"Công trình tiền tỷ bị bỏ hoang": Biết dự án không có hiệu quả nhưng vẫn làm vì sợ bị kỷ luật

(PLO) - Để tìm hiểu thêm về dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương” bị bỏ hoang nhiều năm, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương) .
"Công trình tiền tỷ bị bỏ hoang": Biết dự án không có hiệu quả nhưng vẫn làm vì sợ bị kỷ luật

Ông Sơn cho biết, ngày 5/12/2012, tại Quyết định số 2893/QĐ-UBND, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Báo cáo Kinh tế - kỹ thuật Công trình: Tiểu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất vải thiều an toàn theo VietGAP tại xã Thanh Xá thuộc dự án: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình  khí sinh học (QSEAP).

Tổng mức đầu tư trên 14,8 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần 13 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của ngân sách tỉnh Hải Dương (trên 1,8 tỷ đồng). Sở  NN&PTNT tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án QSEAP Hải Dương đại diện chủ đầu tư.

Mục tiêu, nhiệm vụ của công trình là đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết cho vùng sản xuất nông nghiệp an toàn như đường đi, hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu, cung cấp nước rửa rau, quả sạch; hệ thống thu gom chất thải; hỗ trợ phát triển cơ sở sản xuất cho công tác sau thu hoạch, đóng gói, phân loại sản phẩm nhằm góp phần tăng năng suất trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp an toàn và chất lượng. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và giá thành của sản phẩm góp phần tăng thu nhập, đảm bảo việc làm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

Diện tích để xây dựng các công trình phục vụ cho khu vực sản xuất là 28ha, trong đó chủ yếu là đường giao thông, nội đồng, kênh tưới… để phục vụ tiêu thoát nước cho vùng vải.

Ngoài ra còn có hạng mục nhỏ là nhà sơ chế với mức xây dựng 1,2 tỷ.

Theo ông Sơn, đây là dự án vốn nước ngoài (ODA), Chính phủ vay để kích cầu, thay đổi thói quen, tập quán về canh tác của người dân để đảm bảo sản phẩm an toàn, chỉ có 16 tỉnh, thành được hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ có những vùng như chè Thái Nguyên, rau Đà Lạt (Lâm Đồng) mới hoạt động hiệu quả. Bởi những vùng này người ta có định hướng rất tốt về thu gom sản phẩm và xây dựng thương hiệu, chất lượng.

Người dân thực sự chú trọng vào sản phẩm an toàn để xuất đi khắp nơi nên bắt buộc phải sao tẩm, vào nhà sơ chế để làm. Còn lại những nơi khác không mang lại hiệu quả là do làm “đánh trống nửa vời”. Muốn hoàn thiện một vùng sản xuất an toàn cần phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Khi được hỏi dự án đã đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả thì phải giải quyết như thế nào để tránh lãng phí, ông Sơn cho hay: Ngay từ đầu nhìn ra đã biết dự án này (đặc biệt hạng mục nhà sơ chế) sẽ không mang lại hiệu quả nhưng Nhà nước đề ra thì phải làm theo. Không làm theo sẽ bị kỷ luật. Gọi là lãng phí nhưng thực ra nhà sơ chế chỉ có khoảng một tỷ đồng (chiếm 10 % dự án). Còn các hạng mục khác người dân vẫn sử dụng bình thường. Nhà sơ chế không phải là nơi tập kết như chợ đầu mối mà chủ yếu làm đông lạnh để phục vụ xuất khẩu. Vì thế, đường giao thông được xây dựng cũng để phục vụ các xe đông lạnh. Việc người dân chở bằng xe container là không đúng. Bởi vậy, nguyên nhân khiến nhà sơ chế không hoạt động hiệu quả là do bản chất người quản lý ở xã đã chưa có định hướng tốt đến với người dân.

“Để công trình sử dụng hiệu quả, không bị lãng phí, địa phương cần đầu tư, đẩy mạnh về xây dựng thương hiệu, giao cho bộ phận Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, đơn vị giúp việc của địa phương phụ trách, quản lý, giám sát hoặc giao cho một cá nhân, doanh nghiệp nào đó quản lý nhà sơ chế, bao tiêu sản phẩm thì mới mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân được. Chúng tôi xây dựng dự án chứ không hỗ trợ việc thành lập xúc tiến thương mại cho họ.

Ngày 15/4/2014 đã bàn giao công trình lại cho địa phương, địa phương phải có trách nhiệm. Ban quản lý dự án QSEAP cũng đã giải tán và cắt lương từ năm 2015. Tôi không còn ăn lương nên không liên quan gì đến dự án này”, ông Sơn nói.

Một công trình mang tiếng là vùng được triển khai dự án sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP nhưng thực tế người dân vẫn phải tự lực 100% từ sản xuất, đến khâu thu gom, xây dựng thương hiệu, phân phối và tiêu thụ. Chính quyền địa phương loay hoay đề nghị cấp trên giải quyết nhưng “cấp trên” lại “chối bỏ trách nhiệm”.

Dư luận đặt câu hỏi, với trả lời của ông Nguyễn Anh Sơn như trên, hóa ra việc Nhà nước hỗ trợ cơ sở chỉ là kiểu “làm cho có” và xong dự án thì “đem con bỏ chợ”? Số phận của công trình tiền tỷ này rồi sẽ ra sao? Người dân có nên mong chờ lợi ích từ công trình này nữa hay không? Câu hỏi xin gửi về các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương.

Đọc thêm