Huyện Bình Chánh: Xã “bó tay” trước “ông trời con” “bức tử” môi trường

(PLO) - Hệ thống kênh rạch ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đã và đang bị tàn phá, chết dần chết mòn bởi các cơ sở tái chế giấy, sản xuất bao bì, cán nhôm, sản xuất nhựa… xả thải trực tiếp ra môi trường. Tình trạng ô nhiễm diễn ra nhiều năm, địa phương biết nhưng đành “bó tay” vì xã không có thẩm quyền xử lý.
Nước trắng xóa thải trực tiếp ra môi trường ở khu đất ông La Chia
Nước trắng xóa thải trực tiếp ra môi trường ở khu đất ông La Chia

Ngang nhiên “bức tử” môi trường

Trong đơn thư gửi Báo PLVN, bà con ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) vô cùng bức xúc trước sự coi thường pháp luật, thiếu lương tâm đạo đức của một số chủ cơ sở đang ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo người dân, nạn ô nhiễm ở xã Phạm Văn Hai nói riêng, huyện Bình Chánh nói chung đang ở mức báo động đỏ.

PV đã trực tiếp về địa phương để thị sát tình hình, điều tra theo đơn thư bạn đọc. Theo quan sát, con đường Vĩnh Lộc thuộc ấp 1 xã Phạm Văn Hai vẫn sạch sẽ, dân cư khá đông đúc. Tuy nhiên, qua nhiều ngày lần theo manh mối người dân cung cấp, PV thực sự không tin vào mắt mình khi tận mắt chứng kiến cảnh cả dòng kênh lớn, nguồn sống của nông dân đang bị nhiều nhà máy, xí nghiệp nơi đây “bức tử” không thương tiếc.

Cụ thể, đó là khu đất này rộng hơn 30.000m2 nằm tại địa chỉ 1A- 216A đường Vĩnh Lộc (đoạn chạy qua ấp 1, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh). Dù khu đất rộng nhưng chỉ có diện tích mặt tiền khoảng 15m, được xây tường cao, có chốt bảo vệ nghiêm ngặt suốt ngày đêm nên người lạ không thể lọt vào được. Bao quanh khu đất rộng lớn này có 3 mặt giáp khu dân cư và một mặt sau dài khoảng 500m giáp con kênh T14, bên kia kênh là rừng của Nông trường Phạm Văn Hai.

Lợi dụng địa hình đó, chủ khu đất này đã xây dựng hơn chục nhà xưởng rộng hàng chục ngàn mét vuông cho nhiều cơ sở thuê lại để sản xuất. Tuy nhiên, điều đặc biệt là không biết vô tình hay hữu ý nhưng ông chủ khu đất này lại rất “có duyên” thu hút những ngành nghề ô nhiễm nhất tụ hội về đất của mình như cán nhôm, sản xuất đồ nhựa, cao su, tái chế giấy, căng kim…

PV đã nhiều lần tìm cách thâm nhập vào bên trong nhưng vừa tới cổng liền bị bảo vệ phát hiện người lạ nên không cho vào. Theo chỉ dẫn của một người dân, PV men theo con đường đất lầy lội, luồn lách qua Nông trường Phạm Văn Hai thì mới tiếp cận được mặt sau của khu đất này.

Tại đây, PV được chứng kiến một cảnh tượng khó tả. Nếu phía mặt tiền khu đất sạch sẽ, yên tĩnh bao nhiêu thì sau lưng khu đất lại càng bẩn thỉu ô nhiễm gấp vạn lần. Những nhà máy, xí nghiệp cũ nát, hoen gỉ do hóa chất, khói bụi đang đua nhau xả thải ra môi trường với đủ loại nước có màu sắc khác nhau. Khói đen, khói trắng cứ thế bốc lên mù mịt, kèm theo đó là đủ thứ mùi hôi thối nồng nặc…

Theo quan sát, tất cả cơ sở nằm dọc bờ kênh của khu đất này đều thải trực tiếp ra môi trường. Có cơ sở được ngụy trang tinh vi nên người dân đi làm rừng ở nông trường không thể phát hiện được việc xả thải. Một số cơ sở cất giấu các thùng phuy đủ thứ màu đen, đỏ một cách hết sức kín đáo. Những thùng phuy được nghi đựng hóa chất, dầu nhớt thải để phục vụ cho việc nhuộm vải, sản xuất nhựa, giấy…

Dù PV đã đóng vai người đi thuê đất trồng rừng, giả vờ chỉ trỏ về đất nông trường, nhưng do sản xuất những ngành nghề quá ô nhiễm, nhạy cảm nên công nhân và các chủ cơ sở này rất để ý, đề phòng. Vừa thấy PV đưa điện thoại lên giả vờ nghe thì một số công nhân đang làm việc tại đây đã tìm cách lùi vào trong.

Những thùng phuy nghi đựng hóa chất phục vụ việc nhuộm, sản xuất nhựa, bao bì tại khu vực này
Những thùng phuy nghi đựng hóa chất phục vụ việc nhuộm, sản xuất nhựa, bao bì tại khu vực này

Chính quyền xã cũng “bó tay”

Đã bao năm phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng, người dân nơi đây vô cùng bức xúc, họ đã nhiều lần kêu cứu nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên xả thải. Bà N.T.H sống ở khu vực này bức xúc: “Nước kênh nhiễm hóa chất khiến không con cá, tôm nào sống được. Chúng tôi chỉ là người dân thấp cổ bé họng, kêu gào mấy năm qua nhưng cũng có ăn thua gì đâu. Sao họ ác quá, vì tiền mà chủ đất lẫn chủ các cơ sở thuê lại đều bất chấp pháp luật, chà đạp lên môi trường sống...”.

Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Phạm Văn Hai cho biết, thời gian qua người dân đã phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm tại khu vực này. Chính quyền địa phương cũng đã nắm bắt tình hình, báo cáo lên cấp trên và đã rất nhiều lần phối hợp kiểm tra, xử lý. Theo đó, chủ khu đất này là ông La Chia (ngụ quận 10, TP HCM). Ông La Chia cho 7 cơ sở như Thái Bình 2, Minh Trung, Thanh Phong… thuê lại để tái chế giấy, sản xuất bao bì, cán nhôm, sản xuất nhựa…

Ông Phạm Viết Khương- Phó Chủ tịch xã Phạm Văn Hai không giấu nổi sự bức xúc trước lối hành xử của chủ đất cũng như các cơ sở gây ô nhiễm này. Ông cho biết dù đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nhiều lần, với số tiền lớn, nhưng họ vẫn vi phạm. “Có cơ sở hứa sẽ ngưng hoạt động hoặc chuyển qua nơi khác, nhưng nhiều năm qua vẫn cứ hoạt động. Tuy nhiên vì xã không có thẩm quyền nên chỉ biết kiến nghị lên cấp trên để di dời các cơ sở này đi nơi khác vì khu đất này được quy hoạch là khu dân cư từ lâu…” Phó Chủ tịch Khương cho biết.

Để rõ hơn vấn đề trách nhiệm trong việc cho thuê nhà xưởng, mục đích sử dụng đất, PV đã liên hệ với ông La Chia là chủ khu đất này. Tuy nhiên, PV chỉ được con dâu ông nghe máy và cho biết bố mẹ đã đi Mỹ. Đầu tháng 6 vừa qua, PV gọi điện thì được ông La Chia cho biết vừa mới từ Mỹ về nên bận, hẹn một tuần sẽ tới tòa soạn cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan. Tuy nhiên sau đó ông vẫn không đến. Giữa tháng 6, PV gọi điện thì vợ ông nghe máy và cho biết đang đi thăm bà con ở miền Tây và từ chối cấp thông tin với lý do Báo đã lên chính quyền tìm hiểu thì cứ thế làm việc, chứ gia đình bà không cung cấp gì thêm.

Thực tế, các cơ sở hoạt động trong khu đất của ông La Chia đang ngày đêm “bức tử” môi trường sống gây ra bức xúc cho người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đây suốt thời gian qua. Đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm.

Đọc thêm