Dở khóc, dở cười 1001 chuyện vợ chồng “bóc mẽ” nhau trên mạng xã hội

(PLVN) - Khi mạng xã hội phát triển, họ coi đó như những trang nhật ký riêng, không gian của riêng mình để bày tỏ cảm xúc. Những cái like, comment lại càng kích thích họ chia sẻ mọi chuyện. Có không ít người chồng, người vợ đã vì phút “nông nổi” đã sẵn sàng lên facebook, zalo “vạch áo” những chuyện xấu của chồng/vợ hoặc gia đình bên chồng/vợ. Để câu “lai”, câu “tim”, có người còn “thêm mắm, thêm muối” cho câu chuyện thêm ly kỳ, gay cấn. Hậu quả, hạnh phúc gia đình bên bờ vực thẳm. Đó còn chưa kể, họ có thể bị pháp luật “sờ gáy”. 
“Bóc mẽ” nhau trên mạng càng làm cho gia đình dễ tan vỡ
“Bóc mẽ” nhau trên mạng càng làm cho gia đình dễ tan vỡ

Chuyện “bóc mẽ” nhau 

Chị Thanh Loan, 28 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) chưa hết run sợ khi nhớ lại chuyện dại dột của mình đối với chồng. Là một người nghiện “phây”, ngày nào chị cũng nghĩ “tút” để đăng. Thấy đăng mãi “tút” ăn gì, uống gì, bỉm sữa nhạt nhẽo, ít “lai”, ít “còm” (ít người thích và ít người bình luận), chị Loan liền đổi “kênh”. Chị bắt đầu đăng chuyện tâm sự về chồng mình hôm nay mặc gì, nói gì, nhậu ở đâu. Ngay lập tức, lượng “lai”, “còm” tăng gấp đôi.

Chưa thỏa, chị Loan “tăng tốc” đăng tút nói xấu chồng. Lúc đầu chỉ là việc lười làm việc nhà, sau đó chị đi vào chi tiết hơn “bóc mẽ” chồng lười tắm, ăn nói thô lỗ, không bao giờ mang tiền lương về  giúp vợ, lại còn có ý định “tòm tem” với cô hàng xóm… Lượng like, comment ngày càng nhiều khiến chị thích thú.

Cho đến một ngày, đang lướt “phây”, chồng chị đột ngột về nhà sớm hơn mọi lần. Anh hầm hầm bước vào nhà cướp lấy và ném điện thoại vỡ tung tóe dưới đất. Trước đó, đang làm việc, chồng chị điếng người nhận được điện thoại của mẹ: “Mày không biết dạy vợ, để vợ láo, bêu xấu chồng con lên cả facebook, cả thiên hạ đang chế nhạo kia kìa”.

Anh gằn mắt và mắng chị “vạch áo cho người xem lưng”, nói xấu chồng không ra gì để người thân bức xúc, bạn bè, đồng nghiệp xì xào, bàn tán, cười chê. Anh ra tối hậu thư, nếu còn “bóc mẽ” nhau trên mạng xã hội, anh sẽ ra tòa li hôn. 

Chuyện của chị Thu Hương, 30 tuổi (Quế Võ, Bắc Ninh) căng thẳng hơn chuyện của chị Loan. Làm dâu 3 năm, chị Hương thấy ngột ngạt, bức bí vì ở chung với mẹ chồng. Mẹ chồng chị hơn chị 50 tuổi, chênh nhau 2 thế hệ nên lối sống khó phù hợp. Đó là chưa kể, mẹ chồng chị vốn là người tiết kiệm, tính toán chi ly, mọi thứ chị mua đều bị bà chê đắt và mắng chị không tiếc lời vì tội… hoang phí.

Mẹ chồng chị là người thời trước, thường bắt con dâu 5 giờ dậy sớm làm việc nhà, trong khi chị nuôi con mọn 12 giờ mới được đi ngủ, con lại hay quấy khóc đêm. Tâm sự với chồng, chồng tảng lờ. Áp lực, bức xúc đè nén, chị đã lên “phây” kể tội mẹ chồng: “Có ai khổ như em không? Làm dâu trong một gia đình có bà mẹ chồng cổ hủ, bủn xỉn lại hay săm soi. Em làm dâu mà chẳng khác gì là con ở trong gia đình này. Ở đây, em ăn không ngon, ngủ không yên, bị mẹ chồng đày đọa. Nếu có kiếp sau nhất định em sẽ không làm dâu nhà này. Có mẹ chồng thì không có em. Có em thì không có mẹ chồng…”.

Để thêm phần hấp dẫn, Hương còn đăng ảnh mẹ chồng với vẻ mặt cạu cạu đang nhìn ra sân và ảnh vẽ phù thủy cưỡi chổi. Đăng “tút” chưa đầy một tiếng, em gái chồng ở đâu chạy xồng xộc về nhà, chạy thẳng ra sân tìm mẹ. Em gái chồng đọc “tút” và cho mẹ xem “ảnh minh họa”. Mặt bà mẹ chồng biến sắc, chân tay run rẩy, ra lệnh em gái triệu tập chồng Hương về gấp và mời thông gia tới họp gia đình.

Khi cả nhà đông đủ, em chồng chìa cho mọi người xem “tút” của Hương cũng như những bình luận của cộng đồng mạng: “Em bái bai bà mẹ chồng ý đi, ở đó làm gì cho khổ đời con gái.”, hay: “Có bà mẹ chồng thế thì ở vậy còn hơn”, “Khổ, chồng em là bù nhìn à mà không biết “dạy” mẹ chồng. Ai đời để mẹ chồng bắt nạn thế mà chịu sao?”…

Em chồng đọc đến đâu, chồng và gia đình chồng sốc và choáng váng tới đó, còn thông gia xấu hổ chỉ có muốn độn thổ. Hương sợ hãi, nép người bên cánh tủ. Không khí căng thẳng, bà mẹ chồng đã yêu cầu Hương ra khỏi nhà vì: “Có tôi, không có chị. Chị chả tuyên bố với cả xã hội còn gì”. Dù thông gia hết lời xin lỗi nhưng bà mẹ chồng vẫn cương quyết. Chồng Hương cũng vào phòng viết giấy li hôn…

Việc giữ gìn hạnh phúc gia đình có thể vụt qua tầm tay. Nghiêm trọng hơn còn bị pháp luật “sờ gáy”
Việc giữ gìn hạnh phúc gia đình có thể vụt qua tầm tay. Nghiêm trọng hơn còn bị pháp luật “sờ gáy”

Không chỉ có người vợ lên mạng xã hội nói xấu chồng, gia đình chồng mà có ông chồng lên “phây” “dằn mặt” vợ và gia đình vợ. Anh Nguyễn Hoàng, 35 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) luôn cay cú với bố mẹ vợ. Chuyện là, trước khi lấy vợ, bố mẹ vợ hứa sẽ cho hai vợ chồng ngôi nhà phố Hoàng Cầu (Hà Nội).

Lấy vợ hai năm, không thấy bố mẹ vợ “í ới” gì, anh Hoàng liền nhắc. Bố vợ thủng thẳng: “Chúng tôi hứa là sẽ cho, nhưng chưa phải bây giờ. Chúng tôi còn xem anh đối xử với con gái tôi thế nào. Nhỡ cho xong, anh ngoại tình hay đánh đập con gái tôi, con gái tôi trắng tay à?”. Nghe vậy, anh Hoàng nghĩ mình bị bố mẹ vợ lừa, tức tối quay ra nhiếc mắng vợ và chửi gia đình vợ là “lừa đảo”. Chửi vợ chưa đủ, anh Hoàng còn lên “phây” “bóc mẽ” vợ với những câu nói chướng tai.

Chưa hả, anh còn lên “phây” chửi xéo bố mẹ vợ vì tội… “lừa thằng rể”. Và đỉnh điểm, hòng kéo sự ủng hộ của bạn bè trên “phây”, zalo, anh còn bịa ra chuyện bố mẹ vợ vay mình 500 triệu đồng (không viết giấy tờ vay nợ) chây ì mãi không trả. Chuyện này nhanh chóng tới tai bố mẹ vợ.

Không chấp nhận người con rể ấy, bố mẹ vợ đã mời cơ quan chức năng vào làm việc để lấy lại sự thật, danh dự cho mình. Dĩ nhiên, việc bêu xấu, vu vạ bố mẹ vợ trên “phây”, zalo cho cả thiên hạ thấy, anh Hoàng khó có cơ hội nối lại tình cảm với vợ.

“Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại”

Theo nhà tâm lý Nguyễn Dung, khúc mắc giữa vợ chồng, giữa các thành viên trong gia đình, gia đình nào cũng có ít hay nhiều. Từ chuyện va chạm cuộc sống nhỏ nhặt trong gia đình mà đưa lên “phây” thì lại là chuyện lớn. Nhiều người coi facebook là không gian của riêng mình để bày tỏ cảm xúc, như “cứu cánh” giải tỏa những stress bực bội trong cuộc sống gia đình nhưng “phây” lại là con dao hai lưỡi gây hậu quả khôn lường cho tổ ấm.

Với tốc độ lan truyền thông tin nhanh như giật điện của mạng xã hội, từ chuyện trong nhà đã trở thành chuyện bàn tán xôn xao của cả cộng đồng. Thời đại 4.0, tại Việt Nam, hiện có 41 triệu người sử dụng internet, khoảng gần 30 triệu người tham gia mạng xã hội. Trung bình một ngày, một người tốn 2 tiếng cho mạng xã hội.

Một ngày 30 triệu thành viên mạng xã hội sẽ tạo ra bao nhiêu lời chỉ trích, đàm tếu? Sự bàn tán, cười nhạo, bình luận trái chiều trên “phây” càng làm cho câu chuyện phức tạp và “chính chủ” bị ức chế, tổn thương, xúc phạm nặng nề, Thậm chí mở đường cho những kẻ muốn phá hoại gia đình người khác nắm được những điểm mấu chốt.

“Bóc mẽ” nhau trên facebook - “tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại”- đó là điều vô cùng tối kỵ. Việc giữ gìn hạnh phúc gia đình có thể vụt qua tầm tay. Nghiêm trọng hơn còn bị pháp luật “sờ gáy”.  

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi nói xấu, vu vạ người khác trên mạng xã hội có thể xử lý vi phạm hành chính, chịu trách nhiệm dân sự, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người tham gia mạng xã hội cần phải hiểu rằng những bài viết xúc phạm người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP; phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm; nếu gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự ở các tội: làm nhục người khác với mức hình phạt: cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt tù đến 5 năm; tội vu khống với các mức hình phạt: cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm”.

Đọc thêm