Diệu kế thu phục nhân tâm của những vĩ nhân đất Việt

(PLO) -Những người phi thường luôn có cách làm phi thường. Trong sử Việt, không hiếm thiếu các vĩ nhân biết đề ra và triệt để áp dụng những biện pháp hữu hiệu để thu phục nhân tâm, giúp họ hoàn thành đại sự, nêu danh đến muôn đời…
Lý Thái Tông đích thân cày ruộng (Hình minh hoạ)

Trong vô số danh nhân đất Việt, Lý Thái Tông, Trần Nhật Duật, Lê Lợi và Nguyễn Trãi là một trong những người đã biết thu phục nhân tâm một cách khéo léo và tài tình, để lại những bài học đáng giá cho hậu thế. 

Được mùa, xá thuế cho dân

Lý Thái Tông (trị vì 1028 – 1054), là bậc Lý gia đệ nhị đế, được sử sách hết lời ca tụng vì sự nghiệp rạng rỡ của người làm đế vương: cầm quân đánh Nam dẹp Bắc đã giỏi mà trị nước cũng có nhiều sáng kiến, khiến thế nước vững vàng, muôn dân no đủ. Tuy nhiều phen phải rong ruổi trận mạc nhưng vị Hoàng đế này không bao giờ ham mê chinh chiến đến độ chẳng mảy may quan tâm đến thần dân. Trái lại, ông còn biết cách thu phục lòng người, để trăm họ ai cũng đồng lòng ủng hộ và hân hoan sống dưới các chính sách quản lí quốc gia của ông.

Lý Thái Tông thông qua những hành động nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa để thu phục lòng dân trăm họ. Đi đánh dẹp nơi đâu ông cũng ra nghiêm lệnh cho quân sĩ, cấm không được nhân thể bức hiếp người dân. Để khuyến khích nhà nông chuyên tâm cày cấy, ông rất siêng năng làm lễ Tịch Điền hằng năm và không quản ngại tự tay cày ruộng, như chính ông bộc bạch:

“Trẫm không tự cày thì lấy gì để làm xôi cúng, lấy gì để xướng xuất thiên hạ” (“Đại Việt sử kí toàn thư”). Lắm khi, vì triều đình có sự vui, ông xuống chiếu miễn giảm thuế cho dân và thả các tù nhân. Việc làm này có lợi cho sự củng cố thời đại thái bình mà ông đang ra sức dựng xây và phát triển.

Một hành động khác, vượt xa những cách làm nói trên về tính hiệu quả dài lâu, để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng người và trong lịch sử. Ấy là ông là người, có lẽ duy nhất trong sử Việt, làm cái việc nhân khi được mùa, xá thuế cho dân. Sự kiện này theo biên niên sử, diễn ra vào năm 1044, sau khi chinh phạt Chiêm Thành khải hoàn trở về.

Mục đích được Lý Thái Tông nêu ra rất cụ thể: “Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Thế mà có ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn? Vậy, xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khổ nhục lội suối trèo đèo” (“Đại Việt sử kí toàn thư”).

Một hành động đầy mâu thuẫn: Đáng lẽ vào lúc được mùa thì nhà nước hoặc là thu đủ số hoặc là tăng thêm số thu, điều này không mấy ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Nhưng Lý Thái Tông đầy lòng nhân từ và có tầm nhìn xa trông rộng, đã hành xử theo cách khác hẳn với thói thường.

Qua việc này, dân chúng càng cảm phục ông bội phần, hình ảnh ông trong mắt họ vừa gần gũi bởi đó là một minh quân rất mực thân dân, thương dân, cũng vừa khiến họ thêm tôn kính bậc Hoàng đế đương kim hơn. Có thể gọi đây là một hành động nhỏ nhưng hiệu quả thu phục nhân tâm và tác dụng chính trị thì lại cực kì tốt đẹp.

 Tiểu thuyết lịch sử về Trần Nhật Duật

Mưu trí dẹp yên quân phản loạn

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 – 1330), Hoàng tử thứ sáu của Hoàng đế mở nghiệp nhà Trần (Trần Thái Tông), là một danh tướng kiệt xuất của nước nhà trong thế kỉ XIII, một người đặc biệt có sở trường về ngoại ngữ, am hiểu tường tận phong tục tập quán và tiếng nói của các tộc người thiểu số. Sử sách mỗi khi nói về ông đều trân trọng nhắc đến sự kiện năm 1280, sự kiện đã bộc lộ rõ ràng nhân cách cùng phương pháp hành xử “đắc nhân tâm” của ông trước một sự vụ trọng đại.

Bấy giờ là lúc quốc gia Đại Việt dưới vương triều Trần đang tích cực sửa soạn mọi thứ để sẵn sàng đương đầu với quân xâm lược Mông Nguyên vốn vẫn chực chờ cơ hội để xua quân “làm cỏ” nước Đại Việt nhỏ bé. Giữa khi đang bộn bề bao nỗi lo toan thì vua tôi nhà Trần nhận tin chẳng lành: thủ lĩnh người dân tộc thiểu số ở Đà Giang là Trịnh Giác Mật làm phản. Triều Trần quyết đem quân thảo phạt. Nhiệm vụ nặng nề này được tin cậy giao cho Trần Nhật Duật. Trần Nhật Duật vâng lệnh, lập tức điểm binh, thẳng hướng Đà Giang tiến phát.

Nghe tin đại quân triều đình đang tới, Trịnh Giác Mật cho người đến nói với Trần Nhật Duật nếu ông dám một mình đến trại của hắn thì hắn sẽ hàng ngay. Trong quân ai cũng cho đó là gian kế nhằm tiêu diệt chủ soái quân triều. Bởi vậy, ai cũng ra sức ngăn cản Trần Nhật Duật, có người còn khuyên nên thúc quân san bằng trại giặc, không nên mất thời giờ với chúng.

Nhưng Trần Nhật Duật không cho những lời đó là phải. Ông nói với các thuộc hạ: Nếu một mình ông đi mà có thể biến can qua thành ngọc lụa thì ông sẵn sàng, ngược lại, nếu đó là gian kế của giặc và ông phải bỏ mạng về tay chúng thì ông cũng vẫn muốn thử và triều đình sẽ có người khác đến thay ông.

Thế rồi, theo ghi chép của “Đại Việt sử kí toàn thư”, Trần Nhật Duật quả quyết ra đi, một mình một ngựa đến trại địch. Trịnh Giác Mật sai lính cầm gươm giáo vây quanh đến mấy vòng, nhưng Trần Nhật Duật không hề nao núng, cứ ung dung đi thẳng vào. Cuộc gặp gỡ sau đó với Trịnh Giác Mật đã cho thấy sự lợi hại cùng hiệu quả bất ngờ trong cách ứng xử của Trần Nhật Duật. Khi gặp Trịnh Giác Mật, Trần Nhật Duật nói chuyện bằng tiếng dân tộc, dùng tay bốc thức ăn, dùng mũi uống rượu, tất cả đều theo phong tục của người ở Đà Giang. Trịnh Giác Mật và thuộc hạ từ ngạc nhiên đến thích thú và thán phục, sau buổi gặp đã tự nguyện quy hàng. 

Nhờ hiểu biết hơn người, can đảm ít ai bằng và lòng thành muốn chiêu an, tất cả được thể hiện đầy mưu lược khi đối diện với phản quân, rốt cuộc Trần Nhật Duật đã thu được kết quả tích cực ngoài sức tưởng tượng, góp phần củng cố vững chắc vùng biên giới phía Bắc trước cuộc đụng đầu lịch sử với quân Mông Nguyên sau đó.

Tạo dư luận để mưu nghiệp lớn

Đầu thế kỉ XV, giặc Minh xâm lược và đô hộ nước ta. Nhân dân nhiều nơi vùng dậy khởi nghĩa nhưng đều bị đàn áp đẫm máu. Nhưng người thủ lĩnh đất Lam Sơn (Thanh Hóa) là Lê Lợi (1385 – 1433) không hề khiếp sợ, đêm ngày vẫn đau đáu suy tư tìm cách cứu nước diệt thù.

Để có thể nhanh chóng tập hợp lực lượng đánh đuổi quân cướp nước hung bạo, Lê Lợi và những người thân tín đã vạch ra một kế hoạch nhằm ngấm ngầm tuyên truyền trong dân về thiên ý đã chọn ông là vị cứu tinh của đất nước.

Kế hoạch ấy biểu hiện ra bên ngoài bằng những sự việc ngỡ như là ngẫu nhiên tình cờ nhưng liên hệ với nhau, khiến người ta phải tin theo. Kế hoạch ấy được sách “Đại Việt thông sử” chép lại dưới dạng câu chuyện đầy kì ảo. Theo đó thì, một người bạn của Lê Lợi, tên Lê Thận, làm nghề đánh cá, tự nhiên thấy ở quãng sông Lam đêm nào cũng có ánh sáng toả ra rất rực rỡ.

Hơn một tháng sau, Lê Thận quăng lưới ở chỗ sông ấy và kéo lên được một thanh sắt, trông giống như thanh kiếm, đem về cất ở nhà. Hôm ấy, Lê Lợi đến chơi, thấy ở góc tối trong nhà Lê Thận có ánh sáng lạ, đến xem rồi cầm thanh sắt đem về; lạ thay, đem về đến nhà không phải mài mà sáng như kiếm mới, Lê Lợi nhìn kĩ thì thấy trên kiếm có hàng chữ triện.

Đêm hôm sau có trận mưa lớn, khi trời sáng, phu nhân của Lê Lợi ra vườn rau thì nhặt được một quả ấn, trên có khắc tên Lê Lợi. Cùng hôm đó, Lê Lợi tình cờ nhặt được chuôi thanh kiếm ở trên cây đa, đem về rửa sạch đất cát thì thấy có khắc hình con rồng, con hổ và hiện ra hai chữ “Thanh Thúy”, đem lắp vào thanh kiếm đã nhặt được thì vừa vặn không sai tí nào. Từ đó tin tức Lê Lợi được trời trao cho ấn kiếm không cánh mà bay, được nhân dân Lam Sơn và nhiều vùng lân cận không ngừng bí mật lan truyền. Dân chúng nhiều nơi vì thế đã hồ hởi theo về với Lê Lợi.

Trong số những người đến với Lê Lợi có Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Nguyễn Trãi hiểu rõ sự thật phía sau câu chuyện ấn và kiếm kia. Nguyễn Trãi cũng biết đó là điều phải làm để quy tụ lực lượng, chờ ngày nổi dậy. Do vậy, ông đã cùng với Lê Lợi bàn tính rồi triển khai một số hành động tiếp theo nhằm gia tăng niềm tin cho trăm họ.

Sách “Tang thương ngẫu lục” cho hay: Nguyễn Trãi “lấy mỡ viết khắp lá cây trong rừng: Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi). Sâu và kiến ăn mỡ đục thành nét chữ. Kẻ đi kiếm củi thấy thế cho là chuyện thần linh. Người nọ bảo người kia, nhân thế theo về ngày một nhiều”.

Bởi đó, số người theo về dưới trướng Lê Lợi ngày càng đông, đủ anh tài khắp mọi miền. Ngày mùng hai tết Mậu Tuất (1418), khi mọi thứ đã sẵn sàng, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, chính thức giương lên ngọn cờ bình Ngô đầy chính nghĩa…

Đọc thêm