Doanh nhân Hứa Bổn Hòa - Chủ nhân của 20 nghìn thửa đất vàng cùng nhiều công trình giá trị “khủng”ở Sài Gòn

(PLVN) - Sở hữu 20 nghìn nền “đất vàng” cùng rất nhiều công trình công cộng có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn như khách sạn Majestic, Bệnh viện Sài Gòn, Bệnh viện Từ Dũ, khu Nhà khách Chính… Hứa Bổn Hòa, ông chủ của khối tài sản kếch xù nêu trên là một triệu phú nức tiếng Sài Gòn xưa, nhưng không phải ai cũng biết.
Bức tượng doanh nhân Hứa Bổn Hòa.
Bức tượng doanh nhân Hứa Bổn Hòa.

Ông chủ 20 nghìn nhà mặt phố Sài Gòn

Chú Hỏa (1845-1901), tên khai sinh là Hui Bon Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa, phiên âm là Hứa Bổn Hỏa hay còn gọi là Hứa Bổn Hòa, một thương nhân người Việt gốc Hoa, là một trong “Tứ đại phú hào” của đất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20 mà dân gian đã xếp hạng gồm: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Chú Hỏa gốc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc dòng dõi những người nhập cư vào miền Nam Việt Nam sau khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh.

Chăm chỉ làm ăn, biết tổ chức, điều hành “Công ty kinh doanh Hứa Bổn Hỏa và các con” Hỏa đã trở thành một “doanh nhân” nổi tiếng trong tốp tứ đại phú hào với số tài sản kếch sù không chỉ để lại cho gia tộc, mà còn góp phần làm nên một “huyền thoại kinh doanh ngành bất động sản” của Sài Gòn.

Chỉ riêng ngành bất động sản với những công trình xây dựng lớn còn tồn tại trong đời sống xã hội cũng như văn hóa của một thành phố mà ông đã chọn làm nơi ngụ cư, xem như quê hương thứ hai của mình cho đến ngày khuất bóng, Hứa Bổn Hỏa cũng đã để lại cho người đời sự ngưỡng mộ hiếm có.

Theo lời đồn đãi có tính chất “huyền thoại”, việc làm giàu của chú Hỏa ngoài sự cần cù, chịu thương chịu khó, cũng còn có chút may mắn. Người ta kể, có một ông Tây qua Nam kỳ làm ăn, sau một thời gian dài đã gom góp được một số tài sản rất lớn. Vì một tai nạn bất ngờ, ông chết mà chẳng kịp trăng trối. Luật sư yêu cầu con cái ông sang Việt Nam thừa kế di sản của người cha quá cố.

Người con này lại không có ý định sống ở Việt Nam nên cho phát mãi hết tài sản của cha mình. Tài sản này rất lớn, gồm nhà cửa, đồn điền, cơ sở kinh doanh và một số tiền lớn gửi ở ngân hàng. Người con bán tất cả đồ đạc trong nhà vì người chủ mới không muốn sử dụng đồ đạc của người chết.

Đôi quang gánh tượng trưng cho thuở cơ hàn mua ve chai của chú Hỏa trong ngôi nhà 99 cửa.
Đôi quang gánh tượng trưng cho thuở cơ hàn mua ve chai của chú Hỏa trong ngôi nhà 99 cửa. 

Lúc đó, chú Hỏa đang mua bán ve chai. Chú bèn đến thầu mua tất cả những đồ lặt vặt ấy. Trong số những đồ đạc linh tinh này, có một tấm thảm đã cũ nhưng còn dùng được. Chú Hỏa đem tấm thảm chải sạch bụi, định để bán lại thì khám phá ra cả một tài sản to lớn gồm vàng lá, tiền vàng, giấy bạc loại lớn và một số kim cương… Có số tiền “từ trên trời rơi xuống” này, chú Hỏa bắt đầu mua sắm nhà cửa, đất đai, xây nhà cho thuê, đầu tư kinh doanh và trở thành người giàu tiếng tăm nhất trong giới người Hoa lẫn người Việt tại Sài Gòn – Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 20.

Từ một anh Tàu mua bán ve chai trên đường phố, Chú Hỏa nhập quốc tịch Pháp và đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Chú Hỏa thành lập công ty Hui Bon Hoa, một công ty bất động sản sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn. Vào thời Pháp thuộc, để vinh danh chú Hỏa, một con đường đã được mang tên Hui Bon Hoa và sau này, vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đường được đổi tên thành Lý Thái Tổ, nơi có tiệm phở Tàu Bay nổi tiếng Sài Gòn với tô “xe lửa”. 

Xứng danh tỷ phú “ve chai”

Qua cách sắp xếp giai tầng doanh nhân Sài Gòn xưa nêu trên cho thấy chú Hỏa là một trong “Tứ đại phú hào” Sài Gòn (thế vai của ông Trần Hữu Định - ông trùm lĩnh vực đất đai, tiệm cầm đồ, xuất nhập cảng vải, sợi) và tiếng tăm của chú Hỏa còn lẫy lừng tới ngày nay là điều không ai bàn cãi bởi những công trình về xây dựng có giá trị của ông để lại vẫn tồn tại theo thời gian và sự thật chú Hỏa làm giàu nhờ nghề buôn bán ve chai, đồng nát đã được người Sài Gòn qua nhiều thế hệ khẳng định.

Tuy nhiên, việc chú Hỏa phất lên, tạo cơ nghiệp, giàu nứt đố đổ vách lại không phải như lời đồn đãi do ông mua được chuông đồng hay nhặt được túi vàng trong chiếc ghế cũ, hay buôn bán cổ vật mà là nhờ có vốn ban đầu, nhờ có óc nhìn xa, nhạy bén với thương trường và quyết đoán trong công việc cộng với cơ hội đưa đến và biết nắm bắt cơ hội đã làm nên tên tuổi của một Hứa Bổn Hỏa.

Đó là lần ông trúng thầu, mua được 20.000 cái máy truyền tin phế thải của Pháp với giá hời trong lúc những ông chủ thầu khác lại không mặn mòi gì với thứ đồ vật phế thải này vì bề ngoài nó vô giá trị. Nhưng dưới con mắt của doanh nhân Hứa Bổn Hỏa thì những thứ “vô giá trị” lại biến thành vàng, bởi 20.000 bộ máy truyền tin sau khi phân kim đã cho ông một số lượng vàng rất lớn.

Nhờ số vàng này chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản mà Sài Gòn thời đó hầu như vẫn còn bỏ ngỏ. Và chính Hứa Bổn Hỏa chứ không ai khác nhìn ra tiềm năng của một vùng đất hoang phế, còn nhiều ao hồ quanh con rạch R20 ngay trung tâm Sài Gòn đang có kế hoạch sang lấp để xây chợ Bến Thành. Chú Hỏa đã tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ, khi chợ Bến Thành xây xong, Hứa Bổn Hỏa có trong tay 20.000 nền nhà thuộc khu đất vàng và ông đã sớm biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê để hốt bạc dài dài. 

Có được tiền bạc kếch sù, chú Hỏa đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, chính “Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con” đã xây dựng rất nhiều công trình công cộng có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Khách sạn Majestic đường Tự Do, một công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu mà ngày nay vẫn còn đẹp lộng lẫy. Rồi Bệnh viện Sài Gòn đường Lê Lợi, Bệnh viện Từ Dũ đường Cống Quỳnh, khách sạn Palace Long Hải, nhiều trụ sở ngân hàng thương mại ở quận 5 và các công trình nhà riêng, chùa chiền, bệnh viện khác…

Hay trên đường Lý Thái Tổ, gần Ngã 6 Cộng Hòa, có một cụm gồm 7 biệt thự chiếm một khu đất hình tam giác là tài sản của chú Hỏa ngày nào, giờ khu “tam giác vàng” ấy đã trở thành khu Nhà khách Chính phủ…

Đặc biệt là ngôi nhà của chú Hỏa tọa lạc tại số 97 đường Phó Đức Chính quận 1 với kiến trúc độc đáo, gồm 99 cửa theo phong thủy trên khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn… Ngôi nhà 99 cửa này của ông Hứa Bổn Hỏa khởi thủy là tiệm cầm đồ của chú Hỏa, về sau mở rộng ra và xây dựng lại vào năm 1920.Trải qua 100 năm, ngôi biệt thự vẫn đẹp lộng lẫy theo vẻ cổ kính hài hòa giữa hai trường phái kiến trúc Âu - Á rất kiên cố không suy chuyển theo thời gian mà ngày nay dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.

Bỏ qua những yếu tố chính trị – xã hội, chú Hỏa đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt Sài Gòn với tấm lòng của một người giàu có hướng ra cộng đồng. Nhà biên khảo Vương Hồng Sển từng nhận xét: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng chú Hỏa cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”. Sự nghiệp của ông ở Việt Nam vẫn được con cháu tiếp tục sau khi ông mất. Mãi đến sau năm 1975, họ mới ra nước ngoài sinh sống…

Đọc thêm