Ngư dân “mất cả chì lẫn chài” vì băng lừa đảo quốc tế

(PLO) - Biết ngư dân đang khao khát những ngư trường tiềm năng ngoài vùng biển Việt Nam, một nhóm đối tượng đã lên kế hoạch tỉ mỉ: tổ chức hội thảo, xin giấy phép, ký hợp đồng hẳn hoi, hứa đưa tàu ra ngoài khai thác một cách hợp pháp. Chiêu lừa quá tinh vi khiến ngư dân “mất cả chì lẫn chài”… 
Tổng cục Thủy sản cấp giấy phép cho một công ty được khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Văn bản hành chính này có nhiều điều khuất tất, thế nhưng đã trở thành “chiếu chỉ” cho những kẻ lừa đảo bỏ túi gần 2 triệu USD…
Địa chỉ 634 Hùng Vương, Nhơn Phú,TP.Qui Nhơn là trụ sở Cty Mỹ Đức chứ không phải Cty Đại Dương và Giấy phép của Tổng cục Thủy sản.
Địa chỉ 634 Hùng Vương, Nhơn Phú,TP.Qui Nhơn
là trụ sở Cty Mỹ Đức chứ không phải Cty Đại Dương
 và Giấy phép của Tổng cục Thủy sản.
“Khúc dạo đầu” hoàn hảo
Nói rằng “ủng hộ chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc đưa tàu đánh cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản ngoài vùng biển Việt Nam”,  ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Đại Dương (Cty Đại Dương) trụ sở tại 634 Hùng Vương, Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định tìm đến liên hệ với Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang vẽ ra một ngư trường mới ngoài vùng biển Việt Nam đầy tiềm năng. 
Tin tưởng vào “chủ trương” của cấp trên, Sở NN&PTNT yêu cầu Hội Nghề cá TP.Rạch Giá lấy ý kiến hội viên. Đa số hội viên đang khát khao một ngư trường mới bởi ngư trường Việt Nam nên họ rất kỳ vọng. Từ nguyện vọng của hội viên nghề cá, Sở NN&PTNT xin phép UBND tỉnh mở hội thảo “Một ngư trường ngoài vùng biển Việt Nam cho các chủ tàu đánh cá xa bờ”, được tổ chức hoành tráng tại một khách sạn hạng sang của TP.Rạch Giá, có cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự cùng hơn 50 chủ tàu cá TP.Rạch Giá. 
Tại đây, ông Dũng và ông Nguyễn Trần Biên (tự nhận là đại diện Cty Papua - Indonesia) xuất hiện như một vị “cứu tinh” của 50 chủ tàu cá đang khát ngư trường. Ngay sau hội thảo, hai chủ tàu cá tại TP.Rạch Giá ký hợp đồng hợp tác khai thác với Cty Đại Dương. 
Cụ thể, ngày 3/6/2012 Cty Đại Dương (bên A) ký hợp đồng hợp tác (HĐHT) với ông Trần Hon (bên B) thường trú tại 696 Ngô Quyền, An Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang. Hai bên thỏa thuận: Bên A đồng ý đưa 4 tàu của bên B mang số hiệu KG-90199-TS, KG-9442B-TS, KG-92674-TS và KG-90034-TS đi khai thác đánh bắt hải sản hợp pháp ở ngư trường Indonesia trong thời hạn một năm theo hợp đồng hợp tác giữa Cty Đại Dương và Cty PT Papua Fishery Development-Indonesia (Cy Papua). 
Trước đó, ngày 1/6/2012, Cty Đại Dương đã ký HĐHT với ông Trương Văn Ngữ, thường trú tại 11/282A, khu phố Dãy Óc, Vĩnh Hiệp, Rạch Giá, Kiên Giang đưa 4 tàu của ông Ngữ đi khai thác hải sản như 4 tàu của ông Hon. Hai bên còn ký thêm phụ lục hợp đồng với những điều khoản: Bên A giao cho bên B 40.000 USD ngay khi bên B giao “Giấy phép cho tàu cá đi khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam” do Tổng cục Thủy sản cấp. 
Trên thực tế, Cty Đại Dương buộc hai chủ tàu phải đóng 1 cặp tàu (2 chiếc)/45.000 USD bởi Cty Đại Dương cho rằng vùng biển mà 8 chiếc tàu của ông Ngữ và ông Hon đến khai thác là vùng biển họ được độc quyền khai thác theo giấy phép của Tổng cục Thủy sản(?). Tổng cộng, Cty Đại Dương thu của hai chủ tàu 180.000 USD. 
Cấp phép cho công ty “ma”
Mọi chuyện bắt đầu từ Giấy phép số 03-2012/GPKT ngày 28/8/2013 của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT cấp cho Cty Đại Dương: “Cho phép tàu cá đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam” do ông Phạm Anh Tuấn ký thay Tổng cục trưởng, nhưng ông Tuấn lại không ghi chức danh của mình là gì? Vấn đề đặt ra là: Ông Tuấn là ai? Đảm nhiệm chức danh gì trong Tổng cục Thủy sản? Ông Tuấn có đủ thẩm quyền ký thay Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản hay không và con dấu trong giấy phép này là thật hay giả? 
Một văn bản mập mờ, khuất tất như vậy nhưng ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Cty Đại Dương đã hô biến thành một “chiếu chỉ” để lừa đảo chiếm đoạt của các chủ tàu đánh cá tại tỉnh Kiên Giang gần 40 tỷ đồng. Theo phụ lục hợp đồng mà hai bên ký kết, hai chủ tàu cá này đã chuyển cho ông Dũng tổng cộng 180.000 USD. Ngày 30/8/2013, 8 chiếc tàu đánh cá của ông Ngữ và ông Hon lên đường ra khơi. Mỗi chiếc tàu như vậy, chủ tàu phải đầu tư 1,2 tỷ đồng cho chuyến ra khơi này. 
Cũng theo phụ lục hợp đồng, 2 tháng sau khi tàu ra khơi, mỗi cặp tàu còn phải đóng cho Cty Đại Dương 10.000 USD. Tám chiếc tàu của ông Ngữ và ông Hon đánh bắt được 3 tháng (đã đóng cho Cty Đại Dương thêm 60.000 USD) tại vùng biển Indonesia thì xảy ra sự cố.   
Ngày 4/1/2014 ông Ngữ và ông Hon nhận được tin như sét đánh ngang tai: Bốn chiếc tàu của 2 ông bị Hải quân Indonesia bắt giữ, còn bốn chiếc thì xả hết ga chạy trốn, hết hai ngày hai đêm mới về được Rạch Giá. Hai ông tức tốc ra Qui Nhơn để tìm gặp Giám đốc Dũng, nhưng khi “đến trụ sở Cty Đại Dương, hai ông chết đứng” bởi tại số nhà 634 Hùng Vương là trụ sở của Cty Cổ phần Khoáng sản Mỹ Đức. Hai ông được nhân viên của công ty này tiếp chuyện và họ cho biết Cty Mỹ Đức đặt trụ sở tại đây từ đầu năm 2011. 
Cty Đại Dương được Tổng cục Thủy sản cấp phép ngày 28/8/2013 ngay tại địa chỉ nêu trên, nhưng tại thời điểm cấp phép thì địa chỉ đó là trụ sở của Cty Mỹ Đức. Theo xác minh của PLVN thì Cty Đại Dương có đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, giấy phép kinh doanh của Cty Đại Dương có trên 30 ngành nghề kinh doanh khác nhau (từ xây dựng, kinh doanh bất động sản cho đến dịch vụ du lịch và đánh bắt thủy - hải sản…) nhưng vốn điều lệ chỉ 1,5 tỷ đồng. Cty Đại Dương tuyệt nhiên không có chiếc tàu đánh cá nào, bởi một chiếc tàu đánh bắt xa bờ hiện nay có giá từ 5-7 tỷ đồng. 
Ông Hon và ông Ngữ chua xót: “Bốn chiếc tàu của chúng tôi hiện đã bị Cty Đại Dương bán cho Cty Papua. Chúng tôi phải tự bỏ kinh phí để sang tận Indonesia đưa toàn bộ thủy thủ đoàn 61 người về Việt nam. Các cơ quan chức năng kết nối cho chúng tôi đưa tàu đi nước ngoài hiện không một ai ngó ngàng gì. Còn những kẻ lừa đảo lấy tiền, tàu của chúng tôi hiện vẫn nhởn nhơ…”.
(Còn tiếp)   
1. Để được khai thác thủy sản ở vùng biển cả hoặc vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ cho Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản xem xét hồ sơ và cấp các giấy tờ cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam (bằng tiếng Việt và tiếng Anh), trong đó có Giấy phép cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam.
3. Sau khi cấp các giấy tờ cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam, Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm thông báo cho địa phương có tàu đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý.
(Trích Điều 7 Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển)

Đọc thêm