Đắk Lắk: Nổ mìn xây thủy điện làm nứt nhà dân

(PLO) - Năm 2017, dư luận đã hết sức lo ngại khi UBND tỉnh Đắk Lắk xin chuyển  hơn 5ha đất rừng thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Nam Ka (huyện Lắk) để làm thủy điện Chư Pông Krông (trên sông Krông Nô, giáp ranh giữa Đắk Lắk và Đắk Nông).
Người dân tố nhà bị nứt là do thủy điện nổ mìn
Người dân tố nhà bị nứt là do thủy điện nổ mìn

Đến nay những lo lắng đó bắt đầu thành hiện thực khi hàng chục hộ dân ở Đắk Nông gửi đơn đến cơ quan chức năng, phản ánh đơn vị xây thủy điện trên cho nổ mìn làm đập gây nứt nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. 

Xin đất rừng để làm thủy điện

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đồng ý để tỉnh chuyển 5,41ha rừng đặc dụng Nam Kar làm thủy điện Chư Pông Krông. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk giữ nguyên hiện trạng.

Đến ngày 21/4/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có Công văn số 2910 gửi Bộ NN&PTNT, cho biết 5,41ha đất rừng nói trên không có rừng nên kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét đồng thuận việc chuyển 5,41 ha đất thuộc rừng phòng hộ Nam Ka sang cho UBND huyện Lắk quản lý. 

Cụ thể, trong 5,41ha có 0,94 ha là đất núi nông nghiệp (trồng cà phê), 4,47 ha đất trống, đã được Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka đồng ý chuyển giao cho địa phương. 

Trước đó, dự án đã được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh theo công văn 1208 ngày 18/9/2007. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại quyết định số 1990 ngày 18/9/2014 và được HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua ngày 14/12/2016.

UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định, việc hình thành nhà máy thủy điện Chư Pông Krông không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng đặc dụng Nam Ka.

Ngày 11/8/2017, trên cơ sở công văn 2910 và kiến nghị của Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, xử lý việc chuyển mục đích sử dụng 5,41 ha rừng nói trên.

Đến ngày 14/9/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định điều chỉnh giảm 5,41 ha đất không có rừng tại khoảnh 9, tiểu khu 1306 do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng. Cuối năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định cho Cty Hưng Phúc thuê diện tích này để thực hiện dự án thủy điện Chư Pông Krông.

Ngay sau đó, Cty Hưng Phúc đã xây dựng Dự án đầu tư công trình nhà máy thủy điện với công suất thiết kế 7,5MW, xây dựng trên tổng diện tích 8,11ha (trong đó có 5,41 ha thuộc rừng đặc dụng Nam Ka).

Nứt nhà dân vì thủy điện nổ mìn

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân thôn Phú Thuận (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông): Từ đầu năm 2018 đến nay, công trình thủy điện Chư Pông Krông cho nổ mìn trên sông Krông Nô khiến hàng chục căn nhà hư hỏng nghiêm trọng.

Bà Lê Thị Thuận cho biết nhà của bà cách công trình thủy điện chưa đầy 200m. Mỗi lần nổ mìn, căn nhà lại rung lên khiến gạch ngói rơi liên tục. Tường nhà xuất hiện hàng trăm vết nứt, có những vết dài đến vài mét khiến gia đình lo lắng.

Tương tự, căn nhà mới xây năm 2017 của gia đình chị Cao Thị Thuận cũng xuất hiện hàng chục vết nứt trên tường sau khi nhà máy thủy điện khởi công. Mỗi khi công trình thủy điện nổ mìn là những căn nhà quanh đó lại rung lắc khiến nhiều hộ sống trong cảnh bất an. Do bức xúc, các hộ dân đã gửi đơn đến các cơ quan liên quan để phản ánh.

Công trình thủy điện Chư Pông Krông đang xây dựng
Công trình thủy điện Chư Pông Krông đang xây dựng 

Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 22/5, UBND tỉnh Đắk Nông có ý kiến gửi UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân gần khu vực nổ mìn. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị xác định mức độ thiệt hại và có phương án hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công thủy điện.

Trao đổi vấn đề này với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã tiến hành xác minh phản ánh của người dân về việc thủy điện Chư Pông Krông làm nứt nhà dân. 

Theo đó, có 25 hộ dân tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có đơn phản ánh về sự việc này. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên ngày 5/6/2018, đơn vị cùng các cơ quan, ban ngành liên quan (gồm đại diện: Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Krông Nô, UBND xã Quảng Phú, đơn vị chủ đầu tư – Công ty Hưng Phúc và đơn vị thi công Chi nhánh 515 – Công ty Cổ phần Sông Đà 505) chỉ kiểm tra được 8 nhà.

Kết quả kiểm tra cho thấy phản ánh của người dân là có thật. Các vết nứt tại nhà dân có cả cũ và mới. Người dân cũng thừa nhận một số nhà có vết nứt cũ nhưng khi bị tác động của việc nổ mìn đã nứt nhiều hơn. Về nguyên nhân nứt, đoàn công tác nhận định có thể là do nhiều tác động. Phía đơn vị thi công và chủ đầu tư công nhận việc nổ mìn có tác động đến nhà dân.

Trên cơ sở đó, đoàn công tác đã thống nhất đề nghị đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công phối hợp với chính quyền địa phương có phương án thỏa thuận với người dân, thời gian đến ngày 15/7/2018. Nếu sau đó, các đơn vị này không thỏa thuận được với dân thì đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ định đơn vị có chức năng về xây dựng xác định mức độ hư hại do nổ mìn để có phương án đền bù cho người dân. Hoặc đơn vị thi công thực hiện giám sát nổ mìn theo quy định để xác định mức độ rung chấn.

Đại diện Cty Hưng Phúc cho biết, nếu cơ quan chức năng xác định việc nổ mìn khiến nhà dân hư hỏng, đơn vị sẽ làm việc với đơn vị thi công đưa ra phương án đền bù thỏa đáng. Vị giám đốc Cty này cũng khẳng định chồng mình là ông Trương Công Hồng, đang công tác tại Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hồng hiện là phó giám đốc sở này phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về năng lượng, thủy điện, kỹ thuật an toàn, môi trường và khoa học công nghệ. 

Liên quan đến vấn đề nổ mìn xây thủy điện gây nứt hàng chục nhà dân, ông Hồng khẳng định chủ đầu tư và đơn vị thi công đang làm việc với các hộ dân ở thôn Phú Thuận (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), thuộc diện bị ảnh hưởng. Sau đó sẽ có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông xin ý kiến, nếu tỉnh và người dân đồng ý thì chủ đầu tư sẽ nhờ chính quyền đứng ra chi trả bồi thường đầy đủ. 

Ngày 11/3/2017, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tạm dừng cấp phép đối với các dự án thủy điện gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế; thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bộ NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện các dự án trồng rừng thay thế trong khi Bộ TN&MT kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các quy định về môi trường, các quy trình vận hành liên hồ chứa, có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng tái khẳng định lệnh đóng cửa rừng đối với khu vực Tây Nguyên không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp.

Đọc thêm