Doanh nghiệp kiệt quệ vì 8 năm vướng vòng tố tụng

(PLO) - Suốt 8 năm qua, một doanh nghiệp ở Hà Nội lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” khi bị TAND quận Tây Hồ cố tình đưa vào vụ án hết vai trò này tới vai trò khác, cùng với những phán quyết như đùa của cơ quan này.

Kiệt quệ vì tòa

Trong đơn gửi tới Báo PLVN, Cty TNHH thương mại Hồng Lan (Cty Hồng Lan) cho biết: 8 năm qua, Cty quá khốn khổ vì bị “đẩy” vào vòng tố tụng khi bị TAND quận Tây Hồ cố tình đưa họ vào một vụ việc mà họ không làm, không có lỗi. 

“Chừng ấy thời gian, chúng tôi luôn phải đối mặt với nguy cơ mất nhà cửa, mất công ăn việc làm chỉ vì bị oan sai trong vụ án dân sự. Dù vụ án đã qua 3 cấp xét xử với 6 phiên tòa, nhưng Cty chúng tôi tiếp tục hứng chịu những phán quyết bất công, sai lầm, có nhiều biểu hiện tiêu cực của HĐXX..”, bà Trần Thị Kiều Hạnh, Giám đốc Cty Hồng Lan phản ánh.

Trước đó, ngày 12/8/2016, vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được TAND quận Tây Hồ đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3, sau khi 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 bị Tòa dân sự TAND tối cao trong phiên xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy trả hồ sơ xử lại do mắc nhiều sai lầm từ nội dung cho đến tố tụng. 

Vụ án này liên quan đến lô đất số 32, số 33 khu D-B1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ với diện tích 431m2 mà Cty Hồng Lan trúng thầu theo Quyết định 676 ngày 9/2/2004 của UBND TP Hà Nội. Sau đó, Cty này đã chuyển nhượng 2 lô đất với giá 12,1 tỷ đồng cho ông Trần Văn Thơm, trú tại phường Thanh Nhàn, Hà Nội.

Vì không có tiền thanh toán theo cam kết, nên việc mua bán giữa ông Thơm và Cty Hồng Lan đã chấm dứt từ năm 2004. Thế nhưng, hơn 3 năm sau, dựa vào hợp đồng đã vô hiệu ký trước đó với Cty Hồng Lan, ông Thơm ký tiếp một hợp đồng khác chuyển nhượng 2 lô đất cho bà Lưu Thị Hoàng Anh với giá 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giao dịch mua bán giữa ông Thơm và Cty Hồng Lan không diễn ra, nên không lấy được đất từ ông Thơm khiến bà Hoàng Anh khởi kiện ông này ra tòa. Mặc dù không có quan hệ hợp đồng, không có giao dịch với bà Hoàng Anh, nhưng Cty Hồng Lan lại bị kéo vào vòng lao lý bất đắc dĩ với tư cách bị đơn, rồi vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan suốt 8 năm qua.

Cố tình xử sai?

Tại lần xử sơ thẩm thứ 3, các vi phạm trước đó đã được cấp giám đốc thẩm chỉ ra không những không được khắc phục, HĐXX còn đưa ra quyết định như: tuyên hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Cty Hồng Lan với ông Thơm và hợp đồng giữa ông Thơm với bà Hoàng Anh. Đồng thời bắt Cty Hồng Lan bồi thường cho nguyên đơn số tiền “trên trời” 65,1 tỷ đồng.

Để đi đến các quyết định nói trên, Tòa sơ thẩm dựa vào những lập luận bị cho là rất mơ hồ, sử dụng lời khai một chiều có lợi cho nguyên đơn nhưng không có cơ sở pháp lý như: Trong vụ án này có 2 hợp đồng được giao kết bằng văn bản.

Ngoài 2 hợp đồng này có một thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ mua đất xây biệt thự từ ông Thơm sang bà Hoàng Anh. Từ đó, Tòa suy luận Cty Hồng Lan biết và chấp nhận việc chuyển nhượng giữa bà Hoàng Anh và ông Thơm. Từ lối suy luận áp đặt này, tòa sơ thẩm nhận định 94% lỗi thuộc về Cty Hồng Lan và buộc Cty Hồng Lan bồi thường số tiền nói ở trên.

Cần phải nhắc lại, tại bản án giám đốc thẩm của Tòa dân sự TAND tối cao sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án đã đưa ra những đánh giá hết sức xác đáng về bản chất 2 hợp đồng này, cũng như giá trị pháp lý của các hợp đồng đang nói.

Cấp giám đốc thẩm xác định, Cty Hồng Lan và vợ chồng bà Hoàng Anh không trực tiếp ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng các thửa đất theo quy định tại Điều 697 Bộ Luật Dân sự nên giữa Cty Hồng Lan và vợ chồng bà Hoàng Anh không phát sinh quyền và nghĩa vụ theo quy định của Chương XXVIII Bộ Luật Dân sự. 

Cũng theo bản án này, hợp đồng giữa Cty Hồng Lan và ông Thơm không liên quan đến hợp đồng giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh, mà hợp đồng giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh mới là hợp đồng có liên quan, vì hợp đồng Cty Hồng Lan với ông Thơm có được thực hiện thì mới có cơ sở để ông Thơm và bà Hoàng Anh thực hiện hợp đồng với nhau. 

Hơn nữa, pháp luật dân sự, pháp luật đất đai, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nhưng trong hồ sơ vụ án không hề có văn bản thỏa thuận nào về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa 2 hợp đồng này.  

Vì thế, người “kêu oan” cho rằng cách xác định đã có việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa ông Thơm và bà Hoàng Anh với Cty Hồng Lan như nhận định của TAND quận Tây Hồ là không đúng, không có cơ sở pháp lý và hoàn toàn suy diễn. 

“Cần phải khẳng định, Cty Hồng Lan là đơn vị có tài sản bán cho ông Thơm nhưng chưa hoàn tất hợp đồng. Và cho tới phiên tòa sơ thẩm lần này, ông Thơm cũng không có đơn khởi kiện Cty Hồng Lan, vì thế hợp đồng này không có tranh chấp nên việc tòa hủy hợp đồng này cũng là không đúng. Tòa buộc Cty Hồng Lan phải bồi thường cho bà Hoàng Anh thì càng bất hợp lý, cố tình bóp méo chứng cứ để buộc pháp nhân này phải bồi thường do việc làm sai trái của cá nhân khác”, một chuyên gia pháp lý nhận định. 

Đọc thêm