Bé trai bị điện giật chết, truy trách nhiệm công viên bất cẩn

(PLO) - An toàn tính mạng của người dân tại nơi công cộng đã bị bỏ qua bởi sự vô trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn hệ thống chiếu sáng. Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ phân tích những trách nhiệm pháp lý cần phải làm rõ trong vụ việc này.
Hiện trường nơi xảy ra sự việc thương tâm
Hiện trường nơi xảy ra sự việc thương tâm

- Thưa ông, trách nhiệm pháp lý đặt ra trong trường hợp bé trai bị điện giật tử vong tại công viên TP Cần Thơ?

- Có hai loại trách nhiệm pháp lý đặt ra trong vụ việc này, gồm:

+ Trách nhiệm bồi thường về dân sự. 

+ Trách nhiệm hình sự gây ra hậu quả chết người do lỗi vô ý.

-  Về trách nhiệm bồi thường dân sự, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình bé trai?

Đèn chiếu sáng tại công viên được coi là “hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị” theo quy định tại Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị. Nghị định này xác định trách nhiệm đảm bảo an toàn thuộc về đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.

Trên địa bàn, UBND TP Cần Thơ cũng đã quy định phân cấp quản lý chiếu sáng đô thị tại Quyết định 27/2013/QĐ-UBND. Điều 14 Quyết định này đã chỉ rõ: Đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng có trách nhiệm:

+ Đảm bảo hệ thống chiếu sáng và hoạt động ổn định, vận hành an toàn.

+ Thay thế, sửa chữa vật tư, thiết bị hư hỏng hoặc mất an toàn, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật: Vật tư, thiết bị hư hỏng làm cho một hoặc nhiều đèn không hoạt động bình thường hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho người và tài sản cần được xử lý sửa chữa, thay thế ngay để đảm bảo an toàn.

Từ những quy định trên cho thấy đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại công viên nơi xảy ra tai nạn điện giật sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bé trai.

- Thông tin cho thấy cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho gia đình bé trai 6 triệu đồng. Đây có được coi là khoản bồi thường?

Không thể đánh đồng việc hỗ trợ với bồi thường được. Bởi hỗ trợ là thực hiện theo chính sách của nhà nước dành cho những người không may gặp tai nạn, còn bồi thường là trách nhiệm pháp lý phát sinh do vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người dân. Khoản tiền 6 triệu đồng hỗ trợ này thấp hơn gấp nhiều lần so với khoản tiền bồi thường.

- Vậy những khoản mà gia đình bé trai cần phải được bồi thường trong trường hợp này?

Theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, gia đình bé trai sẽ được bồi thường những khoản tiền sau:

+ Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa bé trai trước khi chết (nếu có);

+ Thứ hai,  khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cháu bé. 

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Hiện nay, mức lương tối thiểu áp dụng trên địa bàn các quận thuộc thành phố Cần Thơ là 3.100.000 đồng/tháng. Như vậy, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa mà gia đình bé trai tối đa được nhận nếu không có thỏa thuận sẽ là 186.000.000 đồng.

- Còn trách nhiệm hình sự đặt ra trong vụ việc này như thế nào?

Trường hợp này cần xem xét trách nhiệm hình sự về tội vi phạm an toàn ở những nơi đông người. Cấu thành cơ bản của tội danh này được Khoản 1 Điều 227 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định như sau: “Người nào vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Công viên là nơi công cộng, tập trung đông người, do đó an toàn về các thiết bị chiếu sáng ở đây phải được những người có trách nhiệm đảm bảo. Để xảy ra hậu quả bé trai bị điện tại cột đèn giật chết, cơ quan điều tra cần thiết phải làm rõ cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. 

- Ông đánh giá thế nào về tình tiết trước đó đã có người thông báo bị điện giật ngay chỗ bé trai gặp nạn cho bảo vệ công viên nhưng không được xử lý kịp thời? 

Đây là tình tiết hết sức quan trọng, chứng minh cho hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định bảo đảm an toàn cho cộng đồng tại công viên của những người được giao trách nhiệm. Nếu bảo vệ công viên đã được người dân phản ánh về sự cố điện giật mà không thực hiện báo lại cho đơn vị quản lý thiết bị chiếu sáng công viên này để có biện pháp xử lý kịp thời thì bảo vệ cần phải bị xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng công viên đã được thông báo nhưng không xử lý sự cố rò điện thì trách nhiệm hình sự thuộc về người trực tiếp được giao nhiệm vụ xử lý, khắc phục sự cố hệ thống điện chiếu sáng.

Cần lưu ý, dù là bảo vệ công viên hay người của đơn vị quản lý hệ thống chiếu sáng nếu phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng: Phạm tội trong trường hợp là người có tránh nhiệm về an toàn ở những nơi đông người với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 227 BLHS. 

 - Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Trong khi chơi trốn tìm cùng bạn tại công viên Châu Văn Liêm (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) vào khoảng 20h30 ngày 14/5, bé trai 10 tuổi, học lớp 4 đã vấp ngã vào cột đèn và bị điện giật gây tử vong.

Thông tin từ người dân sống gần công viên này cho biết: Trước đó mấy ngày, một người phụ nữ đi tập thể dục trong công viên này cũng bị điện giật nhưng chỉ tê tay, tê chân. Vị trí bị giật cũng ngay chỗ bé trai gặp nạn. Sau khi bị điện giật, người phụ nữ đó đã báo cho bảo vệ công viên nhưng không thấy ai khắc phục.

Trả lời báo chí, đại diện chính quyền quận Ô Môn xác nhận: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý công viên là Phòng Quản lý đô thị quận. Phòng này sau đó đã giao lại cho một đơn vị tư nhân đấu thầu để quản lý cây xanh và điện chiếu sáng công cộng trong công viên. Trong lúc chờ nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, UBND quận cũng thường xuyên yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm phải kiểm tra, đảm bảo an toàn các hạng mục vui chơi tại công viên.

Đọc thêm