Lý Nhân (Hà Nam): Nghịch lý trúng thầu 4 năm vẫn không được giao đầm

(PLO) - Mặc dù người dân trúng thầu, đã nộp trước 30 triệu đồng tiền đặt cọc đấu thầu nhưng cho đến nay đã gần 4 năm trôi qua chính quyền xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) vẫn không giao đầm cho người dân nuôi trồng sản xuất, trong khi đó người dân nghèo phải “cõng” trên lưng trả món tiền lãi ngân hàng.
Khu đầm Lam Cầu ông Chính trúng thầu đã gần 4 năm nhưng chưa được giao
Khu đầm Lam Cầu ông Chính trúng thầu đã gần 4 năm nhưng chưa được giao

Trúng thầu thì mặc trúng thầu

Ông Nguyễn Đức Chính (trú tại xóm 2, thôn Lam Cầu, xã Nhân Thịnh, Lý Nhân, Hà Nam) không khỏi bất bình khi nói về việc gia đình ông có trúng thầu lô đầm Lam Cầu. Khi đấu thầu gia đình ông đã nộp cho xã tiền phí và 30 triệu tiền đặt cọc thầu để đấu thầu tiếp. Từ lúc trúng thầu cho đến nay đã 4 năm trôi qua xã lại “chần chừ” không giao đầm cho gia đình ông làm ăn.

Qua lời kể của ông Chính, vào tháng 5/2012 UBND xã Nhân Thịnh tổ chức một cuộc đấu thầu gồm 3 lô đầm đã hết hạn hợp đồng. Trước khi đấu thầu gia đình ông đã nộp tiền lệ phí và đặt tiền cọc trước 30 triệu mới được đấu thầu.

Sau khi đấu, gia đình ông trúng thầu ở lô đầm số 3 với giá 1.010.000 đồng/sào/năm (tính theo giá lúa thời điểm đó), tính ra 6 mẫu với tổng số tiền là 70 triệu/năm. Đến ngày 1/6/2012, UBND xã Nhân Thịnh gửi giấy mời cho gia đình ông Chính mang số tiền 70 triệu đồng đến xã nộp và kí hợp đồng kinh tế.

“Sau khi được mời lên UBND xã, tưởng chừng nộp số tiền còn lại và được kí hợp đồng kinh tế là xong khiến gia đình tôi mừng lắm. Nhưng đến khi gia đình tôi mang tiền lên nộp thì Chủ tịch UBND xã lại không nhận số tiền và không kí hợp đồng giao đầm cho gia đình tôi và chỉ nói là xin khất hôm khác mà không nói lý do gì” - ông Chính cho hay.

Đã 4 năm trôi qua, nhiều lần gia đình ông Chính lên UBND xã Nhân Thịnh đề nghị giao đầm cho gia đình ông đều bị từ chối hoặc nói “tạo điều kiện cho xã”. Khi ông Chính thắc mắc “tại sao phải tạo điều kiện?” thì UBND xã nói còn vướng mắc với chủ hợp đồng cũ.

Ông Chính cho biết: “Khi gia đình tôi lên đề nghị huyện xem xét giao đầm thì Chủ tịch UBND huyện nói UBND xã Nhân Thịnh gửi lên UBND huyện 3 hợp đồng riêng của 3 ô nhỏ được chia trong lô đầm số 3 mà gia đình tôi đã trúng thầu. Nhưng tôi hỏi ai đã tách 1 lô thành 3 ô nhỏ thì không ai trả lời”.

Qua quan sát của phóng viên, đúng như lời ông Chính phản ánh khu đầm Lam Cầu có hơn 6 mẫu đã bỏ hoang không giao cho ai nuôi trồng và sản xuất. Khu đầm 4 năm bỏ hoang không những gây lãng phí mà có nguy cơ gây ra dịch bệnh.

Chính quyền địa phương “nhờn” giao thầu

Trong lúc gia đình ông Chính vay 30 triệu từ ngân hàng về đặt cọc đấu thầu mảnh đầm Lam Cầu để chăn nuôi phát triển kinh tế. Qua nhiều buổi làm việc với gia đình ông Chính vào ngày 16/09/2013 (có biên bản làm việc) cán bộ UBND xã hứa sẽ giải quyết sớm. Nhưng sau khi trúng thầu cho đến nay UBND xã Nhân Thịnh vẫn “nhờn” giao đầm cho người trúng thầu.

Cũng theo ông Chính, sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ, vào cuối năm 2015 UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo UBND xã Nhân Thịnh cưỡng chế đầm chủ hợp đồng cũ đã hết hạn. Nhưng khi cưỡng chế xong, xã vẫn không giao đầm cho gia đình ông. Khi ông Chính hỏi tại sao cưỡng chế đầm rồi mà vẫn không giao đầm thì ông Chủ tịch trả lời bằng miệng “vì ông Chủ tịch cũ làm sai nên phải kéo dài thời gian”.

Sau nhiều lần xã mời ông Chính lên giải quyết mà không thấy giao đầm, rõ ràng xã Nhân Thịnh đang cố tình chậm giao đầm cho nhân dân.

Để làm rõ lý do tại sao trúng thầu 4 năm rồi mà không được giao đầm, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh biện minh: Việc chưa giao đầm cho ông Nguyễn Văn Chính là do vẫn chưa thanh lý được hợp đồng với chủ đầm cũ.

Khi được hỏi tại sao chưa thanh lý hợp đồng chủ đầm cũ xã lại cho đấu thầu, ông Thiều trả lời: “Khi gần hết hợp đồng xã đã gửi giấy mời và thông báo thời hạn hết hợp đồng nhưng họ không nghe. Sau khi thu hoạch vụ cá xong chủ hợp đồng cũ lại thả cá vào nuôi tiếp nên xã không làm được gì”. Tiếp đó đến tháng 3/2013 xã mới tiến hành lập biên bản hành vi vi phạm của chủ đầm cũ, đến tháng 11/2015 mới cưỡng chế chủ đầm cũ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh cho hay: “Việc chậm giao thầu còn nhiều vướng mắc ở chỗ chủ hợp đồng cũ. Còn việc giao đầm chúng tôi sẽ sớm giải quyết cho gia đình ông Chính”, nhưng ông Chủ tịch cũng “không hứa trước được, phải chờ huyện đồng ý”. Khi được hỏi về khoản tiền 30 triệu của gia đình ông Chính thì ông Sinh bảo đã mời gia đình ông Chính lên làm việc tính trả theo lãi ngân hàng. 

Đọc thêm