Lý Nhân (Hà Nam): Bãi cát hoạt động trái phép “đe dọa” an toàn đê sông Hồng

(PLO) - Đi dọc tuyến đê sông Hồng đoạn chạy qua huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) có hàng loạt bãi cát hoạt động trái phép trên hành lang đê điều. Những bãi cát này còn gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn hành lang thoát lũ, gây sạt lở đê, kè và đất nông nghiệp trong thời gian dài mà vẫn không thấy bóng dáng cơ quan chức năng ở đâu?
Bãi cát của ông Trần Văn Diệm hoạt động trên hành lang đê điều, lấn chiếm đất nông nghiệp
Bãi cát của ông Trần Văn Diệm hoạt động trên hành lang đê điều, lấn chiếm đất nông nghiệp

Tập kết cát vô tội vạ

Tuyến đê sông Hồng đoạn chạy qua địa phận huyện Lý Nhân có hàng chục bãi cát và công trình xây dựng đua nhau “xẻ thịt” dọc tuyến đê sông Hồng một cách vô tội vạ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Lý Nhân có 7 xã nằm ven sông Hồng thì cả 7 xã đều có những bãi cát hoạt động trái phép ngay hành lang sông Hồng. Trong đó có gần 20 bãi cát tư nhân hoạt động, chưa kể một số bãi của các công ty và hầu như các bãi cát đều hết hợp đồng thuê đất, không có giấy tờ cam kết bảo vệ môi trường. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh trên đất nông nghiệp, bãi bồi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại địa bàn xã Phú Phúc có 2 bãi cát kinh doanh trái phép của ông Vũ Hữu Thanh với hơn 12.000m2 và ông Lê Văn Ngưu 1200m2 hoạt động không phép trên đất nông nghiệp. Còn ở xã Nhân Thịnh có bãi cát hộ gia đình ông Trần Đình Đạt với diện tích 3000m2 và ông Trần Văn Diệm với 5000m2 đều hết hạn thuê đất…

Theo một người dân tại xã Nhân Thịnh cho biết: “Hai bãi cát của ông Diện và ông Đạt hoạt động nhiều năm nay. Không những lấn chiếm đất nông nghiệp mà còn có nhiều xe tải chở cát chạy gây bụi bặm, tàn phá tuyến đường đê sông Hồng”.

Quan sát thực tế của phóng viên, trên địa bàn xã Nhân Thịnh có tổng số 4 bãi cát tư nhân hoạt động, trong đó có 2 bãi cát lên đến hàng nghìn khối của ông Trần Văn Diện và Trần Đình Đạt vẫn ngang nhiên hoạt động ngay sát bờ kè sông Hồng. Đặc biệt, chủ các bãi cát còn xây dựng những công trình nhà ở kiên cố ngay trên hành lang đê điều và thường xuyên có lượng xe quá tải không che chắn chạy trên tuyến đường đê sông Hồng, ảnh hưởng không nhỏ đến người đi đường và đe dọa đến tuổi thọ của đê.

Có sự bao che?

Hầu hết các bãi tập kết cát dọc tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện Lý Nhân hoạt động “chui” hoặc giấy phép hết hạn. Có nhiều bãi cát chất thành đống như núi cát lớn ngăn cản hành lang thoát lũ tồn tại nhiều năm nay, nhưng không hiểu lý do gì cho đến nay chính quyền địa phương các xã vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Suất - cán bộ địa chính xã Phú Phúc cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có hai bãi cát của hai hộ gia đình đang hoạt động không phép đã lâu. Trong đó bãi cát hộ gia đình của ông Vũ Hữu Thanh hoạt động 4-5 năm nay còn gia đình ông Lê Văn Ngưu hoạt động “chui” gần 10 năm nay. Riêng bãi cát của ông Thanh, trước đó UBND xã cho thuê 12.000m2 với mục đích để sản xuất nông nghiệp, nhưng được một vài năm gia đình ông này “biến” thành bãi tập kết cát để kinh doanh trái phép”.

“Sau khi gia đình ông Thanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm bãi tập kết cát để kinh doanh, lãnh đạo xã đã ra tiến hành lập biên bản xử lý và phạt hành chính đối với gia đình ông Thanh về vấn đề vi phạm sử dụng đất nông nghiệp. Còn việc tập kết cát ngay hành lang đê điều thì chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện để xử lý”, ông Suất cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Lương Văn Sính - Chủ tịch xã Nhân Thịnh cho biết: “Tất cả 3 bãi cát của các ông Diệm, Đạt, Hoằng hoạt động nhiều năm nhưng không có giấy tờ gì nộp cho xã. Vào tháng 5/2016, UBND xã đã mời các chủ bãi cát lên làm việc và cam kết không nhập cát về bãi, bán hết số cát còn lại. Hiện tại ở bãi ông Diệm và ông Đạt bán gần hết rồi”. Khi phóng viên hỏi bãi cát của ông Đạt và ông Diễm còn bao nhiêu khối cát, thì ông Sính trả lời “còn chưa đến 100 khối nữa”. Nhưng trên thực tế theo ghi nhận của phóng viên thì hai bãi cát cả ông Diễm và ông Đạt ước tính lên đến cả nghìn khối. 

Được biết, UBND huyện Lý Nhân cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Phòng TN&MT và Công an huyện xử lý những cát hoạt động trái phép trên tuyến sông Hồng và báo cáo trước ngày 15/4. Tuy nhiên, không biết việc báo cáo này như thế nào, nhưng hiện nay hàng loạt bãi cát nơi đây vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra.

Vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý huyện Lý Nhân ở đâu? Liệu có sự bao che ở đây?

Đọc thêm