Những câu chuyện đời...

(PLO) - Làm công tác bạn đọc, một trong những “điều được” nhất của chúng tôi là được gặp nhiều người, được tiếp xúc với nhiều tâm trạng và được chứng kiến nhiều thay đổi nhất của những số phận ngang qua trang báo. Chính những câu chuyện đời từ những mảnh ghép cuộc sống đó đã mang đến cho chúng tôi nhiều cảm nhận, làm nên một phần công việc của chúng tôi...
Mỗi người dân lại đem đến báo Pháp luật Việt Nam một câu chuyện đời của riêng họ...
Mỗi người dân lại đem đến báo Pháp luật Việt Nam một câu chuyện đời của riêng họ...

Niềm trăn trở của hai chị em bà già mù

Một sáng đầu mùa hè, Ban Pháp luật – Bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam tiếp hai người khách. Cả hai đều trên dưới 80 tuổi. Đó là một bà cụ mù lòa và người em trai của bà, từ Quy Nhơn (Bình Định) tìm đến báo, để kể về nỗi nhọc nhằn của họ.

Bà chị - tên là Nguyễn Thị Đoan, kể, từ những năm 1972 – 1973, nhà bà mua nhà và hàng hóa trong cửa hàng của người khác, có giấy tờ chính quyền chứng thực việc mua bán. Sau đó, bà đến ở và buôn bán ở căn nhà trên. Thế nhưng, qua đó vài năm, người ta đến thu nhà của bà, bảo là thực hiện chính sách cải tạo nhà ở, nhà đó là nhà vắng chủ. Dù rằng gia đình bà đã đưa ra giấy tờ mua bán, dù rằng cả nhà bà đang sinh sống ở đó, dù rằng chứng minh được nguồn gốc số hàng hóa – là cả một gia tài..., nhưng gia đình bà vẫn bị chuyển sang một ngôi nhà nhỏ hơn nằm trên cùng phố cách đó một đoạn ngắn...

“Tôi đã dành cả một đời để đi đòi lại nhà cho gia đình, vì tôi không cam lòng mất nhà một cách vô lý đến thế. Từ thị xã, tỉnh đến Bộ Xây dựng, đâu người ta cũng trả lời tôi cùng một đáp án theo lý giải của họ và rồi sau đó là không giải quyết đơn thư của tôi, dù rằng gia đình tôi đã đưa ra các loại giấy tờ hợp pháp để chứng minh quyền lợi của mình đối với tài sản” – bà Nguyễn Thị Đoan nói – “Giờ thì gần đất xa trời, mắt cũng đã mùa lòa nhiều năm, đi phải có người đưa lại phải có người dắt, tôi nhờ em tôi là chú Huy đây giúp tôi, tôi chỉ mong rằng có ai đó có tâm mà lật lại hồ sơ nhà tôi để cho chúng tôi một câu trả lời thỏa đáng”.

Đưa ra tập đơn dày nhuốm màu thời gian như mái tóc của hai chị em bà, bà Đoan chia sẻ: “Chúng tôi cũng biết càng lâu cơ hội lật lại sự việc càng ít đi, nhưng chúng tôi vẫn bám lấy hy vọng có được hồi âm từ cơ quan chức năng trước khi mất đi theo các cụ. Nhờ quý báo đọc rồi đưa ra hướng xử lý giúp chúng tôi đơn thư này”.

Xem hồ sơ của gia đình, rõ ràng những băn khoăn của bà cụ là có cơ sở. Chúng tôi đã thông tin trên báo và gửi văn bản tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét đơn thư của các cụ. Sau đó, thi thoảng ông Huy lại qua lại cơ quan, khi thì bổ sung hồ sơ, khi thì nhờ đọc giúp xem hành văn của lá đơn đã phù hợp hay chưa. Nhìn ông cụ đi lại vất vả như thế, những người trẻ hơn chúng tôi không khỏi cảm thấy áy náy, dường như mình làm chưa đủ, dường như mình bất lực khi chưa giúp được  nhiều hơn cho ông, bà.

Nỗi lòng “đáo tụng đình” của người vợ liệt sĩ

Ngồi đối diện tôi là người phụ nữ gần 80 tuổi – bà Lưu Thị Dong (sinh năm 1940, trú tại số 16 ngách 322/76/18 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vợ liệt sĩ Phan Trư (nguyên Bệnh viện trưởng Quân khu 5, hy sinh năm 1971 tại Quảng Nam). Bà Dong kể, giờ bà là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp đất đai mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đang thụ lý giải quyết, trong đó nguyên đơn là một người họ hàng của bà – cô Nguyễn Thị Bưởi.

Bà Lưu Thị Dong đứng trước mảng đất khiến bà hơn chục năm nay “đáo tụng đình”
Bà Lưu Thị Dong đứng trước mảng đất khiến bà hơn chục năm nay “đáo tụng đình”

Cơ sự từ khi mẹ chồng bà là cụ Lưu Thị Chúc nể tình họ hàng cho con gái của bà Lưu Thị Ty là cô Nguyễn Thị Bưởi dựng lều ở tạm trên phần đất nhà bà mà không lập giấy tờ ghi chép gì cả. Khi phát hiện đất nhà mình bị người ở nhờ bán cho người khác, cụ Chúc đòi lại đất không cho cô Bưởi ở nhờ nữa. Năm 2002, cô Bưởi quay lại đòi đất trước đó cụ Chúc cho ở nhờ, cho rằng đó là đất của bà Ty. Hai bên tranh chấp, sau một thời gian nấn ná, cô Bưởi chuyển đi nơi khác, bỏ lại căn nhà dột nát, nước ao ngập ngang lưng. Ấy thế nhưng căn nhà dột nát nằm trơ trơ trên đất nhà mình lại từng dẫn bà Lưu Thị Dong tới một “kỳ án” hình sự bất thành. 

Báo chí Trung ương và Hà Nội thời gian những năm 2006 – 2009 hẳn chưa quên kỳ án bà già 70 tuổi đập đổ nhà hàng xóm – một vụ án được xét xử ở cấp huyện nhưng thu hút sự chú ý của công luận. Hình ảnh bà Lưu Thị Dong gần 70 tuổi mấy lần phải ra đứng trước vành móng ngựa trong các phiên tòa được mở đi mở lại vì cho rằng bà có hành vi “hủy hoại tài sản”. Cụ thể, bà bị cáo buộc một mình cầm xà beng phá sập nhà người khác, mà người khác đó chính là cô Nguyễn Thị Bưởi.

Vụ án này sau đó đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung 5 lần do có những tình tiết mập mờ, như không làm rõ việc bà Dong phá nhà như thế nào, giá trị tài sản (ngôi nhà) là bao nhiêu.... Việc  một vụ án lỏng lẻo, non chứng cứ, thiếu lý lẽ,  5 lần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ra lại kết luận điều tra, ra lại cáo trạng, xét xử lại để khép tội một người vợ liệt sĩ lúc bấy giờ đã gây bất bình cho nhiều người. Sau cùng, năm 2009, vụ án này đã bị đình chỉ.

Giờ thì cô Bưởi đang kiện bà Lưu Thị Dong ra tòa để đòi đất mà cô cho rằng đó là đất cô thừa kế từ bà Lưu Thị Ty. Thế là, gần chục năm sau vụ án hình sự bất thành, bà Dong – vợ liệt sĩ đã gần 80 tuổi – lại đang đối mặt với vụ kiện dân sự mà nguyên đơn chính là người họ hàng mà bà cho ở nhờ đất năm xưa. “Vì lòng thảo tôi mới cho người ta ở nhờ, nhưng vì có sự tiếp tay của một số người hữu trách mà vô tình ở xã, ở cơ quan tiến hành tố tụng, tôi mới hết lần này đến lần nọ đáo tụng đình như vậy. Tôi mong cơ quan chức năng có phán xử công minh tại tòa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của một công dân có cống hiến cho đất nước như tôi” – bà Dong bày tỏ.

Giọt nước mắt những người phụ nữ

Mỗi bạn đọc tìm đến Báo PLVN đều mang một nỗi tuyệt vọng với hoàn cảnh hết sức éo le khi không thể tìm ra cách giải quyết sự việc của mình. Vì vậy, họ tìm đến Báo, xem báo như chiếc phao cuối cùng để bám vào với niềm tin, hi vọng rằng, Báo sẽ giúp họ giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong cuộc sống. Hiểu được điều đó, nên chúng tôi vui khi rất nhiều kiến nghị, khiếu nại của bạn đọc thông qua những bài viết, những phiếu chuyển đơn của Báo PLVN đến các cơ quan chức năng mà sự việc được làm sáng tỏ, công lý được thực thi. 

Chúng tôi vẫn còn nguyên cảm xúc thương cảm khi tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Liễm (trú tại Thái Thụy, Thái Bình), khi bà tìm đến Ban Pháp luật – Bạn đọc với 1 tờ đơn trên tay và trình bày trong nước mắt về việc gia đình bà bị một số cán bộ xã o ép, gây khó khăn khi thu lại diện tích ao đã thầu khoán hơn chục năm để giao cho hộ khác, từ đó làm phát sinh tranh chấp giữa gia đình bà và hộ dân bên cạnh. 

Ngay sau khi nhận đơn, Báo PLVN đã có Phiếu chuyển đơn của bà đến UBND xã Thụy Ninh đề nghị giải quyết và nhận được phản hồi tích cực từ phía chính quyền địa phương. Và niềm vui mà chúng tôi nhận được là cuộc điện thoại đến với tiếng nói vui mừng thông báo của bà Liễm, chứ không còn những tiếng khóc nấc lên từng hồi như khi bà tìm đến Báo. 

Hay như chuyện bà Nguyễn Thị Khuyên (Phúc Thọ, Hà Nội) khi cầm đơn đến Báo PLVN hơn một năm trước đây. Bà rất là bức xúc và phải ngắt quãng câu chuyện mấy lần để kiềm chế. Lúc đó, bà Khuyên cho rằng do bà phản ánh những sai phạm của ông Lê Văn Đa - Hiệu trưởng Trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội) - trong công tác quản lý, thu, chi và bị ông Đa trù dập bằng cách tạm đình chỉ không phân công công tác giảng dạy nên bà bị điều chuyển từ Tổ Khoa học tự nhiên sang Tổ Văn phòng. 

Trước khi đến Báo PLVN, bà Khuyên đã vác đơn tới nhiều cơ quan chức năng. Sau quá trình xác minh đơn kêu cứu của bà Khuyên, chúng tôi đã có bài viết phản ánh sự việc. Sau đó, UBND huyện Phúc Thọ đã nhanh chóng đưa  kết luận về hàng loạt sai phạm của ông Đa.

“Là người trực Đường dây nóng của Tòa soạn, mỗi ngày tôi nghe không biết bao nhiêu cuộc gọi của bạn đọc hỏi về cách nộp đơn khiếu nại, tố cáo, tư vấn về cách giải quyết những tranh chấp trong cuộc sống, như: Tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, tranh chấp tài sản sau hôn nhân, nuôi con, tranh chấp về thừa kế, bị người khác đe dọa, hành hung…” – ông Đặng Vũ Hoài, Trưởng ban Pháp luật – Bạn đọc chia sẻ - “Nhưng có lẽ, “dặn dò” gần đây của một cụ ông ở tuổi “gần đất xa trời” từ Nghệ An rằng, để đơn thư tố cáo sai phạm của lãnh đạo xã không bị “dập đi” từ khi gửi, ông nhờ người khác viết cho khác chữ để họ không nhận ra, và “địa chỉ chính thức vẫn ở trong đơn, còn địa chỉ ở ngoài là để ngụy trang nhé” cứ khiến tôi thấy phân vân và day dứt mãi”...

Đọc thêm