Nhức nhối nạn “cát tặc” rút ruột sông Bến Hải

(PLO) - Sau cuộc thị sát và quán triệt vấn nạn khai thác cát sạn trái phép trên sông Bến Hải đoạn qua 2 xã Trung Sơn (huyện Gio Linh) và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) của UBND tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền sở tại, thì các bên liên quan mặc dù đã ký cam kết không “tái phạm”. Vậy nhưng mọi chuyện vẫn trở về như cũ, đôi bờ Bến Hải ngày đêm vẫn quằn quại bởi nạn “cát tặc”.
Dù ban ngày nhưng các thuyền hút cát sạn vẫn ngang nhiên hoạt động trên sông Bến Hải
Dù ban ngày nhưng các thuyền hút cát sạn vẫn ngang nhiên hoạt động trên sông Bến Hải

Bất chấp lệnh cấm, “cát tặc” vẫn ngang nhiên “xà xẻo” con sông

Vài năm gần đây, tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông Bến Hải đoạn qua 2 xã Trung Sơn và Vĩnh Sơn diễn ra một cách ồ ạt, không có quy hoạch đã làm cho những tảng đất lớn ào ạt đổ xuống đáy con sông huyền thoại, khiến dòng sông lịch sử bị biến dạng trầm trọng. Đồng nghĩa với vấn nạn này thì hàng chục ha đất hoa màu, đất lâm nghiệp của bà con nhân dân ở hai bên bờ sông bị lấn át, và đe dọa đời sống của hàng trăm hộ dân dựng nhà ở dọc sông.

Người dân địa phương phản ánh, các sà lan hút cát và các thuyền khai thác cát sạn vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm, và càng về khuya thì càng “hoạt động” dữ dội hơn. Những chiếc sà lan có gắn động cơ thay nhau hút cát sạn trên sông đã thọc sâu vào bờ từ 5 – 10 mét đất và gây sạt lở hàng chục điểm dọc hai bên bờ, có nơi sạt lở kéo dài hơn 20 mét. Hầu hết các thuyền khai thác cát sạn trái phép đều không có biển kiểm soát, đồng thời các thuyền này kết cấu có cửa xả đáy nên mỗi khi gặp đoàn kiểm tra, cát được xả chảy xuống lòng sông do đó việc bắt quả tang là rất khó.

Ghi nhận của phóng viên, tại dọc bờ sông có nhiều điểm đã bị sạt sở hoàn toàn, tạo nên những bờ vực thẳm rất nguy hiểm. Nhiều bụi tre to do người dân trồng để chống sạt lở đã bị chìm xuống nước sâu, nước xâm thực vào đất liền làm cho các cây tràm dọc sông trơ bộ rễ, không chỉ vậy các ruộng ngô sắn quanh khu vực đã bị thu hẹp khoảng canh tác.

Từ một bờ sông thoai thoải nay trở thành bờ sông dựng đứng, chạy dài hơn một cây số. Tình hình này vẫn còn tiếp diễn thì chắc chắn rằng đến mùa mưa lũ về dọc bờ sông Bến Hải sẽ còn bị lở nhiều mét đất ra đi cùng dòng nước.

Chính quyền cũng bất lực?

Trước thông tin phản ánh của người dân, phóng viên PLVN đã có buổi làm việc với ông Phan Thanh Tý, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn. Ông Tý cho biết, tại khu vực sông Bến Hải hiện có 2 Cty được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép khai thác cát sỏi là Cty TNHH Nam Việt Đức và Cty TNHH MTV Đào Dương. Thời gian qua, 2 doanh nghiệp này tự tiện mở rộng phạm vi khai thác tại những nơi chưa được cấp phép.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an huyện Vĩnh Linh, Công an huyện Gio Linh, chính quyền 2 xã Vĩnh Sơn và Trung Sơn đã lập đoàn kiểm tra thực tế và nhận thấy việc sạt lở bờ sông có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân do khai thác cát, sạn trái phép.

Vì thế nhà chức trách đã yêu cầu 2 Cty trên phải nghiêm túc thực hiện các quy định như tổ chức treo biển, số hiệu, đăng ký khối lượng tàu thuyền tham gia khai thác, vận chuyển cát để chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát. Các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã triển khai cắm biển các khu vực cấm khai thác, đồng thời phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sạn trên sông…

Tại buổi làm việc, đại diện 2 Cty này tới làm việc và các bên liên quan đã ký cam kết nhưng Cty Nam Việt Đức vẫn thuê các thuyền nhỏ đến khai thác cát sạn về bán lại cho Cty.

“Mỗi khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, xã đều huy động lực lượng đến hiện trường. Tuy nhiên, vì sông Bến Hải nằm trên địa bàn hai huyện nên khi lực lượng đến nơi thì tàu hút cát, sỏi nhổ neo, dạt qua phía bên kia sông (thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn). Thêm một lý do nữa là do lực lượng của xã mỏng, phương tiện trên sông như ca nô, tàu thuyền hoàn toàn không có gì cả, theo kiểu tay không bắt giặc. Vì thế xã cũng đành chịu thua”- ông Tý cho hay.

“Sau bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra vào 22/5 sắp tới thì xã sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để tìm giải pháp xử lý hiệu quả hơn, sớm lập lại trật tự cho khu vực. Chứ tình hình này kéo dài thì làm khổ dân thêm, khổ chính quyền cơ sở” - Chủ tịch xã Trung Sơn cho biết.

Hiện người dân sống gần các mép sông đang mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt trả lại cho sự bình an của sông và các bờ ruộng không còn sạt lở nữa mỗi khi mùa mưa bão về, nhằm đảm bảo môi trường sinh thái của các loài thủy sản sinh sống vùng hạ lưu này.

Đọc thêm