Vạch mặt cảnh sát rởm giả danh “cháu Phó Thủ tướng”

(PLO) - Trong đơn tố giác tội phạm gửi đến Công an TP.HCM, bà Trương Thị Ngọc (SN 1959, ngụ phường 15, quận 10) tố Nguyễn Xuân Luân (SN 1972, ngụ phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã mạo danh công an, “cháu của Phó Thủ tướng” để lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỉ.
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)

Tự xưng “cán bộ Cục tình báo chuyên chạy án”

Tháng 10/2012, bà Ngọc gặp rắc rối trong kiện tụng đất đai, thường đem chuyện than thở với bạn bè. Trong một lần đi lễ chùa, bạn bà Ngọc cho biết có quen biết cán bộ Bộ Công an tên Luân, cháu của lãnh đạo cao cấp, có thể giúp đỡ.
Bà Ngọc mừng quýnh, vội nhờ liên hệ. Vài ngày sau, Luân hẹn gặp tại quán cà phê gần sân bay, tự giới thiệu “công tác tại Cục tình báo Bộ Công an, thường xuyên vào cơ quan phía Nam làm việc”. Nghe bà Ngọc trình bày oan ức, Luân “nổ” “có thể “lật kèo” dễ như trở bàn tay”: “Chị cứ yên tâm, em làm ngoài Bộ, quen biết với các sếp nên chuyện gì cũng giải quyết được. Mấy chuyện này em làm quen rồi”.
Buổi gặp đầu tiên kéo dài chừng 60 phút, Luân hứa giúp bà Ngọc “lấy lại công bằng”. Trong lúc nói chuyện, Luân không ngừng “nổ” mình quen biết với các cán bộ cấp cao, nêu tiểu sử từng vị vanh vách.
Khoảng 1 tuần sau, Luân chủ động hẹn bà Ngọc tại nhà khách Bộ Công an trên đường Nguyễn Trãi (Quận 1) bàn công chuyện. Để tạo lòng tin, có lẽ trước đó Luân đã đọc báo nên giới thiệu “chú tôi vừa đi công tác nước ngoài”.
Khi nhận lời giúp đỡ, Luân không “ra giá” mà chỉ ậm ờ “chị cho bao nhiêu thì cho”. Cùng tối hôm đó, bà về nhà xem vô tuyến, thấy đưa tin một số lãnh đạo Nhà nước đi công tác nước ngoài, bà Ngọc nhớ lại lời Luân “nổ” lúc chiều, tự nghĩ: “Chắc anh này quen mấy ông lớn thật, quen thân mới biết mấy ông đi nước này nước nọ”.
Vài ngày sau, lấy lí do bàn chuyện tại nhà khách công an bất tiện, Luân chuyển sang ở khách sạn trên đường Cộng Hoà, quận Tân Bình.
Sang tháng 11, Luân thông báo cấp trên đã nhận lời giúp đỡ và yêu cầu người này mua 2 chai rượu ngoại, cây thuốc lá ra Hà Nội “biếu sếp”. Bà Ngọc vội làm theo, mua quà hơn 10 triệu, lại tất tả mua vé máy bay Sài Gòn - Hà Tĩnh theo nguyện vọng “ghé quê thăm vợ con” của Luân. Bốn ngày sau, Luân vào lại TP.HCM. Cùng thời gian này, bà Ngọc đứng ra giới thiệu một người bạn làm giám đốc công ty tư nhân nhờ Luân can thiệp đòi lại đất quy hoạch nhưng không xây dựng.
Lần này Luân ra giá ăn chia 50/50 (miếng đất trị giá khoảng 20 tỉ đồng). Vị “cán bộ công an” yêu cầu bà Ngọc ứng tiền lo chi phí quà cáp ban đầu, sau khi nhận tiền sẽ trừ lại: “Tổng cộng tôi trực tiếp nhờ Luân 2 việc. Mua rượu, thuốc và vé máy bay hết 90 triệu đồng. Ngoài ra đưa tiền mặt cho Luân mỗi lần 20, 30, 50 triệu đồng; lần nhiều nhất đưa 280 triệu đồng”, bà Ngọc trình bày.
Tổng cộng bà Ngọc đã giao cho Luân hơn 400 triệu đồng nhờ “chạy án”, đòi đất. Riêng người bạn bà Ngọc còn đưa Luân về nhà cho ở tạm, nuôi cơm và “lót tay” 2,8 tỷ đồng tiền mặt nhờ giúp đỡ.
Lên mạng tìm thông tin vạch mặt công an rởm
Theo lời hứa hẹn lúc đầu, Luân cam kết chỉ 1 tháng sẽ giải quyết xong mọi việc được nhờ vả. Nhưng hết tháng 1 rồi tháng 2, tháng 3 năm 2013, bà Ngọc vẫn chưa thấy viên “công an ngoài bộ” thông báo kết quả. Bà hết gọi điện, hẹn gặp uống cà phê hối thúc thì Luân cười khẩy “chị cứ yên tâm, em đã ra tay là xong hết”.
Đơn thư tố cáo đối tượng Luân
 Đơn thư tố cáo đối tượng Luân
Luân viện lý do: “Chị không xem vô tuyến à, mấy hôm nay lãnh đạo bận họp, đi công tác chưa xem hồ sơ, sếp về em báo cáo ngay”. Bị khất hẹn gần cả năm, bà Ngọc sinh nghi. Bà nhờ con lên mạng tìm thông tin mới ngộ ra: “Anh ta nhận là cháu Phó Thủ tướng, nhưng lạ rằng mỗi người một quê. Nghe thế tôi đã thót tim, biết gặp kẻ lừa đảo rồi”, nạn nhân thuật lại.
Để rõ trắng đen, bà Ngọc tự theo dõi xem Luân phải công an hay không. Hằng ngày, bà đến trước trụ sở Bộ Công an tại phía Nam (trên đường Nguyễn Trãi, quận 1) ngồi quan sát xem Luân có ra vào đây làm việc không. Rình đỏ mắt vẫn chẳng thấy mặt mũi “anh công an ngoài bộ” đâu. Thời gian này, mỗi lần gặp mặt, Luân vẫn thong thả trấn an “chị đợi đầu tuần sếp đi họp về sẽ quyết luôn”. Mấy lần sau đó, bà Ngọc lén theo dõi thấy Luân có đi vào trụ sở Bộ Công an phía Nam nhưng mặc thường phục, vào chừng 20 phút rồi quay ra. Còn toà án quận 10, nơi bà Ngọc nhờ can thiệp, cũng thấy Luân vào trong lâu hơn: “Có lẽ nó biết tôi đi theo nên nghi binh”, bà nghi vấn.
Tiếp tục đợi cả tuần liền không thấy anh “công an” đả động đến tiến độ công việc hay trả lại tiền nhờ vả, bà Ngọc cùng hai người bạn ngồi xâu chuỗi các sự kiện, nghi vấn Luân mạo danh lừa đảo. Ngày 22/7/2013 các nạn nhân gửi đơn tố giác hành vi của Luân đến cơ quan điều tra, sáng hôm sau đối tượng bị triệu tập làm việc.
Bà Ngọc cho biết, Luân có tài ăn nói như “rót mật vào tai”, luôn ăn mặc chỉnh tề. Để “con mồi” đưa tiền, Luân dụ dỗ dần dần theo từng giai đoạn: Ban đầu nhận giúp đỡ không công, sau đó ra giá. Bà Ngọc thừa nhận, lúc đầu chỉ nghĩ mất vài triệu đồng tiền quà cáp, không ngờ sau khi cộng lại mới thấy nhiều như vậy. Tổng cộng bà Ngọc và anh họ, 2 người bạn đã đưa cho Luân hơn 4 tỉ.
Đem tiền lừa đảo về quê xây nhà bề thế
Theo thông tin cán bộ điều tra cung cấp với các nạn nhân, Luân khai làm nghề buôn gỗ, không hề quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao như đã “nổ”. Toàn bộ số tiền do lừa đảo mà có, Luân đem về xây nhà tại TP. Hã Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh).
Tháng 10/2013, bà Ngọc tìm về tận nhà Luân ở TP. Hà Tĩnh đòi tiền. Mất nửa ngày tìm kiếm, bà lần ra nhà Luân ở trong hẻm sâu. Trong khi trên các giấy tờ, Luân khai địa chỉ nhà mặt tiền đường Đông Lộ (phường Thạch Linh).
Tại địa phương, bà Ngọc trình báo với chính quyền sở tại theo đúng trình tự pháp luật. Quả đúng Luân lấy tiền lừa đảo được về quê xây dựng căn nhà bề thế, ốp gỗ từ chân tường lên tới trần. Qua điện thoại, Luân bảo đang ở xa, đã nộp tiền khắc phục vào công an TP.HCM rồi. Còn vợ Luân cho biết không liên quan đến việc làm của chồng.
CQĐT thông báo không khởi tố vụ án
 CQĐT thông báo không khởi tố vụ án
Sự trùng hợp có phần “bất thường” như lời bà Ngọc trình bày, cùng lúc đó cán bộ thụ lý vụ việc gọi điện thông báo cho bà sáng hôm sau đến giải quyết. Bà Ngọc hớt hải quay ngược ra Hà Nội, mua vé bay bay gấp vào TP.HCM.
Hy vọng đòi lại khoản tiền bị lừa của bà Ngọc sụp đổ khi đến buổi làm việc, cán bộ điều tra đưa cho tờ thông báo số 1674 nêu rõ: Cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 387-01A đối với đơn tố cáo của bà Ngọc đối với Luân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện kiểm sát TP cũng đã có kết luận kiểm tra, cho thấy CQĐT không khởi tố vụ án theo khoản 1, Điều 107 BLHS.
“Luân đã thừa nhận lừa đảo chiếm đoạt tiền của tôi. Ngày 10/6/2014, Luân cam kết khắc phục cho tôi số tiền 400 triệu. Chứng cứ phạm tội rành rành, vậy tại sao công an không khởi tố vụ án”, bà Ngọc đặt câu hỏi?
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)

Đọc thêm