Bán hết đất là đủ 300 tỷ đồng làm dự án

(PLO) - Tuần qua, PLVN đã nhận được Văn bản số 1411 ký ngày 18/9 của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh phản hồi về bài báo “Khu dịch vụ hậu cần cảng biến thành mỏ khai thác đất khổng lồ”.
Riêng hợp đồng bán đất san lấp mặt bằng cho dự án công viên tại Bãi Cháy, Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng đã có thể thu về gần 130 tỷ đồng
Riêng hợp đồng bán đất san lấp mặt bằng cho dự án công viên tại Bãi Cháy, Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng đã có thể thu về gần 130 tỷ đồng
6 triệu m3 x 42.000 đồng
Về nội dung chính mà bài báo đề cập, việc khai thác đất tại đồi Gềnh Táu, văn bản của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại Khu công nghiệp (KCN) Cái Lân theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt có tổng diện tích 188.272m2, khối lượng đào trong diện tích quy hoạch là 6.093.315m3, khối lượng đắp tại chỗ trong diện tích quy hoạch là 169.560m3. 
“Như vậy, để triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư phải san gạt, bốc xúc vận chuyển ra ngoài phạm vi dự án hơn 6 triệu m3 đất đá” – văn bản gửi PLVN do ông Phó Trưởng ban Trịnh Văn Hồng ký, thông tin; đồng thời cũng cho biết, hiện trên địa bàn khu vực miền Tây của TP.Hạ Long có nhiều dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng (trong đó có dự án Công viên Đại Dương tại phường Bãi Cháy) có nhu cầu đất san lấp mặt bằng rất lớn, trong khi việc cấp phép, khai thác các mỏ đất trên địa bàn TP.Hạ Long để phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án tương đối khó khăn. 
Cho nên, theo Ban Quản lý Khu kinh tế, việc bốc xúc vận chuyển đất từ dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại KCN Cái Lân của Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng để đổ đất san gạt mặt bằng cho dự án Công viên Đại Dương theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên là “phù hợp và tăng tính khả thi cho cả hai dự án”.
Đặc biệt, Ban này cũng công bố luôn nội dung Hợp đồng mua bán số 193/2015 giữa Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng và Công ty TNHH Olympia để cung cấp, vận chuyển và san gạt đất đồi, đất sét với lượng mua dự kiến là 3 triệu m3, đơn giá hợp đồng là 42.000 đồng/m3. 
Như vậy, chỉ riêng hợp đồng này, tính sơ sơ Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng đã có thể thu về 126 tỷ đồng (3 triệu m3 x 42.000 đồng/m3). Trong khi chủ đầu tư này vẫn còn dư một nửa quả đồi Gềnh Táu (3 triệu m3/6 triệu m3) để bán cho đối tác khác. Tạm chấp nhận đơn giá 42.000 đồng/m3 như thông tin ghi trong hợp đồng thì xẻ bán cả quả đồi này với hơn 6 triệu m3 đất đá, Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng đã có thể thu về 252 tỷ đồng. 
500 triệu/252 tỷ đồng
Con số này gần bằng tổng mức đầu tư dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại KCN Cái Lân mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư (291 tỷ đồng). Đó là chưa nói đơn giá 40.000 đồng/m3 ghi trong hợp đồng này được cho là thấp hơn nhiều giá đất thực tế đang giao dịch trên thị trường, dao động trong khoảng trên đưới 70.000 đồng/m3.
Mới được cấp phép đầu tư đã có thể thu về hàng trăm tỷ đồng, dư luận quả không sai khi đánh giá đây là phi vụ đầu tư thông minh nhất họ từng thấy trong nhiều năm qua. Tại văn bản gửi PLVN, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cũng giải thích về điều này. 
Theo đó cho rằng, dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại KCN Cái Lân của Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2013, trước 11 tháng so với thời điểm dự án Công viên Đại Dương được cấp giấy phép (tháng 9/2014), để nói “không có việc cơ quan nhà nước cấp phép dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại khu vực đồi Ghềnh Táu cho Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng “xẻ thịt” bán đất san lấp mặt”.  
Riêng về câu chuyện này, chúng tôi sẽ trở lại sau với những mốc thời điểm cụ thể của từng dự án. Trước mắt, xin thông tin luôn con số nộp ngân sách sau khi khai thác mỏ đất khổng lồ ở đồi Ghềnh Táu của Công ty Cổ phần Cảng Thái Hưng tính đến thời điểm này: nộp thuế tài nguyên là 155.275.393 đồng; phí bảo vệ môi trường là 352.898.629 đồng, tổng cộng 508.174.013 đồng./.

Đọc thêm