Điều ít biết về Trung đoàn Pháo binh từng lập chiến công hi hữu của Việt Nam

(PLVN) - Có một Trung đoàn Pháo binh đã lập nên một chiến công hi hữu trong chiến tranh, tạo nên một kì tích góp phần quan trọng trong chiến thắng Quảng Trị 1972. Đó chính là Trung đoàn Pháo binh 38 Bông Lau thuộc Binh chủng Pháo binh – Bộ Quốc phòng. Những người lính của Trung đoàn Pháo binh năm xưa nay đã già, nhưng khi ôn lại kỷ niệm cũ, mắt họ sáng lên, xúc động, hào hứng và tự hào. 
Các cựu chiến binh Trung đoàn Bông Lau chụp ảnh lưu niệm bên khẩu pháo “Vua chiến trường” đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Các cựu chiến binh Trung đoàn Bông Lau chụp ảnh lưu niệm bên khẩu pháo “Vua chiến trường” đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bảo vệ con đường huyết mạch

Được thành lập ngày 28/11/1955 thuộc Đại đoàn 308 – Quân tiên phong với bí danh là “Đoàn Pháo binh Bông Lau”, là tập hợp của hầu hết các đại đội đã trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, như đại đội 753 là đơn vị đã bắn loạt đạn đầu tiên từ pháo đài Láng vào quân Pháp trong thành Hà Nội ngày 19/12/1946, mở màn cho toàn quốc kháng chiến. 

Nhiệm vụ ban đầu của trung đoàn là huấn luyện, cơ động chiến đấu, bảo vệ miền Bắc cho đến đầu năm 1967. Từ tháng 3/1967 đến đầu năm 1976, trung đoàn thuộc Bộ tư lệnh Pháo binh. Sau năm 1976, trung đoàn được chia thành 2 đơn vị mới trực thuộc Tổng cục xây dựng kinh tế - Bộ Quốc phòng, đến năm 1980, lại đổi tên thành Lữ đoàn Công binh 38 trực thuộc Bộ tư lệnh Công binh có nhiệm vụ khôi phục một số tuyến đường, cầu cống bị phá hủy trong chiến tranh và đến năm 1990 thì giải thể.

Trung đoàn đã tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch quan trọng như bảo vệ bờ biển 2X (tại huyện Quảng Xương và huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa), trung đoàn đã tham gia chiến đấu bảo vệ bờ biển miền Bắc, bảo vệ con đường huyết mạch chi viện cho cách mạng miền Nam, ngăn chặn không cho Hải quân Mỹ tự do vào gần bờ bắn phá đất liền (từ 1967 – 1968).

Từ 1968 -1971, chiến đấu tại chiến trường B5 (Bình – Trị - Thiên) và tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Từ 1971 – 1972, tham gia Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, lập lên chiến công đặc biệt xuất sắc chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại của Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là bức hàng một trung đoàn Bộ binh địch. Năm 1975, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trung đoàn Pháo binh 38 Bông Lau phát triển thành Lữ đoàn gồm 4 tiểu đoàn. Trên các hướng được phân công, Lữ đoàn đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, không sợ hy sinh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, góp phần to lớn vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Chính Đại đội 6 thuộc tiểu đoàn 2, vào khoảng 11h ngày 30 tháng 4 đã bắn loạt đạn cuối cùng vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy tại Sài Gòn. “Đây là loạt đạn cuối cùng của Pháo binh Quân đội ta góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” – đồng chí Thiếu tướng Doãn Tuế, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh lúc đó cho biết.

Chiến công hi hữu đặc biệt xuất sắc

Trung đoàn Pháo binh 38 Bông Lau do đồng chí Trung tá Cao Sơn là Trung đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ phối hợp chi viện hỏa lực cho Sư đoàn Bộ binh 304 tấn công tiêu diệt quân Ngụy trên hướng Tây, hướng chủ yếu của chiến dịch, tiêu diệt căn cứ Tân Lâm (241), cứ điểm Mai Lộc, Đầu Mầu, Ái Tử... với 30 khẩu pháo 130mm, 122mm. Trực tiếp tấn công vào căn cứ 241 (Caroll) do Trung đoàn Bộ binh 56 của địch trấn giữ và căn cứ Mai Lộc do Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 147 chiếm giữ, đồng thời chi viện cho Sư đoàn 304 tiến công tiêu diệt địch tại vòng ngoài khu vực Tân Lâm, Mai Lộc.

Đây là hai cứ điểm quan trọng mạnh nhất của địch do hai đơn vị thiện chiến dầy dạn kinh nghiệm chiến đấu của địch. Đặc biệt, cứ điểm 241 là một mắt xích quan trọng, là căn cứ hỗn hợp gồm Trung đoàn Bộ binh 56 và lực lượng pháo binh tương đương một trung đoàn tăng cường, lại được trang bị 4 khẩu pháo tự hành 175 mm, là loại pháo mặt đất có cỡ nòng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, dùng loại đạn tăng tầm có thể bắn xa trên 40 km, toàn miền Nam lúc đó chỉ có 8 khẩu vừa mới được Mỹ trang bị cho quân Ngụy và được mệnh danh là “Vua chiến trường”.

Vào lúc 11h ngày 30/3/1972, Trung đoàn Bông Lau với 30 khẩu pháo các loại bất ngờ tập kích hỏa lực mãnh liệt vào cứ điểm 241 của địch. Tiếp đó, pháo binh bắn vào cứ điểm Mai Lộc, đồng thời ngăn chặn sự chi viện từ các phía. Suốt bốn ngày liên tục (từ 30/3 đến 02/4/1972), Trung đoàn Bông Lau lúc bắn dồn dập, khi bắn cầm canh kéo dài, tiêu hao nhiều sinh lực địch khiến cho cả dàn pháo hiện đại của chúng không ngóc đầu lên được, vô hiệu hóa “Vua chiến trường”, tạo điều kiện cho Sư đoàn Bộ binh 304 tiến công tiêu diệt địch. Cứ điểm 241 trước nguy cơ bị tiêu diệt và sự tan rã nhanh chóng của các cứ điểm tiền tiêu đã bị tiêu diệt bởi Sư đoàn 304, Bộ chỉ huy căn cứ 241 phải chịu chấp nhận đầu hàng để ra với quân giải phóng. 

Chiến thắng này ta đã thu phục được cả Bộ chỉ huy và gần 700 lính ngụy, cùng với đó là rất nhiều vũ khí trang bị, trong đó có 4 khẩu pháo “Vua chiến trường”. Chiến thắng đã phá vỡ thế phòng ngự của địch, chọc thủng phòng tuyến quan trọng nhất của địch, làm tan rã tinh thần địch, tạo đà cho chiến thắng giải phóng toàn bộ Quảng Trị năm 1972. 

Đây còn là một chiến công thể hiện tính nhân đạo của cách mạng Việt Nam khi mà việc đầu hàng của địch đã được chuyển thành phản chiến theo chỉ thị của Trung tướng Song Hào khi ấy là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ở Hà Nội. Chúng ta đã đối xử với binh lính không phải là những hàng binh mà là binh lính phản chiến về với cách mạng, giữ nguyên cấp bậc quân hàm cho họ. Sau này Trung tá Phạm Văn Đính, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56, người trực tiếp gọi điện xin hàng còn được quân đội ta thăng lên hàm cấp Thượng tá.

Đồng chí Phạm Hồng Cư - Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khi ấy là Cục phó Cục tuyên huấn, phái viên mặt trận tại sở chỉ huy Bộ tư lệnh chiến dịch Bình – Trị - Thiên đã từng nhận xét: “Trung đoàn 38 Pháo Binh Bông Lau năm 1972 đã lập nên một kì tích trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Chiến công to lớn ấy đã viết nên một trang sử vàng trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc đồng thời có một vai trò quan trọng, nâng cao tnhf thần quyết thắng của quân dân ta, góp phần làm tan rã tinh thần địch, tạo đà cho quân dân giải phóng hoàn toàn Quảng Trị trong thời gian nhanh chóng.”

Những chiến công của Trung đoàn Bông Lau đã đi vào lịch sử và là niềm tự hào của quân đội ta nói chung và của các chiến sĩ Pháo binh nói riêng. Hiện nay, tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đang trưng bày khẩu pháo tự hành tự hành 175 mm số hiệu: US – AZMY 12 Z446 – “Sấm sét – Vua chiến trường”, là một trong 4 khẩu pháo tự hành thu được. 

Với những chiến công đáng tự hào, năm 2015, Trung đoàn 38 Bông Lau đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự khẳng định và ghi nhớ một sự kiện lịch sử đầy vẻ vang của quân đội ta. Những người lính của Trung đoàn Pháo binh năm xưa nay đã già, nhưng khi ôn lại kỷ niệm xưa, mắt họ lại sáng lên, xúc động, hào hứng và tự hào. Những người trẻ hôm nay không trải qua những khoảnh khắc hào hùng của cha ông, nhưng qua câu chuyện của họ, chúng ta học được thêm về lòng quê hương, tinh thần đồng đội, một lòng vì tổ quốc thân yêu. 

Đọc thêm