Thái Nguyên: Vì sao khiếu nại của người dân không được trả lời?

(PLO) - Sau khi Báo PLVN phản ánh nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Việt Anh (trú tổ 12A, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) về việc ông là chủ sở hữu thửa đất số 1191, tờ bản đồ số 7, diện tích 3.425m2 do mua bán hợp pháp và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông (Nguyễn Việt Anh) do UBND TP Thái Nguyên cấp ngày 21/01/2010. 
Văn bản của HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị TAND TP Thái Nguyên sớm xem xét, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền
Văn bản của HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị TAND TP Thái Nguyên sớm xem xét, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền

Tuy nhiên, bất ngờ ngày 31/10/2016, ông Việt Anh nhận được Quyết định số 15/QĐ-BPKCTT của TAND TP Thái Nguyên về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp đối với thửa đất trên.

Ông Việt Anh ngay lập tức có đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định này vì cho rằng: Diện tích đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng phù hợp với quy định pháp luật đất đai. Diện tích đất nhận chuyển nhượng đã được sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ năm 2010 đến nay vẫn sử dụng ổn định, không có ý định bán, cho tặng ai... Đất cũng không phải chịu trách nhiệm thi hành cho bất cứ nghĩa vụ nào. Công trình trên đất được xây hợp pháp, có giấy phép xây dựng.

Việc bà Phạm Thị Nghè khởi kiện là vô cớ, không có căn cứ, do đó việc TAND TP Thái Nguyên ban hành Quyết định số 15/QĐ-BPKCTT về việc ADBPKCTT cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp đối với thửa đất của ông là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại về kinh tế đối với gia đình ông…

Theo ông Việt Anh, hiện nay diện tích nhà đất này đang được ông cho Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Cảnh Bình thuê làm kho chứa hàng; hàng rào bảo vệ đang được xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng thì bị tạm dừng, vật liệu, hàng hóa còn để ngổn ngang không có biện pháp bảo vệ sẽ làm ảnh hưởng tới kinh doanh của Công ty Cảnh Bình và hàng rào chưa xây xong sẽ không đảm bảo an toàn về hàng hóa để tại kho bãi, trộm cắp gây mất an ninh trật tự. Nếu có việc trộm cắp xảy ra hoặc thiệt hại trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp do bị ADBPKCTT thì Tòa án hoặc người yêu cầu ADBPKCTT có chịu trách nhiệm được không?...

Việc TAND TP Thái Nguyên ban hành Quyết định số 15/QĐ-BPKCTT về việc ADBPKCTT là trái quy định của BLTTDS 2015. “Mặc dù ngay lập tức tôi có đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định của TAND TP Thái Nguyên nhưng đến nay cơ quan này chưa trả lời đơn của tôi. Ngày 25/11/2016, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có Văn bản số 414/HĐND-VP gửi Chánh án TAND TP Thái Nguyên đề nghị sớm xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đúng quy định của pháp luật để trả lời công dân; đồng thời báo cáo kết quả giải quyết với Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, nhưng đến nay TAND TP Thái Nguyên vẫn không trả lời”, ông Việt Anh cho biết.

Về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Trung Thành – Công ty Luật TNHH Hòa Lợi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Theo quy định Điều 121 BLTTDS 2015 cấm dịch chuyển tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển  dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. 

Người yêu cầu không có chứng cứ thể hiện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có ý định hoặc đang chuyển dịch quyền về tài sản đối với diện tích đất tranh chấp thì tòa án không thể chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu mà ban hành quyết định ADBPKCTT. Theo quy định Điều 133 BLTTDS 2015, người yêu cầu ADBPKCTT ADBPKCTT phải cung cấp cho tòa án các chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết phải ADBPKCTT đó.

Điều 136 BLTTDS quy định, người yêu cầu ADBPKCTT phải nộp cho tòa án chứng từ bảo lãnh… hoặc gửi một khoản tiền do tòa ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng. Khoản tiền phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng.

Việc  xác định khoản tiền do tòa ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh chưa có văn bản hướng dẫn, TAND TP Thái Nguyên căn cứ vào đâu  xác định thiệt hại, tổn thất phát sinh là bao nhiêu để ấn định cho người yêu cầu nộp tiền đảm bảo quyền lợi người bị ADBPKCTT.

Nếu nguyên đơn chưa cung cấp chứng cứ chứng minh có hành vi hoặc ý định chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, chưa hỏi ý kiến của người bị ADBPKCTT và hiện nay chưa có hướng dẫn về việc xác định khoản tiền tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh mà TAND TP Thái Nguyên ban hành quyết định ADBPKCTT là quá vội vàng, lạm dụng quyền yêu cầu ADBPKCTT và có việc vi phạm tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị ADBPKCTT. 

Việc người bị ADBPKCTT có đơn khiếu nại yêu cầu hủy quyết định ADBPKCTT nhưng Chánh án TAND TP Thái Nguyên không ban hành quyết định giải quyết khiếu naị đúng thời hạn là vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến lợi ích của người bị ADBPKCTT.

Khoản 1 Điều 141 BLTTDS 2015 quy định: “Chánh án tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại”. 

Đọc thêm