáo của nó. Dường như chính con người đang sống trên mảnh đất này đã lãng quên công trình kiến trúc đá độc đáo và ông quan trấn thủ Nam Sơn ngày xưa.
|
Voi đá, ngựa đá ở khu Lăng Quận Vân |
Bài thơ ông Tuân sáng tác về lăng Quận Vân
Về thăm lăng đá Quận Vân
Thoáng trông từ phía xa xa
Trông thì lộng lẫy nghi nga tuyệt vời
Thoạt vào hai tượng gác trông
Khen ai tạo dựng muôn phần đẹp thay
Tạo đôi voi, ngựa đủ đầy
Tạo cả hương án trưng bày nghi nga
Phía sau tám mái nhà bia
Bảo vệ giao phả chức là Quận công
Phía trước bầy nghê gác trông
Hình như bảo vệ quê nhà nước non
Kề bên nghê cái ôm con
Đẹp thay nghê nhỏ nghé nhìn mẹ yêu
Nơi đây chan chứa tình nhiều
Ngắm nhìn phong cảnh mà siêu lòng người
Hỡi ai đi khắp phương trời
Ghé về Nỏ Bạn kính mời thăm lăng.
Người tri kỷ bên di tích Quốc gia
Năm 1914 trận lụt kinh hoàng đã làm vỡ đê sông Hồng và phù sa tràn vào lấp chìm toàn bộ khu lăng mộ đá Quận Vân. Năm 1985 người dân xã Vân Tảo đã phát lộ khu lăng mộ đá khi đang cải tạo khu đất trên để canh tác.
Ông Tuân nhớ lại: “Năm 1988, Sở VHTT (nay là Sở VHTT&DL) Hà Tây đã chứng nhận lăng đá Quận Vân là di tích văn hóa-nghệ thuật cấp tỉnh. Lăng đá vẫn luôn bị bỏ hoang dù đã là di tích. Thế là năm 1992, tôi khi đó nghỉ hưu, rảnh rỗi nên quyết định đứng ra nhận trông coi lăng” .
Sau khi có vài nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử về khảo sát lăng đá. Có lẽ họ nhận thấy giá trị nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử rất lớn của lăng đá Quận Vân, nên năm 2003 Bộ VHTT (nay là Bộ VH-TT&DL) đã quyết định công nhận lăng đá Quận Vân là Di tích Quốc gia theo Thông tư số 15/2003/QĐ-BVHTT ngày 14/4/2003. Hiện nay Bằng công nhận Di tích Quốc gia để trong xó góc của khu nhà phụ ở Đình làng Nỏ Bạn.
Theo ông, chẳng ai chịu đứng ra nhận trông nom khu lăng mộ đá của ông Quận Vân, vì họ nghĩ làm việc ấy không đủ tiền uống nước mà lại rất mệt người. Khi ông bắt đầu nhận trông coi thì toàn bộ khu này hầu như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm che lấp toàn bộ tượng người, voi, ngựa, hương án.
Năm 2004, ông Tuân từng đề xuất ý tưởng xây tường bao và đào hồ trồng sen ở hai bên khu lăng đá Quận Vân lên chính quyền địa phương, nhưng liền nhận được cái lắc đầu. Ý tưởng của ông nhằm không cho nước xâm hại đến khu lăng đá bị dẹp bỏ, bởi chính quyền địa phương kêu không có kinh phí. Khi chính quyền địa phương lắc đầu, ông bắt đầu đi vận động các đoàn thể, bà con dân làng và quả quyết rằng bản thân ông sẽ huy động gia đình chịu 1/3 tổng kinh phí nếu dự án được tiến hành.
Nhưng mọi người dân ở Nỏ Bạn đều cho ông Tuân dở hơi, già rồi mà toàn đi làm những chuyện không đâu. Nên tất nhiên cuộc vận động của ông ở làng xóm cũng thất bại.
Chẳng có kinh phí, ông Tuân đành bỏ tiền túi đi mua gạch về lát nền toàn bộ khu lăng đá. Khi đã có nền cứng cáp để mọi người bước đi, ông bắt đầu nghĩ đến việc trồng cây xanh để lấy bóng mát. Bởi ông nghĩ giữa đồng không mông quạnh, để người ta đứng dưới trời nắng tham quan, lễ bái thì rất tội. Thế là ông đi khắp nơi tìm mua các loại cây giống từ cây bàng, đa tai tượng, xoài, tre đến các loại cây cảnh như: hoa mẫu đơn, liễu đuôi gà về trồng xung quanh lăng đá.
|
Nhà bia to đẹp hoàn toàn được xây bằng đá. |
Đến nay, cây bàng, khóm tre, cây xoài, cây đa tai tượng đã cao to, tỏa bóng mát xuống khu lăng đá khiến linh hồn ông Quận công và những người đến tham quan cũng được yên lòng, mát mẻ. Có được cây xanh bóng mát rồi ông Tuân bắt đầu nghĩ đến việc sẽ đi tìm xin những cột đá gãy, phiến đá hỏng để về làm ghế ngồi cho du khách đến tham quan. Tất cả những việc làm ấy ông Tuân đều tự làm hoặc nhờ thêm con cháu phụ giúp.
Chính vì tất cả công trình ở lăng đều làm bằng đá nên ông Tuân mới có ý tưởng những cái vác về đây bày cũng phải bằng đá cho đồng bộ. Do vậy, khách tham quan sẽ có phần ngạc nhiên khi chậu trồng hoa, cây cảnh ở lăng chính là những chiếc cối đá ngày xưa.
Để khu lăng thêm vẻ đẹp và hài hòa, năm 2007, ông Tuân tự bỏ 3 triệu ra thuê thợ làm một hòn non bộ ngay trước khu bàn ghế uống nước. Tất nhiên hòn non bộ cũng được ông Tuân làm bằng chất liệu đá. Còn phía nhà bia tám mái và khu hương án đã được mắc bóng điện chiếu sáng. Ông bảo tiền điện thắp sáng lăng cũng do bản thân mình trả…
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, người dân đồng loạt quay lưng lại với một Di tích cấp Quốc gia. Nhưng, bỏ mặc tất cả sự phũ phàng ấy, ông Tuân vẫn nguyện trông coi và bảo vệ lăng cho đến hơi thở cuối cùng. Có lẽ giữa ông quan Quận công nằm dưới đất và lão nông Trương Văn Tuân có thần giao cách cảm với nhau qua hơn 2 thế kỷ để trở thành tri âm tri kỷ.
Cứ nhìn hình ảnh ông lão Trương Văn Tuân lặng lẽ trông coi, dọn dẹp ở khu lăng đá mà chúng tôi thấy xót xa. Ông lão ấy đã 87 tuổi rồi, thời gian và sức khỏe chẳng còn nhiều nữa. Vậy mà chưa bao giờ ông có được sự đồng cảm, tiếng nói chung từ các phía. Chúng tôi cứ nghĩ mãi trong đầu, vậy công nhận Di tích Quốc gia để làm gì, để trên giấy rồi quên lãng? hay công nhận cho mình ông Tuân!?