Chung cư 129 (Hà Nội): Nhiều hạng mục chưa được nghiệm thu phòng cháy, cư dân bất an

(PLO) - Mặc dù Chung cư 129 (địa chỉ số 51 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đã bàn giao cho cư dân và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2016, tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều hạng mục vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC). Suốt hơn 2 năm qua, hàng trăm cư dân như “ngồi trên đống lửa” vì lo lắng “bà hỏa” có thể viếng thăm bất cứ lúc nào.

Chủ đầu tư thay đổi thiết kế

Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy chung cư gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vấn đề PCCC thời điểm này trở nên nóng bỏng, được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có nhiều chủ đầu tư đã và đang coi thường tính mạng khi đưa người dân vào ở, trong khi công tác PCCC chưa đảm bảo. 

Mới đây, nhiều cư dân sống tại Chung cư 129 phản ánh, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ và cho người dân vào ở từ tháng 1/2016. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục của chung cư vẫn chưa được nghiệm thu PCCC. 

Được biết, Chung cư 129 do Công ty TNHH Một thành viên 129 là chủ đầu tư. Ban quản trị Chung cư 129 đã được bầu vào 14/5/2017 và được UBND quận Thanh Xuân công nhận vào tháng 7/2017. Ban quản trị đã đăng ký các thủ tục pháp nhân và con dấu tại Công an TP.Hà Nội.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế tại các tầng G1, G2, G3 và tầng mái của tòa chung cư (4 căn hộ tầng 21 của chung cư đã xây dựng tăng diện tích, chiếm dụng tầng mái). 

Nhiều hạng mục của Chung cư 129 chưa được nghiệm thu PCCC
Nhiều hạng mục của Chung cư 129 chưa được nghiệm thu PCCC

Điều này không chỉ liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng mà còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn tính mạng con người khi có cháy nổ xảy ra. Bởi, đến nay chung cư này vẫn chưa được nghiệm thu PCCC đối với tầng G1, G2, G3 và tầng mái. 

Ngoài ra, cư dân cũng phản ánh tình trạng chủ đầu tư lấn chiếm không gian sử dụng chung, bịt lối thoát hiểm, gây cản trở cho quá trình thoát hiểm nếu có cháy nổ xảy ra. 

Hệ thống báo cháy tự động của chung cư có lỗi từ nhiều tháng nay, hoạt động sai, báo cháy giả, hệ thống cầu thang thoát hiểm kín có áp suất dương nhưng lại được thiết kế, thi công có các cửa mở thoáng làm vô hiệu hóa hệ thống tăng áp. 

Ngoài vấn đề về đảm bảo PCCC ở chung cư đang “nóng bỏng”, cư dân Chung cư 129 còn phản ánh, chủ đầu tư chưa bàn giao đầy đủ Hồ sơ pháp lý cho Ban quản trị, đặc biệt là thiết kế kiến trúc cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hồ sơ nghiệm thu về PCCC theo văn bản nghiệm thu PCCC số 130/PCCC ngày 21/6/2016 của Cảnh sát PC&CC TP.Hà Nội. 

“Chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị phòng sinh hoạt cộng đồng tại tầng G3 với diện tích 168,5m2. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có bản thiết kế Chung cư 129 đã được phê duyệt cho nên không nắm rõ vị trí chính thức của phòng này ở đâu. Ngoài ra, tầng G3 không được thiết kế hệ thống hút khói tự động khi có cháy, ở trên cao, sinh hoạt đông người, nếu có sự cố thì việc giải cứu sẽ có nguy cơ rủi ro rất cao nhất là tính mạng con người”, một cư dân cho biết.

Cũng theo phản ánh, chủ đầu tư chưa xác định rõ các phần sở hữu chung, riêng đối với toàn bộ chung cư bao gồm cả hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và quyền sử dụng đất. Đặc biệt, vấn đề quyền sử dụng đất đối với sân đường nội bộ đã được thể hiện trong Hợp đồng mua bán căn hộ. 

Biên bản kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC số 8 chỉ ra hàng loạt tồn tại ở Chung cư 129
Biên bản kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC số 8 chỉ ra hàng loạt tồn tại ở Chung cư 129

Theo đó, sân đường nội bộ (gồm một phần hầm xe, bể phốt, bể nước, rãnh thoát nước, cây cảnh, tiểu cảnh vườn cỏ) là phần sở hữu chung đối với tất cả các chủ sở hữu, nhưng phía chủ đầu tư lại nhận là sở hữu riêng.

Viện dẫn cho vấn đề này, người dân đã cung cấp Hợp đồng Mua bán căn hộ ký với chủ đầu tư. 

Tại Phụ lục 5 của hợp đồng có ghi rõ 9 mục là phần sở hữu chung bao gồm: Tầng hầm; Tum cầu thang, bể nước mái; Cầu thang máy, cầu thang bộ, cầu thang thoát hiểm, sảnh, hành lang; Cửa vào đường đi sảnh tầng 1; Đường đi nội bộ ngoài nhà; (6) Cổng, hàng rào, hè, rãnh, bồn cây, thảm cỏ...; Bể nước cứu hỏa; Bể nước sinh hoạt; Bể phốt. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại cho rằng đường đi nội bộ ngoài nhà là sở hữu riêng.

“Chủ đầu tư cho rằng đường đi nội bộ ngoài nhà thuộc sở hữu riêng của họ là không đúng, vì trong hợp đồng mua bán ghi rõ đó là phần sở hữu chung. Hiện chủ đầu tư trông giữ xe quanh tòa nhà khiến việc đi lại của cư dân khó khăn, việc chiếm dụng lối đi chung còn gây cản trở xe cứu hỏa ra vào khi cần”, một cư dân bức xúc nói. 

Còn nhiều tồn tại về PCCC

Trước hàng loạt những bất cập đang tồn tại ở Chung cư 129, ngày 3/4/2018, Ban quản trị đã có công văn  số 30/CV-BQTCC129 về việc đảm bảo an toàn PCCC gửi Sở Cảnh Sát PC&CC TP.Hà Nội. 

Ngày 20/4/2018, Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại Chung cư 129. Tại biên bản kiểm tra, Phòng Cảnh sát PC&CC số 8 đã chỉ ra những tồn tại về PCCC ở Chung cư 129. 

Cụ thể, chủ đầu tư không thực hiện các yêu cầu về PCCC đã được cơ quan thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản. Lực lượng PCCC cơ sở chưa được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy năm 2018. Chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với chung cư.

Đa số miệng đổ rác tại các tầng của hệ thống đổ rác trong buồng thang bộ đã tháo, gỡ vật liệu bịt kín, chống cháy. Cửa chống cháy một số tầng chèn các vật dụng làm mất khả năng chống cháy. Mặt bằng tầng G3 và tầng mái đã thay đổi, chưa được thẩm duyệt bổ sung về PCCC theo quy định. Chủ đầu tư chưa bàn giao đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan đến công tác PCCC, hệ thống PCCC cho Ban quản trị theo quy định.

Cũng liên quan đến những kiến nghị giải quyết của Ban quản trị Chung cư 129, ngày 30/5/2018, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Thanh Xuân đã xuống kiểm tra công tác quản lý, sử dụng và vận hành nhà chung cư. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra nhiều bất cập ở Chung cư 129. 

Theo kết luận tại biên bản của đoàn kiểm tra, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao đầy đủ hồ sơ cho Ban quản trị theo khoản 2, Điều 2, Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với Ban quản trị phân định phần diện tích, các hệ thống thiết bị hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 100 Luật Nhà ở và khẩn trương bàn giao để Ban quản trị quản lý. Ngoài ra, chủ đầu tư phải hoàn tất hồ sơ để được nghiệm thu PCCC tại các tầng G1, G2, G3 và tầng mái.

Cũng tại biên bản trên, đại diện chủ đầu tư cho biết, hệ thống PCCC đang được trang bị trong tòa nhà cơ bản đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hệ thống báo cháy đôi lúc còn bị lỗi. Hệ thống PCCC nói chung cần được bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nhận thiếu xót về việc chưa được nghiệm thu công tác PCCC tại các tầng G1, G2, G3 và tầng mái. 

Có thể nói, những phản ánh của cư dân đang sinh sống tại Chung cư 129 là có cơ sở. Thiết nghĩ, những vấn đề còn tồn tại trên đặc biệt là vấn đề đảm bảo PCCC cần được chủ đầu tư sớm khắc phục. Đây cũng là điều mà các cư dân sống trong Chung cư 129 đang mong mỏi từng ngày, từng giờ vì liên quan trực tiếp đến vấn đề an toàn tính mạng của họ.

Tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư

Ngày 28/8/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, tăng cường hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu Chủ đầu tư có trách nhiệm: Ngay sau khi đủ điều kiện, tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị nhà chung cư và thực hiện bàn giao hồ sơ nhà chung cư, thu và bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Thông tư số 02/2016/TT-BXDT; Thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình được quy định tại Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư) có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương trong việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư của Chủ đầu tư cho Ban quản trị; trong việc quyết toán số liệu và bàn giao kinh phí bảo trì giữa Chủ đầu tư và Ban quản trị; việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn (nơi có nhà chung cư) trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư khi Chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không đủ số lượng người tham gia hoặc chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư khi đã đủ điều kiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Tiếp tục thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý nhà nước về nhà chung cư; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị theo Quy chế; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý, giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn, phối hợp với Sở Xây dựng giải quyết những trường hợp phức tạp kéo dài; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thành phố xin ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật. 

Đọc thêm