Bức tranh kinh tế ảm đạm của khối Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNVV) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tờ trình lên Văn phòng Chính phủ thông qua “Báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015”.
Bức tranh màu xám
Theo báo cáo, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DNNVV Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức chung của toàn khối doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2012, với mỗi đồng vốn bỏ ra DNNVV chỉ thu được 0,38 đồng lợi nhuận so với mức chung 2 đồng của khối doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ ngày càng nhiều, tăng từ 25,14% (2010) lên 68,8% (tính đến tháng 9/2013), tỷ lệ DN làm ăn có lãi giảm từ 64,12% giảm xuống còn 34,2%. Đây là kết quả thể hiện sự hoạt động kém hiệu quả của các DNNVV Việt Nam. Thua lỗ kéo dài khiến nhiều DN phải giải thể, ngừng hoạt động.
"Thua lỗ kéo dài khiến DN rơi vào phá sản, giải thể và tạm dừng hoạt động. Tình trạng này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho kết quả sản xuất kinh doanh của DN nói chung trong thời gian tới" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Về tình hình gia nhập thị trường, trong giai đoạn 2011-2013 cả nước có thêm 224.200 DN được thành lập mới. Số lượng DN thành lập mới giảm liên tục từ 83.600 (2010) giảm xuống còn 69.500 (2012), năm 2013 tăng trở lại 77.955 doanh nghiệp. Quy mô và số vốn đăng kí của các doanh nghiệp cũng liên tục giảm.
Trong những năm qua khối DNNVV có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Ảnh: Hướng Dương |
Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2012 và tăng 12,5% so với năm 2011. Số DN rút khỏi thị trường ngày càng tăng chứng tỏ những thách thức của thị trường đang dần loại bỏ các DN yếu kém, chậm chạp đổi mới, thua lỗ kéo dài.
Về vốn, các DNNVV vẫn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Mặc dù chiếm đến 97% số lượng DN nhưng chỉ chiếm chưa đầy 40% tổng nguồn vốn kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN gặp khó khăn đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, chỉ khoảng 1/3 số DNNVV có tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.
Việc mua sắm các thiết bị đầu tư dài hạn cũng chồng chất những khó khăn trong khi doanh thu, lợi nhuận của các DN liên tục giảm trong những năm qua. Năm 2012, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt được 22,82 nghìn tỉ đồng (tổng doanh thu 5.032,57 tỉ đồng) chiếm 7,26% lợi nhuận của toàn khối DN.
“DNNVV còn rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ, trình độ quản lí và năng lực cạnh tranh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
“DNNVV dễ bị tổn thương nên cần hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ”
Theo tờ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khối các DNNVV cực kì dễ bị tổn thưởng bởi suy thoái kinh tế. Vì vậy đòi hỏi Chính phủ phải có những hỗ trợ thiết thực, biện pháp mang tính quyết liệt.
Bên cạnh những thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội, các DNNVV Việt Nam đang khó khăn trong việc không đạt được mục tiêu do chính mình đề ra giai đoạn 2011-2015.
Để giúp các DNNVV đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2011-2015: số doanh nghiệp thành lập mới đạt 350.000 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu chiếm 25% toàn quốc, thu hút 35% tổng vốn đầu tư cho cả nước, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách, tạo gần 4 triệu việc làm mới…Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể giúp khối DN này có hành lang pháp lý thông thoáng, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu.
Theo đó, Bộ đề xuất việc hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán tạo điều kiện giúp khối DNNVV tiếp cận các nguồn vốn từ hoạt động chứng khoán. Đẩy mạnh các hoạt động tín dụng, vay vốn từ các ngân hàng thương mại, tăng cường hỗ trợ các DNNVV về vốn thông qua các quỹ phát triển riêng.
Ngoài ra, các DNNVV cần được hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tiếp cận đất đai. Đồng thời đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV trong thời điểm này, theo Bộ cần áp dụng tổ hợp các giải pháp trên thì mục tiêu giai đoạn 2011-2015 mới sớm được hoàn thành.