Đất khai phá gần 50 năm, tòa lại tuyên… giao cho người khác

(PLO) -Ông Phạm Văn Long (SN 1942, ngụ tổ 70, khu phố 5, phường 12, TP. Vũng Tàu) phản ánh: TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên buộc ông phải giao trả 589m2 đất cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thành Long (phường 3, TP. Vũng Tàu, giám đốc là ông Nguyễn Văn Thanh). Theo ông Long, phần đất này nằm trong tổng diện tích khoảng 19.000m2 đất của ông được cha mẹ để lại.
Mương nước là ranh giới đất tồn tại lâu nay.
Mương nước là ranh giới đất tồn tại lâu nay.

Ông kể: Năm 1972, cha ông khai phá khoảng 19.000m2 đất, ngăn cách với các hộ khác bằng hai mương nước ở đầu và cuối. Năm 1986, ông Long được cha mẹ giao lại toàn bộ phần đất nói trên và tiếp tục sử dụng.

Năm 1993, ông Long đi đăng ký quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và được chính quyền đo đạc, vẽ bản đồ. Tuy nhiên, chỉ đăng ký trong sổ mục kê chứ chưa làm GCNQSDĐ. Cạnh đất nhà ông, cách một mương nước là đất do ông Lê Văn Thành mua và đứng tên chủ quyền.

Ông Long cho biết ông Thành mua đất để bán lại kiếm lời. Và người toàn quyền làm thủ tục mua bán là anh trai ông Thành. 

Phía trong đất của ông Long, ông Thành mua đất của một số hộ khác nhưng đường đi vào cong quẹo. Anh trai ông Thành xin chính quyền mở con đường chạy ngang qua đất của ông Long đi thẳng vào đất của mình. Chính quyền và ông Long đều đồng ý với phương án hiến một nửa, bán một nửa. Đất của ông Long bị con đường chia làm hai phần.

Năm 2001, ông Long đến chính quyền yêu cầu được cấp sổ đỏ thì được giải thích là chưa tới đợt. Đến năm 2005, ông Long được cấp sổ đỏ với diện tích hơn 17.700 m2. Phần còn lại (bao gồm cả phần đang tranh chấp) có diện tích khoảng 1.300 m2 không hiểu tại sao bị tách ra và không cấp sổ đỏ cho ông Long. Mặc dù vậy, trên bản đồ phần không được cấp sổ đỏ vẫn ghi “đất ông Long”.

Cùng thời điểm này, anh trai ông Thành thay mặt em sang nhượng lại cho Giám đốc Công ty Thành Long 8.325 m2. Ông Long cho rằng diện tích này lấn sang đất của ông 589 m2 nhưng do việc mua bán trên giấy tờ, không đo đạc thực tế nên không ai hay biết. Khi bán đất, người bán cắm mốc và cột mốc này chỉ tới mương nước, không xâm phạm đến đất của ông Long.

Ông Long nói: “Được cấp sổ đỏ, tôi mừng quá, không để ý nên không biết có một phần đất của mình bị tách ra và không được cấp. Vài năm sau, tôi phân lô bán cho người khác. Khi tách sổ, người ta mới cho biết là đất của tôi bị cấp thiếu. Tôi lên UBND phường hỏi và làm thủ tục cấp phần còn thiếu đó. Tuy nhiên, hồ sơ lên đến tỉnh thì... mất tích”.

Dò hỏi, ông Long mới biết phần đất của mình không được cấp sổ là do bị chính quyền cấp cho người khác từ nhiều năm trước. Ông Long hỏi nhưng không được chính quyền nói tên người được cấp. Ông phải vất vả tìm hiểu mới có được bản photo sổ đỏ của người mua.

Ông Long cho rằng cả ông và người mua đất không hề hay biết sự chồng lấn này. Vì thế, năm 2006, người mua cho xây dựng tường rào bao quanh với ranh giới là mương nước. Ông Long cũng xây tường rào đúng theo đất của mình. Mương nước ở giữa hai tường rào. Khi ông Long xây dựng tường rào không có tranh chấp gì.

Sau khi ông Long tìm hiểu, nộp đơn khiếu nại việc cấp đất sai thì ông Thanh mới biết đất của mình được cấp sổ, vượt qua khỏi con mương nên phát đơn kiện yêu cầu ông Long giao đất. Thời điểm ông Thanh phát đơn kiện là vào năm 2013.

Sau nhiều lần trì hoãn, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm vào ngày 14/06/2016, buộc ông Long giao 589 m2 đất cho nguyên đơn.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng bản án còn nhiều khuất tất. Thứ nhất, sổ đỏ của ông Thanh được cấp năm 2001, trong phần ký giáp ranh, chữ ký của ông Long là giả mạo theo kết luận của Viện khoa học hình sự tại TP. HCM. Nhưng tòa lại nhận định việc giả mạo này không ảnh hưởng đến thủ tục cấp sổ đỏ.

Thứ hai, có 14 người làm chứng được tòa triệu tập đều xác nhận phần đất tranh chấp là của gia đình ông Long sử dụng từ năm 1972 đến nay. Nhưng khi nhận định vụ án, tòa bỏ qua lời khai này.

Thứ ba, ông Long yêu cầu tòa án triệu tập người anh đã thay mặt ông Thành bán đất cho ông Thanh dẫn đến tranh chấp để yêu cầu chỉ ranh giới khi mua bán. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận.

“Gia đình chúng tôi phải bỏ công tìm kiếm thì mới có được hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Thính và ông Thanh. Trong hợp đồng này, mặc dù diện tích ghi là 8.325 m2 nhưng lại ghi ranh giới tới mương nước, không lấn qua đất của tôi. Việc chồng lấn là do họ mua bán trên giấy, không đo đạc thực tế. Giờ thấy thiếu đất thì lại chiếm đất của tôi. Việc mua bán thiếu đất là tranh chấp giữa ông Thanh và ông Thính không liên quan gì đến gia đình tôi. Mấy năm nay, chúng tôi khổ vì đáo tụng đình. Đất của mình, tự dưng người khác có sổ đỏ, rồi chúng tôi bị tuyên mất đất”, ông Long nói.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Long kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, hủy sổ đỏ của nguyên đơn, công nhận 589 m2 đất là của gia đình ông.

Đọc thêm