Bình Thuận: Cơ sở cá cơm xả thải, cá nuôi lồng bè chết hàng loạt?

(PLO) - Một số ngày qua, tại Mũi Điện Kê Gà (thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), một số lồng bè nuôi cá bóp trên biển bị chết hàng loại… Các lồng bè này nằm ven biển sát ngọn Hải Đăng Kê Gà, gồm 4 hộ dân nuôi cá với 56 lồng bè. 
Lồng bè nuôi cá bóp của ông Nguyễn Văn Sáu và ông Nguyễn Đức Lộc bị chết hàng loạt tại Mũi Điện Kê Gà
Lồng bè nuôi cá bóp của ông Nguyễn Văn Sáu và ông Nguyễn Đức Lộc bị chết hàng loạt tại Mũi Điện Kê Gà

Vào sáng 21/6/2016, tại lồng bè của ông Nguyễn Văn Sáu và ông Nguyễn Đức Lộc, lúc cho cá ăn như thường lệ, phát hiện cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân… Đến sáng 23/6 số cá còn lại tại các lồng bè này vẫn tiếp tục chết.

Trước sự việc trên, Đoàn khảo sát liên ngành đã đến làm việc, ước tính số lượng cá chết lúc đang khảo sát khoảng 1.500 con loại lớn, trọng lượng từ 4 – 5kg/con; và 2.300 con loại nhỏ từ 1 – 2 kg/con. Riêng 2 hộ nuôi cá cách lồng bè của ông Sáu chừng 150m không có hiện tượng cá chết. 

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam cho biết, cá bóp nuôi lồng bè trên biển của một số hộ dân tại thôn Kê Gà bị chết đột ngột từ chiều tối 21/6 đến trưa 22/6 với tổng số khoảng 3.800 con (ước 10 tấn), thiệt hại khoảng gần 2 tỷ đồng.

Sáng 23/6, PV đã đi ca nô ra hiện trường các lồng bè bị cá chết để tiếp tục tìm hiểu sự việc. Các hộ nuôi cá lồng bè cho biết, khu vực nuôi cá đang bị chết có dòng chảy yếu, thời điểm cá chết nước triều cường cạn có độ sâu 4m. Trong khi đó khu vực nuôi cá của 2 hộ có ít cá chết thì thông thoáng hơn, dòng chảy mạnh hơn, triều cường xuống có độ sâu 6m. Điều đáng lưu ý, cách 2 hộ nuôi có cá chết khoảng 200m theo hướng vào bờ có một cơ sở chế biến cá cơm của ông Huỳnh Chí Thiện, cách đó 800m cũng có một cơ sở chế biến cá cơm của hộ ông Huỳnh Văn Xuất. 

Trước đó, chiều 21/6/2016, cán bộ UBND xã Tân Thành đã lấy mẫu nước thải ngay đầu ống xả thải ra biển của cơ sở chế biến cá cơm. Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đã thu 3 mẫu nước biển (2 mẫu nước của 2 hộ nuôi cá bị chết và 1 mẫu của 2 hộ nuôi cá không bị chết).

Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã thu mẫu 1 cá bóp để xét nghiệm dịch bệnh và 1 mẫu nước biển tại bè nuôi cá chết để phân tích các chỉ tiêu nuôi trồng thủy sản thông thường. Riêng mẫu nước thải của cơ sở chế biến cá cơm do UBND xã Tân Thành lấy mẫu, được bàn giao lại cho Chi cục Bảo vệ môi trường phân tích. 

Theo một số cán bộ trong Đoàn khảo sát liên ngành, sau khi tiếp nhận thông tin cá nuôi lồng bè tại thôn Kê Gà bị chết hàng loạt, Đoàn gồm: Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND xã Tân Thành, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Thuận, Phòng TNMT và Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đến hiện trường khảo sát, thu thập thông tin, thu các mẫu để phân tích. Nguyên nhân cá nuôi bị chết sẽ chờ kết quả phân tích, xét nghiệm các chỉ tiêu ô nhiễm để xác định rõ.

“Tuy nhiên, trước mắt cho thấy 2 hộ nuôi bị cá chết nằm ở khu vực không được thuận lợi so với 2 hộ nuôi không có cá chết. Đó là nơi có dòng chảy yếu, nước cạn, gắn với nguồn ô nhiễm từ các cơ sở chế biến cá cơm trong đất liền xả thải ra biển”, một cán bộ cho hay.

UBND huyện Hàm Thuận Nam đã báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận và các ngành chức năng để chỉ đạo, phối hợp làm rõ sự việc; đồng thời đề nghị có chính sách hỗ trợ cho người bị thiệt hại khắc phục hậu quả. Huyện cũng chỉ đạo UBND xã Tân Thành tuyên truyền để người dân an tâm, không hoang mang, hướng dẫn phân biệt giữa cá chết bất thường và cá khai thác biển để người dân yên tâm sử dụng./.

Đọc thêm