Xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội): Người dân yêu cầu làm rõ nguồn gốc đất khi thu hồi

(PLO) - Mấy chục hộ dân thôn Dụ Tiền, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai đã phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam việc một diện tích lớn đất nông nghiệp họ được giao sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1992 đến nay bỗng dưng bị thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng đường trục phía Nam nhưng không được bồi thường về đất mà chỉ có một khoản hỗ trợ  nhỏ…
Xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội): Người dân yêu cầu làm rõ nguồn gốc đất khi thu hồi

Người dân cho biết, ngày 22/1/2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất – UBND huyện Thanh Oai tiến hành niêm yết công khai Dự thảo Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất thuộc phạm vi thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây đoạn qua thôn Dụ Tiền, xã Thanh Thùy. Theo đó, hầu hết diện tích đất của các hộ dân thôn Dụ Tiền là đất nông nghiệp do UBND xã quản lí giao cho các hộ canh tác bị thu hồi nên không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ 1,0 lần giá đất nông nghiệp. Điều này khiến các hộ dân rất bức xúc, bởi họ cho rằng việc Trung tâm Phát triển quỹ đất – UBND huyện Thanh Oai chỉ thực hiện việc hỗ trợ mà không bồi thường về đất nông nghiệp cho các hộ dân thôn Dụ Tiền là không đúng nguồn gốc và quy định pháp luật đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của họ.

Ông Vũ Bá Cẩm, một người dân có đất nằm trong phạm vi thực hiện Dự án cho biết: “Diện tích 1,38ha đất nông nghiệp để thực hiện Dự án đường trục phát triển phía Nam tại thôn Dụ Tiền đã được hơn 50 hộ dân sử dụng ổn định từ năm 1992. Khi đó, các hộ được Ban chỉ huy thôn Dụ Tiền cho gắp phiếu ruộng, có sơ đồ phân lô thửa ruộng chứ không hề đấu thầu hay thuê đất.Từ đó đến nay các hộ vẫn canh tác và đóng thuế đầy đủ. Tại sơ đồ giải thửa thể hiện rõ ranh giới, diện tích các thửa đất mà các hộ đang sử dụng. Trong suốt quá trình giao đất cho chúng tôi sử dụng thì thôn, xã không bao giờ nói đây là đất công ích, chỉ tới khi có Dự án đường trục phát triển phía Nam thì mới nói đây là đất công ích”.

“Đất các hộ dân canh tác lâu nay là đất được hợp tác xã giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp từ năm 1992 mà giờ lại bảo là đất công ích và không bồi thường cho chúng tôi theo giá đất nông nghiệp, như vậy là không thỏa đáng”, bà Tào Thị Trung bức xúc nói.“Tôi xin khẳng định, đất các hộ dân thôn Dụ Tiền sử dụng không có hợp đồng thuê, không có thời hạn sử dụng, nên đây không thể là đất công ích do xã quản lí. Do vậy, các hộ dân phải được bồi thường về đất khi bị thu hồi”.

Còn ông Vũ Bá Hảo thì cho rằng: “Chúng tôi không phản đối việc lấy đất làm Dự án nhưng chỉ yêu cầu đền bù cho chúng tôi thỏa đáng. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật thì mới tránh được việc người dân bức xúc”.

Đặc biệt, những người dân thôn Dụ Tiền cũng phản ánh, từ khi bản Dự thảo Phương án bồi thường hỗ trợ được ban ra, hàng ngày luôn có những nhóm người lạ mặt tới “ép” các gia đình phải nhận tiền hỗ trợ, thậm chí đe dọa sẽ cưỡng chế đất khiến đời sống của người dân nơi đây bị đảo lộn và vô cùng hoang mang. 

Qua tìm hiểu và căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, trình bày của các hộ dân về nguồn gốc đất nêu trên là có căn cứ. Tại Thông báo số 179/TB-UBND ngày 5/10/2016 của UBND huyện Thanh Oai, trả lời đơn kiến nghị của một số hộ dân thôn Dụ Tiền và Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 5/2/2018, trả lời đơn khiếu nại của ông Tào Văn Huê, cũng có các nội dung: Tháng 10/1992, Đại hội đại biểu xã viên HTX nông nghiệp Thanh Thùy thống nhất biểu quyết phương án giao đất canh tác ổn định lâu dài và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các hộ nông dân (giao ruộng theo khẩu)… mỗi khẩu được giao 1,55 sào… và 0,1 sào đất 5% làm kinh tế phụ…”. “Đối với thôn Dụ Tiền: thực hiện giao ruộng khẩu sử dụng ổn định lâu dài…”.

Khoản 3, Điều 7 Luật Đất đai năm 1998, sửa đổi bổ sung Điều 22b Luật Đất đai năm 1993, có nêu: “Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất thuộc quỹ đất công ích 5% ở xã, phường, thị trấn; thời hạn thuê đất đối với các trường hợp cho thuê trước ngày Luật này có hiệu lực được thực hiện theo hợp đồng cho thuê đất; sau ngày Luật này có hiệu lực thì thời hạn thuê đất không quá 5 năm”. Khoản 2, Điều 72 Luật Đất đai năm 2003 nêu rõ: “Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn được sử dụng… cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp…”. Khoản 3, Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 cũng có quy định: “Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích… thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân thuê để sản xuất nông nghiệp… thời hạn sử dụng đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm”.

Theo các quy định nêu trên, nếu cho rằng 1,38ha đất của các hộ dân bị thu hồi là đất công ích thì bắt buộc phải có hợp đồng thuê đất giữa các hộ và UBND xã Thanh Thùy. Thế nhưng, thực tế không có bất cứ hợp đồng thuê đất nào mà các hộ được gắp ruộng, giao đất sử dụng liên tục, ổn định vào mục đích nông nghiệp từ năm 1992 đến nay. Theo quy định của pháp luật về đất đai, diện tích 1,38ha đất nông nghiệp của các hộ dân thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất và được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi.

Qua đây, đề nghị UBND TP  Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo thanh, kiểm tra lại việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân thôn Dụ Tiền bị thu hồi thực hiện Dự án đường trục phát triển phía Nam, giải quyết quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật. 

Đọc thêm