Dở khóc dở cười vì khái niệm “thành viên gia đình“

(PLO) - Cùng là người trong nhà nhưng pháp luật hiện hành lại đang tồn tại hai khái niệm khiến cho người dân lắm phen dở khóc, dở cười.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tôi là thành viên, tôi có quyền…
Vào một ngày không hẹn trước, bỗng dưng chồng chị Nguyễn Thị Mai ở quận Gò Vấp, TP.HCM dẫn về một cậu con trai lớn hơn đứa đầu nhà chị 3 tuổi. Anh giải thích đấy là kết quả của mối tình thời sinh viên và mẹ đứa bé muốn nuôi con một mình nên bao nhiêu năm qua anh không liên lạc.
Cách đây không lâu, người mẹ đứa bé biết mình sắp qua đời vì bệnh ung thư nên liên lạc lại để gửi con cho bố nuôi. Chị Mai chết nửa cõi lòng khi trong nhà bỗng dưng “mọc” ra một thành viên phải san sẻ tình cảm. Nhưng vốn là người hiểu biết nên chị đổi buồn làm vui vì dù sao đây cũng là con của chồng mình.
Minh họa - nguồn Internet
Minh họa - nguồn Internet 
Tuy nhiên, người con riêng của chồng thì không nghĩ vậy. Sống trong gia đình, nhận được sự yêu thương của mẹ hai, sự tử tế của các em nhưng người con riêng của chồng lại không hề tôn trọng điều đó. Vì các con đều đã lớn, đi làm nên góp sức chia sẻ tiền ăn, tiền điện nước với bố mẹ, nhưng đã hai năm kể từ ngày chung sống, người con riêng chưa một lần đóng góp.
Cứ lần nào chị Mai bận chưa kịp ủi quần áo là anh ta lại lớn tiếng về việc bị hắt hủi. Bực bội trước hành vi của con, chồng chị Mai lên tiếng, nào ngờ được nghe một bài viện dẫn về quyền được hưởng của thành viên trong gia đình, vì anh con đang là một... luật sư tập sự
Ông bà Lê Văn Phức ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc sinh được 6 người con trai, ông bà ở với con cả, các con còn lại cũng ở gần đấy. Ngôi nhà cấp bốn mà ông bà và người con cả ở sau bao năm đã xuống cấp, dột nát tứ tung. Thấy con khó khăn, ông bà Phức bàn nhau rút tiết kiệm để góp tiền sửa nhà với con. 5 người con còn lại biết chuyện liền tị nạnh vì theo họ, đã là con thì ai cũng phải được hưởng tiền bố mẹ cho sửa nhà.
Ông bà Phức đã hết lời giải thích rằng ngôi nhà hai ông bà đang ở cũng chính là nhà thờ họ nên đáng ra tất cả các con đều phải có nghĩa vụ đóng góp sửa, nhưng vì các con không ở cùng nên ông bà không bắt các con phải gánh. Đáp lại lời giải thích của cha mẹ, những người con thứ khẳng định họ đều là con, là thành viên trong gia đình nên quyền lợi họ phải được hưởng ngang anh cả, nên bố mẹ phải cho họ tiền sửa nhà như đã cho anh cả.
Bạo lực gia đình cũng… tùy người mà phạt
Sở dĩ nói như thế vì trong Luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) hiện hành có tới… hai khái niệm thành viên gia đình. Hai khoản của Điều 49 được thể hiện bằng 2 cụm từ ngữ khác nhau: “Các thành viên cùng sống chung trong gia đình có nghĩa vụ” và “Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng”. Việc quy định không đồng nhất này dẫn đến cách hiểu tồn tại song song hai loại thành viên gia đình.
Loại thứ nhất là thành viên cùng sống chung trong gia đình có nghĩa vụ, loại thứ hai là thành viên trong gia đình có quyền. Nhiều luật gia đã đặt ra câu hỏi phải chăng có sự khác biệt giữa “cùng sống chung” và “trong gia đình” nên mới nảy sinh ra quy định để một bên thì có nghĩa vụ, bên kia lại có quyền?.
Ở góc độ phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL Hoa Hữu Vân cho biết, do luật quy định chưa rõ nên trong nhiều trường hợp không thể xác định được trách nhiệm của các bên khi xảy ra vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của “thành viên gia đình”.
Hiện nay bạo lực gia đình xảy ra không chỉ giữa vợ chồng mà còn giữa các thành viên khác như anh em rể, chị em dâu, anh em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha…, vì luật quy định chưa rõ nên khi xảy ra bạo lực không biết loại thành viên nào bị xử lý theo quy định của pháp luật PCBLGĐ. Hay nói cách khác, hành vi BLGĐ cũng tùy người mà phạt.
Trong hội thảo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp ý Dự thảo Luật HN-GĐ, rất nhiều ý kiến xôn xao khi một đại biểu đặt câu hỏi: Phải chăng luật quy định thế thì con riêng của chồng/vợ không cùng sống chung nên sẽ không có nghĩa vụ (quan tâm, chăm lo đời sống chung của gia đình), nhưng lại có quyền (hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ) và quyền ấy được pháp luật bảo vệ hẳn hoi. Vào một ngày đẹp trời, người chồng dắt về một đứa con riêng đã là điều không bà vợ nào muốn và sẽ là bi kịch khi đứa con ấy vận dụng luật để đòi hỏi quyền như câu chuyện của chị Mai ở trên.
Trong bản Dự thảo trình Quốc hội tháng 9/2013, hai khái niệm “các thành viên cùng sống chung trong gia đình” và “các thành viên trong gia đình” vẫn song song tồn tại với một bên có quyền, bên có nghĩa vụ. Mặc dù trước đó, ở phần giải thích từ ngữ của Dự thảo, thành viên gia đình được giải thích đơn nhất là gồm vợ chồng, cha mẹ, con, anh chị em, ông bà, cháu…
Vấn đề “rắc rối từ người trong nhà” này đã nhận được nhiều góp ý sửa đổi trong Dự thảo Luật HN-GĐ đang hoàn thiện. Theo đó, chỉ nên dùng một khái niệm “thành viên gia đình” để tránh những hậu quả pháp lý phát sinh từ tình trạng một luật, nhiều cách hiểu hiện nay.

Đọc thêm