Kỳ án dân khởi kiện đòi Tòa án bồi thường ở Sóc Trăng: Cơ quan Điều tra, VKSND Tối cao “vào cuộc”!

(PLO) - Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) do thẩm phán ký  đã bị “tuýt còi”, sau đó thẩm phán này đã bị khởi tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Điều này đồng nghĩa với quyết định áp dụng BPKCTT của TAND TP Sóc Trăng và quyết định trả lời khiếu nại của Chánh án TAND TP Sóc Trăng là chưa đúng luật, sai sự thật!?
Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Sóc Trăng do Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình ký
Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Sóc Trăng do Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình ký

Áp dụng biện pháp… khi đối tượng không còn!?

Báo PLVN nhận được đơn phản ánh của bạn đọc về việc cán bộ TAND tỉnh Sóc Trăng và TAND TP Sóc Trăng có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo đơn trình bày, bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), bà có mua căn nhà của ông Đặng Văn Muôn do ông Muôn đem ra bán đấu giá để lấy tiền trả nợ cho bà Quách Tố Vân theo đúng quy định của pháp luật. Bà và ông Muôn cùng bà Vân đã thỏa thuận 3 bên với mức giá 3,2 tỷ đồng. Ngày 31/1/2013, ông Muôn làm giấy ủy quyền cho bà Ngọc để bà trực tiếp liên hệ với Chi cục THADS TP Sóc Trăng, thương lượng việc trả nợ và nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. 

Sau đó, bà Ngọc trực tiếp trả cho bà Vân số tiền 1,8 tỷ đồng và đưa ông Muôn số tiền 1,4 tỷ đồng. Bà Vân làm đơn tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục THADS TP Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định giải tỏa kê biên căn nhà của ông Muôn. Đồng thời, ông Muôn làm hợp đồng chuyển nhượng căn nhà và đất sang tên cho vợ chồng bà Ngọc. Cứ nghĩ mọi thủ tục giấy tờ đã xong, bà Ngọc mang căn nhà bán lại cho ông Lê Ngọc Phượng (ở TP HCM), nhận 2 tỉ đồng tiền đặt cọc và theo thỏa thuận bà Ngọc phải có trách nhiệm hoàn tất thủ tục sang tên từ chủ cũ trong vòng một tháng. Biết được tin ông Muôn bán nhà, vợ cũ của ông đã gửi đơn đến TAND TP Sóc Trăng, yêu cầu hủy bỏ giao dịch giữa ông Muôn và bà Ngọc với lý do ông Muôn còn nợ tiền bà. Ngày 22/2/2013, ông Nguyễn Văn Thanh Bình (lúc này là thẩm phán TAND TP Sóc Trăng) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) cấm không cho mua bán đối với tài sản trên.

Biết được sự việc, bà Ngọc làm đơn khiếu nại gửi đến TAND TP Sóc Trăng và nhận được văn bản trả lởi từ Chánh án TAND TP Sóc Trăng với nội dung cho rằng: Ông Bình ra quyết định áp dụng BPKCTT là đúng pháp luật, phù hợp với quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Việc vợ cũ ông Muôn yêu cầu cấm mua bán đối với căn nhà nêu trên nhằm đảm bảo thi hành án là có cơ sở chấp nhận. Tiếp đó, vì ông Muôn xuất cảnh, thường xuyên vắng mặt, nhận thấy vụ án có yếu tố nước ngoài nên ngày 10/4/2013, vụ án được chuyển lên TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục thụ lý. Tại đây, Thẩm phán  được giao thụ lý đã ra quyết định hủy bỏ quyết định BPKCTT số 01/2013 ngày 29/8/2013 của TAND TP Sóc Trăng với lý do: “Việc đương sự yêu cầu áp dụng BPKCTT để đảm bảo thi hành án đối với một vụ án khác là không đúng”. Đồng thời, trong văn bản trả lời khiếu nại của bà Lẫm, TAND tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng: “Ngày 6/2/2013, giữa ông Muôn và bà Ngọc đã hoàn thành thủ tục hợp đồng mua bán thì bà Lẫm mới gửi đơn đến tòa yêu cầu áp dụng BPKCTT. Tại thời điểm này, “tài sản đã được chuyển dịch cho người khác hợp pháp nhưng TAND TP Sóc Trăng vẫn áp dụng BPKCTT khi đối tượng bị áp dụng không còn”. 

Một thời gian sau, quyết định áp dụng BPKCTT do Thẩm phán Bình ký  đã bị Cơ quan điều tra, VKSND Tối cao “tuýt còi”. Sau đó ông Bình bị khởi tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật”. Như vậy, đồng nghĩa với việc quyết định áp dụng BPKCTT của TAND TP Sóc Trăng và quyết định trả lời khiếu nại của Chánh án TAND TP Sóc Trăng là chưa đúng pháp luật.

Hành vi sai trái của ông Bình đã bị khởi tố nhưng hậu quả để lại còn rất nặng nề khiến gia đình bà Ngọc khốn đốn vì mất mát về tài chính, kinh tế lẫn uy tín, danh dự. Vì quyết định sai trái này nên việc mua bán của bà Ngọc và ông Phượng bất thành. Ông Phượng kiện và đòi lại 2 tỷ tiền cọc và yêu cầu tòa buộc bà Ngọc "bồi thường thêm 2 tỉ đồng như cam kết trong thỏa thuận". 

Do những thiệt hại trên, sau đó bà Ngọc làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi đến TAND TP Sóc Trăng và TAND tỉnh Sóc Trăng để yêu cầu bồi thường và giải quyết những thiệt hại do quyết định sai lầm của TAND TP gây ra nhưng hai cơ quan trên đều có văn bản trả lời không chấp nhận đơn yêu cầu. 

Sau đó, TAND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Sau đó, TAND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

Thẩm phán xử án theo “tiền lệ”!?

Bà Ngọc trình bày, mới đây, tại Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền Tây Nam bộ (Phòng 10), Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, bà đã có hai buổi đối chất với ông Nguyễn Văn Thanh Bình - nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP Sóc Trăng và ông Võ Hoàng Anh, nguyên Chánh án TAND TP Sóc Trăng, nay là Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng. 

Theo lời bà Ngọc, tại buổi đối chất ông Bình vẫn trả lời là việc ra quyết định áp dụng BPKCTT là đúng pháp luật và cho rằng việc ra quyết định trên là do có yêu cầu của bà Lẫm chứ không phải tự ý ra quyết định. 

Bà Ngọc phản đối, vì thẩm phán là người được giao nhiệm vụ xử lý xét xử vụ án theo quy định của pháp luật nhưng lại tùy tiện làm theo yêu cầu của bà Lẫm thì ông Bình cho rằng bà Lẫm có quyền  đó. Bà Ngọc cho biết, khi nhận được thông báo thụ lý vụ án và quyết định áp dụng BPKCTT của Tòa án bà đã làm tường trình và nộp tài liệu chứng cứ liên quan cho ông Bình nhưng ông Bình cho rằng ông chỉ có quyền ra quyết định chứ không có quyền hủy quyết định áp dụng BPKCTT.  

Bà Ngọc cho biết: Cũng tại buổi đối chất, bà Ngọc hỏi ông Bình rằng: “Nếu ông cho rằng ông thụ lý vụ án và ra quyết định áp dụng BPKCTT là đúng theo quy định pháp luật vậy tại sao lại bị Tòa án tỉnh Sóc Trăng ra quyết định hủy bỏ?” thì ông Bình không trả lời mà chỉ ngồi im lặng…

Nói về buổi đối chất với ông Võ Hoàng Anh, nguyên Chánh án TAND TP Sóc Trăng, nay là Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, bà Ngọc cho biết, ông Hoàng Anh cũng khẳng định việc làm của ông Bình là đúng. Theo ông Hoàng Anh,  Chánh án và Thẩm phán TAND tỉnh đã không đúng khi cho rằng quyết định áp dụng BPKCTT là sai và ra quyết định hủy bỏ. Đồng thời, ông còn khẳng định ông không hiểu rõ về Luật Nhà ở, chỉ biết ông Muôn chưa trả tiền cho bà Lẫm, còn thụ lý vụ án và ra quyết định áp dụng BPKCTT là quyền độc lập của Thẩm phán và Thẩm phán chịu trách nhiệm về việc làm của mình, ông không chỉ đạo ông Bình làm như vậy. Khi được hỏi tại sao không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Ngọc và hậu quả xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm thì ông Hoàng Anh chỉ im lặng không trả lời gì cả.

Trao đổi với PLVN, ông Võ Phúc Dương, Phó trưởng Phòng Điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền Tây Nam bộ (Phòng 10), Cơ quan Điều tra, VKSND Tối cao xác nhận, vừa qua đơn vị có phối hợp với Vụ 6, VKSND Tối cao tổ chức đối chất giữa bà Nguyễn Thị Ngọc với ông Nguyễn Văn Thanh Bình, nguyên Thẩm phán, phó Chánh án TAND thành phố Sóc Trăng và ông Võ Hoàng Anh, nguyên Chánh án TAND thành phố Sóc Trăng, nay là Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, ông Dương cũng cho biết hiện tại vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ… 

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin đến bạn đọc. 

Đọc thêm