Tứ Kỳ, Hải Dương: Chính quyền “ngó lơ” bãi vật liệu hoạt động trái phép

(PLO) - Ngang nhiên tập kết vật liệu, sản xuất gạch không nung khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, tự ý san lấp mặt bằng, đổ bê tông xây dựng mố cẩu lấn chiếm ra lòng sông, gây ô nhiễm môi trường… là thực trạng diễn ra tại khu bãi vật liệu xây dựng tại thôn An Giang (xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) gần 20 năm nay. Thế nhưng, chính quyền nơi đây lại không hề có biện pháp xử phạt nào để ngăn chặn, xử lý triệt để.
Một số hoạt động tại khu bến bãi của gia đình ông Nguyễn Công Dương
Một số hoạt động tại khu bến bãi của gia đình ông Nguyễn Công Dương

Bãi vật liệu lấn chiếm sông, gây ô nhiễm

Người dân địa phương cho biết, khu bãi vật liệu trên do gia đình ông Nguyễn Công Dương (xã Quang Phục) làm chủ, ngoài việc tập kết vật liệu xây dựng như cát, đá, gia đình ông Dương còn thành lập Công ty TNHH Đức Mạnh Phát và lắp đặt máy móc, trạm nghiền để sản xuất gạch không nung.

Hàng ngày, việc hoạt động sản xuất diễn ra rất nhộn nhịp. Các phương tiện chuyên chở vật liệu ra vào bãi rất nhiều. Cát, đá được tập kết chất cao thành từng đống và phế phụ phẩm vật liệu xả thải, xâm lấn trực tiếp xuống lòng sông Đình Đào thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, có nhiệm vụ phục vụ việc tưới tiêu cho các hoạt động nông nghiệp của nhân dân.

Theo quan sát của PV, ngoài việc làm cho lòng sông Đình Đào có nguy cơ bị thu hẹp dần, việc để gạch không nung tràn lan ra hai bên lề đường từ xã Quang Phục đi về xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) cũng khiến cho việc đi lại của người dân và các phương tiện giao thông bị ảnh hưởng, nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Chưa dừng lại, máy móc, trạm nghiền hoạt động ồn ào, xe chở vật liệu ra vào làm cho bụi bặm phát tán ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Cty Bắc Hưng Hải), đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã nhiều lần lập biên bản và gửi công văn yêu cầu UBND xã Quang Phục, UBND huyện Tứ Kỳ phối hợp giải quyết, xử lý vi phạm đối với gia đình ông Nguyễn Công Dương. Nhưng đến nay, tình trạng vi phạm trên vẫn diễn ra công khai, chưa hề bị xử lý?

Lập biên bản rồi để đó!

Từ tháng 10/2001, Trạm quản lý Cầu Xe - An Thổ (thuộc Cty Bắc Hưng Hải) đã gửi văn bản tới UBND huyện Tứ Kỳ cùng các phòng ban chuyên trách để thông báo về tình trạng người dân tại xã Quang Phục tiến hành đắp bờ ao, phun cát ở khu vực lưu không bảo vệ công trình, sát mép kênh Đình Đào và hai kênh phụ do huyện quản lý với mục đích tôn cát lập bãi vật liệu đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy của tuyến kênh khi mùa mưa lũ xảy ra. Ngay khi phát hiện vi phạm, cán bộ của Trạm đã đến làm việc với UBND xã Quang Phục nhưng không được hợp tác và Trạm đã phải đề nghị huyện Tứ Kỳ vào cuộc.

Năm 2004, Trạm quản lý Cầu Xe – An Thổ tiếp tục gửi công văn và nêu rõ: Đoạn hạ lưu cống Đồng Tràng phía ngoài kênh Đình Đào, khu vực ao ông Nguyễn Công Dương được xã cho đấu thầu, hiện gia đình đã san lấp ao thành mặt bằng để làm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng với tường bao dài 60m, rộng 50m.

Đối chiếu với Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, gia đình ông Dương đã vi phạm vào hành lang đê. Theo đó, Trạm đã yêu cầu ông Dương dừng ngay việc vi phạm trên, phải phá dỡ tường bao đã xây dựng và không được lập bến bãi kinh doanh vật liệu trong phạm vi lưu không bờ kênh. Đồng thời, đề nghị UBND xã Quang Phục đôn đốc hộ vi phạm thực hiện các nội dung trên. 

Nhưng trải qua hơn một thập kỷ, việc vi phạm của gia đình ông Dương dường như đã bị chính quyền địa phương “lãng quên”. Ông Dương đã không những không bị xử lý mà còn lập được một khu bến bãi khá rộng lớn, thành lập Công ty TNHH Đức Mạnh Phát cùng nhiều loại hình sản xuất kinh doanh và hoạt động ổn định đến tận ngày nay mà không hề bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, “sờ gáy”. Lòng sông Đình Đào vì thế cũng bị thu hẹp đáng kể.

Trước thực trạng trên, tháng 11/2017, Cty Bắc Hưng Hải và Cty Cổ phần Quản lý đường thủy Hải Dương đã lập biên bản về việc vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với hộ ông Nguyễn Công Dương gồm nội dung: Tự ý san lấp, đóng cọc gỗ, đổ bê tông xây dựng mố cẩu, lấn ra lòng sông Đình Đào trong khu bãi chứa vật liệu xây dựng đã có.

Việc làm trên vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10; Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về bảo vệ công trình thủy lợi. Cty Bắc Hưng Hải đã đề nghị xã Quang Phục phải đình chỉ, xử lý và giải tỏa kịp thời vi phạm trên. Đối với huyện Tứ Kỳ cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp kiểm tra việc xử lý vi phạm. 

Ngày 4/12/2017, UBND xã Quang Phục đã có biên bản làm việc với đại diện Công ty TNHH Đức Mạnh Phát và thống nhất các nội dung như: Lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý theo thẩm quyền; Yêu cầu chủ hộ dừng vi phạm và tháo dỡ hoàn trả lại mặt bằng ban đầu. Tuy nhiên, biên bản chỉ ghi chung chung và không nêu ra mức xử phạt là bao nhiêu… và đã một năm trôi qua nhưng sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại mà chưa được giải quyết triệt để.

Căn cứ vào biên bản vi phạm của Trạm quản lý Cầu Xe – An Thổ lập ngày 14/6/2004 cho thấy, khu ao phía tả sông Đình Đào thuộc địa phận xã Quang Phục, giáp cống Đồng Tràng (phía ngoài sông), UBND xã Quang Phục đã cho hộ ông Nguyễn Công Dương đấu thầu 27 năm (từ năm 2001 đến năm 2028). Nhưng khi hỏi về việc đấu thầu trên, xã Quang Phục lại bảo rằng không nắm bắt rõ, thậm chí, nhiều năm qua họ cũng không hề có cuộc kiểm tra nào về tình hình thuê, sử đụng đất tại khu vực này của gia đình ông Dương. 

Qua trao đổi, một vị Phó phòng TN&MT huyện Tứ Kỳ cho biết, khu bến bãi của ông Dương chưa được cấp phép hoạt động và gia đình cũng chưa có hồ sơ thủ tục xin cấp phép nào gửi về huyện. Nhưng cũng giống như xã, huyện chưa có cuộc kiểm tra, lập biên bản xử lý nào. “Về việc này, chúng tôi sẽ báo cáo với huyện để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp”, vị Phó phòng này nói. Trước thực trạng trên, nhiều người dân đặt câu hỏi vì sao khu bến bãi lại có thể vô tư hoạt động, bất chấp pháp luật mà không bị xử lý? Liệu có sự “chống lưng” nào ở đây? 

Báo PLVN tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm