Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội: Giành lại vỉa hè, lòng đường bằng cách “cắt điện sinh hoạt”?

(PLO) - Đã hai ngày nay, cả chục hộ dân thuộc thôn 2, thôn 4, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội lâm vào cảnh khốn đốn do bị cắt điện sinh hoạt. Việc này được cho là xuất phát từ Thông báo của UBND xã Ninh Hiệp về việc “tự giải tỏa, dỡ bỏ và xử lý các vi phạm về trật tự  an toàn giao thông (ATGT), trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC), vỉa hè, lòng đường, đất công và các điểm trông giữ phương tiện.
Một số hộ dân đang tháo dỡ mái tôn thì bị cắt điện nên phải để dở dang
Một số hộ dân đang tháo dỡ mái tôn thì bị cắt điện nên phải để dở dang

Theo phản ánh của một số người dân, từ khoảng 8h 30 ngày 25/9/2017, HTX Dịch vụ Tổng hợp Ninh Hiệp đã tiến hành cắt điện sinh hoạt của các hộ dân khu vực giáp đường mương Đình Bàng (thuộc thôn 2, thôn 4 xã Ninh Hiệp). Việc bị cắt điện nói trên khiến các hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn vì mất điện đồng nghĩa với việc không thể tự nấu ăn, thiếu nước sinh hoạt…và gây đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc này là các cụ già và trẻ em vì trời oi nóng nhưng không có quạt, không có điều hòa và không điện chiếu sáng…

Tình cảnh bi đát trên được cho là xuất phát từ Thông báo số 1679/TB-UBND ngày 19/9/2017 của UBND xã Ninh Hiệp (do ông Thạch Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã ký). Theo đó, UBND xã yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khu vực này phải tự tháo dỡ tất cả các công trình, vật kiến trúc, lều lán, cửa cuốn, mái che, mái vẩy, mái hiên di động, phông bạt, vách ngăn vỉa hè, biển hiệu, tường rào, bục bệ và hàng hóa bầy bán, trông giữ phương tiện chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, đất công trả lại nguyên trạng để giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thời hạn thực hiện xong trước ngày 20/9/2017. Quá thời hạn trên, UBND xã sẽ yêu cầu ngừng cung cấp điện cho các hộ gia đình không chấp hành và tổ chức giải tỏa, dỡ bỏ các vi phạm.

Theo UBND xã Ninh Hiệp thì Thông báo trên là nhằm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 127 huyện Gia Lâm về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, TTĐT, TTCC lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, theo các hộ dân thì trên thực tế, họ chỉ làm mái tôn, mái hiên chìa ra phần mương nước (UBND xã Ninh Hiệp đã cho phép các hộ dân “cống hóa” mương nước này từ năm 1986 để tránh ô nhiễm). Vì vậy, việc UBND xã Ninh Hiệp quy kết các hộ dân có hành vi “lấn chiếm lòng đường, vỉa hè” là không chính xác.

Trao đổi với phóng viên, ông Thạch Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND Ninh Hiệp thừa nhận việc một số hộ dân ở thôn 2, thôn 4 bị cắt điện như phản ánh trên và cho biết “xã đã nhiều lần có thông báo nhưng các hộ dân không chấp hành tháo dỡ công trình nên phải thực hiện cắt điện. Đáng lẽ, việc cắt điện được tiến hành từ ngày 21/9 nhưng do có đề nghị của các hộ dân nên đến sáng ngày 25 mới cắt điện chính thức”.

Lý giải về thắc mắc của của các hộ dân về việc họ không lấn vỉa hè, lòng đường và UBND xã đang thực hiện nhiều nội dung “nằm ngoài” Kế hoạch 02/KH- BCĐ của Ban Chỉ đạo 127 huyện Gia Lâm, ông Sơn cho hay, “chúng tôi kết hợp xử lý cả vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lẫn đất công và vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Ở đây, các hộ dân đều có công trình vi phạm hành lang lưới điện trung thế, hạ thế. Có hộ còn làm công trình bao quanh cả cột điện”. 

 Trước vụ việc trên, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Cty Luật INCIP) cho rằng, cắt điện sinh hoạt là chế tài gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân, chỉ được áp dụng khi pháp luật cho phép và cũng phải tuân theo các thủ tục nhất định. Đối chiếu với quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 46/2016/NĐ-CP) thì không hề có điều, khoản nào cho phép áp dụng biện pháp cắt điện đối với người vi phạm. Còn trong lĩnh vực xây dựng thì tại Luật Xây dựng 2014 cũng đã không còn quy định về biện pháp “ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng” như trước đây (Bộ Xây dựng đã có văn bản khuyến cáo các địa phương không áp được áp dụng chế tài này). Như vậy, có thể thấy rằng việc UBND xã Ninh Hiệp “yêu cầu ngừng cung cấp điện” đối với các hộ chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, đất công (như theo Thông báo 1679) là thiếu căn cứ.

Ngoài ra, theo Luật sư Thiệu, nếu UBND xã Ninh Hiệp cho rằng việc cắt điện trên là do các hộ dân có vi phạm hành lang an toàn lưới điện thì cũng cần có văn bản “giấy trắng, mực đen” rõ ràng chứ không thể “lập lờ” với kế hoạch xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Hơn nữa, việc kết luận các hộ dân có vi phạm hành lang an toàn lưới điện phải căn cứ vào biên bản VPHC theo đúng quy định tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả) chứ không thể nhận định chung chung. 

Trường hợp cho rằng mình bị cắt điện sai quy định, các hộ dân có thể đề nghị xử lý đơn vị bán lẻ điện về hành vi “ngừng cung cấp điện không đúng trình tự” hoặc cũng có thể khởi kiện ra Tòa để yêu cầu được bồi thường thiệt hại.

Đọc thêm