Doanh nghiệp hay cơ quan công quyền?

 Pháp luật quy định các doanh nghiệp có địa vị pháp lý bình đẳng như nhau. Thế nhưng, trong vụ tranh chấp phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phí thuê đất tại KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thì Cty Cổ phần Thống Nhất (kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bàu Xéo) đã hành xử như cơ quan công quyền khi bít hết các hệ thống thoát nước của các doanh nghiệp đầu tư tại đây.

Pháp luật quy định các doanh nghiệp có địa vị pháp lý bình đẳng như nhau. Thế nhưng, trong vụ tranh chấp phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phí thuê đất tại KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thì Cty Cổ phần Thống Nhất (kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bàu Xéo) đã hành xử như cơ quan công quyền khi bít hết các hệ thống thoát nước của các doanh nghiệp đầu tư tại đây.

Nhập nhằng "cá mè một lứa"…

Tháng 4/2011, Cty TNHH An Thiên Lý (Cty ATL), Cty Cổ phần Sao Việt, Cty TNHH San Lim Furniture Việt Nam và một số DN có cơ sở sản xuất tại KCN Bàu Xéo gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Ban QLDA các KCN tỉnh Đồng Nai phản ánh tình trạng Cty Cổ phần Thống Nhất (Cty CPTN) đã tiến hành chắn bít hệ thống thoát nước của các DN này gây ngập ứ, làm thiệt hại về vật tư, nguyên liệu và dây chuyền sản xuất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN.

Nguyên trước đó, Cty CPTN gửi công văn yêu cầu các DN này phải tiến hành ký hợp đồng sử dụng hạ tầng với mức giá “áp đặt” 1,58USD/m2/năm, nhưng chưa nhận được đồng thuận của các DN này. Bởi theo họ, khi UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định giao đất, họ đã nộp tiền đền bù giải phóng mặt bằng và phí đầu tư xây dựng hạ tầng KCN. Do đó, với việc Cty CPTN đưa ra mức giá thuê đất và phí sử dụng hạ tầng KCN ngang ngửa với các DN thuê đất trực tiếp với Cty CPTN là áp đặt và không hợp lý.

Xin được nói rõ hơn, 11 DN đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất để đầu tư sản xuất tại KCN Bàu Xéo từ năm 2001 đến 2003. Ví dụ Cty ATL, sau khi được giao đất theo Quyết định số 1558/QĐ.CT-UBT ngày 29/05/2003, Cty ATL đã hoàn thành kinh phí bồi thường do thu hồi giao đất với tổng số tiền 1.495.658.792 đồng, trong đó phí sử dụng hạ tầng là 237.406.000 đồng để làm đường đi nội bộ trong KCN và mương cống thoát nước. Ông Nguyễn Cảnh Hà – Giám đốc Cty ATL cho biết: “Khi đầu tư cơ sở sản xuất vào KCN Bàu Xéo, Cty ATL đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một DN, đồng thời chúng tôi cũng đã hoàn thành thủ tục và nộp ngân sách đầy đủ các khoản…”.

Trong khi đó ngày 24/11/2006, KCN Bàu Xéo mới được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1944/TTg-CN cho phép thành lập, và đến ngày 29/12/2006, BQLDA các KCN tỉnh Đồng Nai mới cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 47221000042 để Cty CPTN tiến hành thực hiện dự án kinh doanh cơ sở hạ tầng tại KCN Bàu Xéo.

Như vậy có thể thấy, mặc dù Cty CPTN là đơn vị đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Bàu Xéo, nhưng tại thời điểm thành lập KCN Bàu xéo theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ đã có 11 DN đến đầu tư trước và thuê đất trực tiếp từ UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ có 7 DN thuê đất trực tiếp với Cty CPTN ở giai đoạn sau này.

Áp đặt rồi “cấm vận”

Việc người đến trước kẻ đến sau, đã tạo ra sự khác biệt về quyền lợi và nghĩa vụ. Một bên thì cho rằng họ đã hoàn thành nghĩa vụ khi đầu tư vào KCN Bàu Xéo, còn bên khác lại cho là mình được quyền vì đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư và cũng tự định đoạt mức giá. Do đó, tranh chấp đã xảy ra.

Vấn đề đáng bàn là khi chưa thỏa thuận được giá cả phí sử dụng hạ tầng và các khoản khác, Cty CPTN đã cho mình quyền tự quyết của nhà cung cấp dịch vụ để “thực hiện nhiệm vụ được giao” và đã bít toàn bộ hệ thống thoát nước của các DN như đã nói trên. Không chỉ vậy, ngày 28/04/2011 trong khi Cty ATL đang tiến hành mở cổng ra đường số 1A thì Cty CPTN đã cho nhiều bảo vệ và những người lạ mặt đến hăm dọa ngăn chặn không cho thi công.

Rất đông bảo vệ và người lạ mặt ngăn cản Cty An Thiên Lý mở cổng ra đường số 1A
Rất đông bảo vệ và người lạ mặt ngăn cản Cty An Thiên Lý mở cổng ra đường số 1A

Có mặt tại KCN Bàu Xéo, chúng tôi ghi nhận toàn bộ hệ thống thoát nước của các DN chưa ký hợp đồng sử dụng hạ tầng với Cty CPTN đều đã bị bít kín bằng bê tông. Con đường 1A nối từ đường song hành Quốc lộ 1 đi qua Cty ATL dài hơn 300m đã bị Cty CPTN dùng xe múc múc hết đất bồi móng tường rào của Cty ATL, có đoạn bị đào sâu đến gần 1,5m làm trơ móng nứt nẻ gần như xiêu đổ hoàn toàn cả những trụ điện gần đó, gây nguy hiểm cho người đi đường, hư hại nghiêm trọng tài sản của Cty ATL.

Thế nhưng đã gần nữa năm nay, Cty CPTN vẫn để mặc khiến toàn bộ tường rào ngày càng nứt nẻ nghiêm trọng hơn. Đã nhiều lần Cty ATL yêu cầu khôi phục những hư hỏng do Cty này thi công đường 1A gây ra, nhưng Cty CPTN vẫn làm ngơ…

Nhìn lại trên toàn bộ sự việc, có thể thấy rằng, việc phát sinh mâu thuẫn giữa Cty CPTN với một số DN khác là ở chổ chưa thỏa thuận được mức phí sử dụng hạ tầng và phí thuê đất tại KCN, mà mấu chốt ở đây là sự đụng chạm quyền lợi giữa nhóm DN vào trước với đơn vị đầu tư và cho thuê dịch vụ hạ tầng đã đến sau.

Tuy nhiên, dù với tranh chấp nhỏ hay ở mức độ nào, Cty CPTN đều có thể thương lượng, nhờ sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Việc Cty CPTN tự đưa ra mức giá mang tính áp đặt, buộc các DN khác phải ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ của mình, và khi chưa tìm được tiếng nói chung đã tự chắn bít hệ thống thoát nước của các DN là việc làm trái pháp luật.

LS Phạm Minh Hoàng (VPLS Trí & Cộng sự, TPHCM):

"Tự bít hệ thống thoát nước là trái pháp luật"

Thưa luật sư, trong vụ này, nếu có tranh chấp về mức phí sử dụng cơ sở hạ tầng và giá thuê đất tại KCN thì thẩm quyền giải quyết thuộc về ai?

- Do Cty ATL nằm trong KCN Bàu Xéo thuộc quyền quản lý của BQL các KCN Đồng Nai nên về nguyên tắc tranh chấp giữa các bên trước hết phải được BQL các KCN Đồng Nai xem xét giải quyết. Nếu không đồng ý với hướng giải quyết của BQL các KCN Đồng Nai, các bên có quyền nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 29, điểm b khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì TAND huyện Trảng Bom sẽ là nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Khi việc tranh chấp chưa gỉai quyết xong, Cty CPTN tự “bít” toàn hệ hệ thống thoát nước của các DN đã đầu tư trước khi KCN Bàu Xéo được thành lập là đúng hay sai?

Trong vụ việc này có thể thấy rằng quan hệ giữa Cty CPTN và các DN trong KCN là quan hệ giữa một bên là nhà cung cấp dịch vụ (dịch vụ cơ sở hạ tầng khu công nghiệp) và bên kia là người sử dụng dịch vụ, vì vậy quan hệ giữa hai bên là quan hệ dân sự. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì một trong những nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự là các bên phải hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa hoặc ngăn cản bên nào. Do đó, khi các bên chưa thỏa thuận được với nhau về các vấn đề còn đang tranh chấp, và vụ việc cũng chưa được tòa án phán quyết bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì việc Cty CPTN tự ý bít toàn bộ hệ thống thoát nước của một số DN nằm trong KCN Bàu Xéo, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho các DN này là việc làm trái pháp luật, cần phải được chấm dứt ngay lập tức.

Ông có quan điểm như thế nào về vụ tranh chấp này?

- Nếu trước đây các DN đã trả tiền thuê đất cho UBND tỉnh Đồng Nai cho suốt thời gian thuê (hoặc được giao đất và đã nộp đầy đủ tiền sử dụng đất) thì về nguyên tắc các DN này không phải trả tiền thuê đất cho Cty CPTN nữa. Về phí sử dụng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, nếu sau khi được giao đất theo Quyết định số 1558/QĐ.CT-UBT ngày 29/05/2003 của UBND tỉnh Đồng Nai mà các DN đã đóng phí sử dụng hạ tầng để làm đường đi nội bộ trong KCN và mương cống thoát nước thì về nguyên tắc Cty CPTN không thể yêu cầu các DN đã đến đầu tư trước phải chịu mức phí sử dụng cơ sở hạ tầng ở mức ngang với các DN đến sau vì như vậy là không công bằng và bất hợp lý.

Công Lý

Đọc thêm