Ai “bảo kê” cho doanh nghiệp “xẻ thịt” núi Voi?

(PLO) - Hơn 1 năm qua, núi Voi (thuộc địa bàn xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đang bị “xẻ thịt” khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, thế nhưng chính quyền địa phương dường như “làm ngơ” trước những sai phạm này?!
Núi Voi đang bị “xẻ thịt”
Núi Voi đang bị “xẻ thịt”

Núi Voi đang “chảy máu”!

Theo phản ánh của người dân sống cạnh núi Voi thuộc Đội 4, thôn Thắng Đầu (xã Hòa Thạch) thì hàng ngày họ phải hứng chịu hàng loạt những cơn bão bụi đổ ập vào nhà. Máy móc, xe tải hạng nặng cứ tấp nập nối đuôi nhau hoạt động 24/24 giờ. Ngày nắng thì bụi mù đường, ngày mưa thì đất đá rơi vãi, đường lầy lội không thể đi được. Thậm chí còn rơi cả vào người đi đường gây nguy hiểm. Người dân cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là do các doanh nghiệp ngày đêm đào bới khu vực núi Voi để mang đất đi tiêu thụ trái phép.

Suốt hơn 1 năm qua, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng phía chính quyền vẫn “im lặng” đến khó hiểu, còn phía doanh nghiệp thì vẫn ngang nhiên “hoành hành” tàn phá núi đồi. Để bảo vệ chính mình, người dân xung quanh đường đã phải mang khúc cây, tảng đá ra để tạo chướng ngại vật, ngăn cản việc các xe tải chở đất chạy nhanh vượt ẩu, tránh xảy ra tai nạn giao thông.

Ông Toàn – người dân xã Hòa Thạch thở dài: “Tài nguyên đất bị thất thoát số lượng lớn, môi trường bị hủy hoại, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Xe chở đất chạy cả ngày đêm ầm ầm khiến các hộ dân xung quanh núi Voi và quanh đường giao thông không ai ngủ ngon giấc. Doanh nghiệp thì giàu lên, sức khỏe nhân dân đi xuống trong khi chính quyền làm ngơ. Phải chăng có sự “tiếp tay” nào đó nên họ mới như vậy? Chúng tôi đề nghị cơ chức năng làm rõ”.

Theo ghi nhận của phóng viên thì núi Voi cao sừng sững đang dần bị san phẳng. Toàn bộ khu vực là một “đại công trường” khai thác đất và bao trùm là tiếng động cơ máy xúc đất, tiếng gầm rú của xe tải khiến cả khu vực rộng lớn bị náo động. Mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe tải chở đất, nhưng không được che chắn cẩn thận khiến bụi phủ xuống nhà dân, rơi vãi xuống đường khiến nơi đây lúc nào cũng trong tình trạng bụi mù mịt. Ngoài ra, các xe tải chở đất thường phóng “bạt mạng” đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông.

Chính quyền xã bất lực?

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, ông Cấn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch xác nhận: “Việc người dân phản ánh là chính xác. Khu đất đấy đã cấp cho mỏ đá Hataco và Sunway khai thác. Hiện tượng khai thác đất xảy ra hơn một năm rồi. Từ trước đến giờ mỏ đá không thông báo cho chính quyền địa phương việc khai thác đất và vận chuyển đất đi nơi khác. Người dân cũng kiến nghị nhiều về việc ô nhiễm môi trường và múc đất, xe chạy không che chắn gì cả.

Trách nhiệm thì trách nhiệm chung, nhà tôi gần đấy nên đã nhiều lần góp ý kiến với lãnh đạo, nhưng lãnh đạo bảo trách nhiệm của ai thì người đấy lo nên tôi thôi không ý kiến nữa… Nhiều khi anh em rất khó nghĩ. Tôi thì mới làm phó chủ tịch xã, trước đấy tôi làm chuyên môn cũng ý kiến nhiều, nhưng giờ làm lãnh đạo không dám ý kiến nhiều như trước”.

Bên cạnh đó, ông Thành còn cho biết, điểm khai thác đất còn xâm phạm nghiêm trọng đỉnh cao quân sự 76 và 81 thuộc dãy núi Voi.

Còn ông Nguyễn Hồng Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch xác nhận: Diện tích đang khai thác đất nằm trong đất của mỏ đá Hataco của Công ty TNHH xây dựng và vật liệu xây dựng Hà Tây tại thôn Thắng Đầu. Đơn vị thực hiện khai thác là Công ty TNHH phát triển thương mại và đầu tư Tuấn Trang. 100% khối lượng đất xúc lên được đổ trong khu vực mỏ Hataco. Khi tiến hành bóc đất, doanh nghiệp không thông báo cho chính quyền xã biết và người ta bóc tầng phủ xã làm sao ngăn chặn được.

Cũng theo ông Thuận, xã thường xuyên kiểm tra nhưng phát hiện xe chở đất từ khu vực mỏ đá ra ngoài hơi ít nên chưa xử lý. “Vận chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ là vi phạm vì đó là tài nguyên. Địa phương cũng có trách nhiệm, cho dù xảy ra một khối đất cũng là trách nhiệm của tôi. Mình hơi chủ quan, lơ là, làm chưa triệt để. Mình lên Chủ tịch từ tháng 8/2015 nên rất nhiều việc. Mình chủ yếu là công tác tổ chức cán bộ, nhiều việc nên mình chưa rà soát được hết…”, ông Thuận nói.

Trong khi ông Cấn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch nói rằng đã góp ý với Chủ tịch xã nhiều lần về việc múc đất và vận chuyển đất thì ông Thuận lại cho rằng: “Cán bộ xã không ai phản ánh việc múc đất và vận chuyển đất cả”(?!).

Đáng chú ý, suốt thời gian dài chính quyền địa phương chọn biện pháp “im lặng là vàng”, nhưng phóng viên vào đặt lịch làm việc thì ngay hôm sau, ông Nguyễn Hồng Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch lập tức ký thông báo về việc nghiêm cấm các phương tiện khai thác, vận chuyển đất trên địa bàn xã Hoà Thạch, với nội dung “hùng hồn”: “Trong thời gian gần đây tình hình múc đất, đổ đất, vận chuyển đất trên địa bàn xã Hòa Thạch xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương. Vì vậy UBND xã thông báo kể từ ngày 05/05/2016 nghiêm cấm tất cả các doanh nghiệp, các đơn vị đóng trên địa bàn xã, nhân dân địa phương, các phương tiện giao thông không được múc đất, vận chuyển đất, san gạt đất ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng tới môi trường, đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương. Giao cho công an xã, ban chỉ huy quân sự, cán bộ địa chính và trưởng thôn thực hiện”.

Thông báo là vậy, nhưng hoạt động khai thác đất tại địa bàn núi Voi vẫn đang là công trường hoạt động tấp nập. Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch giải thích như thế nào đây, khi dư luận đặt ra câu hỏi, có sự “tiếp tay” nên doanh nghiệp mới có thể “lộng hành” như vậy?

Đọc thêm