Doanh nghiệp đóng bảo hiểm như thế nào khi hoạt động nhiều địa bàn khác nhau?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công ty bạn có chi nhánh hoạt động tại nhiều nơi, nhiều địa bàn khác nhau. Đối với trường hợp này, mỗi chi nhánh hoạt động trên mỗi địa bàn sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại địa bàn đó...
Luật sư Chu Quỳnh Vương.
Luật sư Chu Quỳnh Vương.

Bạn Minh Anh (Bắc Giang) hỏi: Bên mình trụ sở ở Hà Nội (áp dụng mức lương tối thiểu của vùng 1), chi nhánh thuộc vùng 4, chi nhánh hạch toán phụ thuộc và trước giờ chi nhánh không có hạch toán gì cả. Bên mình muốn xây dựng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho tài xế vùng 4 (đặc thù bên mình tài xế xe khách liên tỉnh hoạt động chủ yếu ở vùng 4 nhiều hơn). Xin hỏi, công ty có thể ký HĐLĐ theo tên công ty trụ sở vùng 1 và đóng mức đóng BHXH theo vùng 4 (theo thực tế địa điểm làm việc) được không? Hay phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho tài xế thông qua chi nhánh thì mới được áp mức đóng BHXH vùng 4? (Bên mình có cả văn phòng đại diện hoạt động vùng 2).

- Luật sư Chu Quỳnh Vương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu (MLTT) đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo HĐLĐ, việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động (NSDLĐ) như sau:

NSDLĐ hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng MLTT quy định đối với địa bàn đó. NSDLĐ có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có MLTT khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng MLTT quy định đối với địa bàn đó. NSDLĐ hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có MLTT khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có MLTT cao nhất.

Đối với NSDLĐ hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng MLTT quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới. NSDLĐ hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có MLTT khác nhau thì áp dụng MLTT theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

NSDLĐ hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng MLTT quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, thì đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó.

Quy định trên dẫn chiếu đến trường hợp của công ty bạn có trụ sở ở Hà Nội (áp dụng mức lương tối thiểu của vùng 1), chi nhánh thuộc vùng 4. Theo đó, công ty bạn đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh. Đối với chi nhánh của công ty hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó.

Trường hợp công ty bạn có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có MLTT vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng MLTT vùng quy định đối với địa bàn đó.

Mặt khác, căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng như sau:

MLTT vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn MLTT vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất. Cao hơn ít nhất 7% so với MLTT vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, công ty bạn có chi nhánh hoạt động tại nhiều nơi, nhiều địa bàn khác nhau. Đối với trường hợp này, mỗi chi nhánh hoạt động trên mỗi địa bàn sẽ áp dụng MLTT vùng quy định tại địa bàn đó. Nếu muốn xây dựng mức đóng BHXH cho tài xế vùng 4 (đặc thù tài xế xe khách liên tỉnh hoạt động chủ yếu ở vùng 4 nhiều hơn) thì phải ký HĐLĐ cho tài xế thông qua chi nhánh thì mới được áp mức đóng BHXH vùng 4.

Đồng thời, mức lương cơ sở vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận và trả lương. Theo đó, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm đối với mỗi nhân viên ở công ty bạn là khác nhau và dựa trên tính chất công việc. Cụ thể, NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường, bảo đảm đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận thì mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm không thấp hơn MLTT vùng. NLĐ làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với MLTT vùng.

Đọc thêm