Đình thờ người đi mở cõi đất phương Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đình thần Châu Phú được biết đến là một trong những ngôi đình lớn và có kiến trúc đẹp nhất đồng bằng Nam Bộ. Đây là nơi người dân thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn với các quan tướng có công khai mở đất phương Nam như tướng Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu…
Đình thần Châu Phú là nơi thờ tự nhiều vị danh tướng có công khai mở đất phương Nam.
Đình thần Châu Phú là nơi thờ tự nhiều vị danh tướng có công khai mở đất phương Nam.

“Đấng quân thần mở mang bờ cõi, công ở biên thùy, danh ở sử /Người chính khí trung thành, sống làm tướng, thác làm thần” – liễn đối ca ngợi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh treo ở đình.  

Lịch sử đình thần Châu Phú 

Đình thần Châu Phú nay thuộc phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang). Theo ông Lê Công, Trưởng ban Quản trị đình, người xây dựng đình chính là Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) xây đình để thờ công thần Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700). Các nhà nghiên cứu nhận định, ngôi đình được xây dựng vào khoảng sau năm 1817 - năm ông Nguyễn Văn Thoại nhậm chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh cho đến năm 1829. 

Ban đầu, đình thần Châu Phú được dựng đơn sơ với mái lá, vách ván, nền đất, tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nhiều bóng cây cổ thụ, mặt chính nhìn ra dòng sông Hậu và có tên là đền Lễ Công (dân chúng quen gọi là đền Ông). 

Sau khi xây dựng xong, Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại cử người ra triều đình Huế xin sắc phong. Ý nguyện này được vua Gia Long chuẩn y và sắc phong Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thượng Đẳng Thần. 

Từ đó đến nay dầu đã trải qua hơn 200 năm nhưng các nghi thức tế lễ trong dịp lễ kỳ yên tại đình Châu Phú như lễ Thỉnh sắc, lễ Túc yết, lễ Xây Chầu, lễ Chánh Tế, lễ Hồi sắc... vẫn giữ nguyên bản sắc ban đầu mà không bị lai tạp như một số nơi khác. 

Tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nơi bệ thờ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban còn phía trên dưới linh vị là bộ lư đồng từ thời Gia Long.
Tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nơi bệ thờ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban còn phía trên dưới linh vị là bộ lư đồng từ thời Gia Long.  

Ngoài bản sắc phong được chứa trong một ống tre sơn màu đỏ, còn có bộ lư hương bằng đồng kiểu mắt tre do triều đình ban tặng đề Gia Long nguyên niên (năm 1802). Tiếc rằng sắc phong từ đời Gia Long bị thất lạc chỉ còn giữ lại hai bản sắc phong Minh Mạng năm thứ 3 (1822) và Tự Đức năm thứ 5 (1852). Hai sắc phong này hiện còn lưu giữ tại Lê Công Phủ Từ. Hàng năm chỉ vào dịp lễ kỳ yên mới làm lễ thỉnh sắc từ Lê Công Phủ Từ đến đình Châu Phú.

Đặc biệt, quá trình xây dựng và tu bổ của đình thần Châu Phú còn gắn liền với gia tộc Lê Công. Ở vùng Châu Đốc, dòng họ này được biết đến là những người đến định cư sớm nhất và có uy tín lớn đối với người dân địa phương.

Cùng với Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, gia tộc Lê Công đã hiến đất, góp tiền bạc, công sức và đứng ra vận động người dân cùng đóng góp để xây dựng nên ngôi đình. Vị trí ban đầu của đình là tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Châu Đốc cũ. Sau đó, đình được bà Huỳnh Thị Phú (vợ ông Lê Công Thoàn) quan tâm coi sóc. Trong những năm 1838–1858 bà đã đứng ra tu sửa lại ngôi đền và xây nền gạch để tỏ lòng biết ơn danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh. 

Vào năm 1922, dưới thời kỳ Pháp thuộc, khi xây dựng bệnh viện Châu Đốc, chính quyền muốn có được vị trí của đình thần Châu Phú nên đã thương lượng với họ tộc Lê Công và người dân trong làng Châu Phú để dời ngôi đình đi nơi khác. Khi đó, chính quyền Pháp lựa chọn vị trí là khu vực phía sau Bồ đề Đạo Tràng của đình ngày nay nhưng không được người dân đồng ý. Các hương chức và chính quyền sở tại sau một thời gian dài đã đồng ý nhường nhà việc (nơi người dân sinh hoạt cộng đồng) của làng Châu Phú cho việc xây đình. 

Việc xây dựng ngôi đình mới này đến năm 1926 mới hoàn thành. Do kinh phí xây dựng quá lớn tại thời điểm đó nên chính quyền Pháp đã đưa ra phương án tổ chức hội chợ và xổ số Tombola để gây quỹ xây cất đình. Việc làm này được sự đồng thuận của người dân địa phương nên việc xây cất đình diễn ra thuận lợi. Đây cũng là thời kỳ mà đình Lễ Công được đổi tên gọi thành đình thần Châu Phú. 

Kiến trúc độc đáo

Theo ông Lê Công, vào thời điểm Pháp xây dựng lại ngôi đình, gỗ quí làm cột được nhập về từ Campuchia còn những gạch ngói âm dương và tượng long lân trên nóc đình được mua từ Bình Dương, Đồng Nai. Người dân còn lập hẳn một lò gốm chuyên sản xuất ngói cung cấp cho công trình xây dựng đình. Đặc biệt giấy phép xây dựng đình được nhà vua cấp cho người dân làng Châu Phú. 

Đình được xây cất đồ sộ với chiều ngang 16 mét, dài 48 mét, kiểu chữ “Tam”. Nóc có lầu; mái tam cấp, lợp ngói âm dương màu đỏ, trên nóc chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe, như: Bát tiên, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, chim, công, phụng, sư tử… 

Nền nhà lát gạch bông, tường gạch xây dựng bằng hồ vôi, cột gỗ. Nội thất đình có bốn hàng cột, mỗi hàng mười cây cột to bằng gỗ căm xe, gỗ cà chắt. Tất cả kèo, cột đều có hoành phi, liễn đối, có đến 29 hoành phi và 22 liễn đối chạm trổ khéo léo, tô son phết vàng rực rỡ. Đình có khá nhiều cửa sổ được tạo hình theo lối kiến trúc Pháp. 

Thỉnh sắc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ Lê Công Phủ Từ.
Thỉnh sắc Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ Lê Công Phủ Từ. 

Bên ngoài có tường rào bao bọc chắc chắn, trong sân có cổ thụ tỏa bóng mát. Ở hai góc sân có miếu Ngũ Hành và miếu Sơn Quân. Cổng tam quan lợp ngói đỏ, mái cong ba tầng trang trí hoa văn hình rồng. Bên trên có bức hoành phi đắp bằng chữ Hán “Trung Nghĩa Từ”. Hoành phi được đắp ở cả hai mặt của cổng. Các hàng cột ở cổng đều có đắp câu đối đỏ.

Tòa nhà chính được trang trí rất kiểu cách. Bên trên lối vào chính có bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Thượng Đẳng Thần Miếu”. Chánh điện gồm có 3 gian. Gian giữa là bệ thờ Nguyễn Hữu Cảnh - Thượng đẳng thần, Thoại Ngọc Hầu - Trung đẳng thần và thần Chánh phó Vệ Thuỷ. Hai bên là Tả Ban và Hữu Ban.

Trên án thờ, lư đỉnh chói lọi, hai bên là tàn lọng, bát bửu rực rỡ. Bệ thờ được đặt rất cao ở nơi trung tâm, trên đó có 3 bức tượng gỗ điêu khắc khéo léo, cao hơn 1ms, bên ngoài sơn nhũ vàng óng ánh. Giữa là tượng công thần Nguyễn Hữu Cảnh, hai bên là tượng quan văn võ đứng hầu.

Tại đình thần Châu Phú, cứ 3 năm vào các ngày 10, 11 và 12/5 âm lịch, Ban Quản trị Đình thần Châu Phú tổ chức Lễ hội kỳ yên và kỷ niệm ngày mất của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Nhờ những tinh hoa tiêu biểu của lối kiến trúc vừa mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn, vừa mang phong cách truyền thống của đình làng Nam Bộ. Ngày 16/11/1988. Bộ Văn hóa đã ra quyết định số 1288/VH-QĐ công nhận đình Châu Phú là một Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Nguyễn Hữu Cảnh còn có tên Nguyễn Hữu Kỉnh, sinh năm 1650 tại Huế, tiên tổ là Ức Trai Nguyễn Trãi. Ông là người có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, trị an ở vùng đồng bằng nên nơi đây có rất nhiều đền thờ ông. Đình Châu Phú là đền thờ chính.

Sau khi ông mất được nhiều sắc phong của triều đình Gia Long (năm 1810), Minh Mạng (năm 1833), Tự Đức (năm 1852) với các danh vị Đô Thống chế dinh thần cơ, Thượng đẳng thần, Khai quốc công thần, Lễ thành hầu…  

Đọc thêm