Chiếc áo tơi che nắng, che mưa
“Trời mưa thì mặc trời mưa/ chồng tôi đi bừa đã có áo tơi” hay “Áo tơi mẹ mặc một thời/Che mưa, che nắng, che trời bão dông/Hai sương một nắng trên đồng/Cái nắng tháng sáu mưa dông ngày hè”… Áo tơi là vật dụng gắn bó với người dân Hà Tĩnh từ bao đời nay, đặc biệt cho đến tận bây giờ, khi các vật dụng thay thế chức năng của chiếc áo tơi khá nhiều và không quá đắt đỏ nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn chằm, vẫn sử dụng áo tơi bởi sự tiện dụng, tiết kiệm của nó.
Ông Nguyễn Đặng Quế (62 tuổi, thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Nghề chằm tơi ở Yên Lạc đã có từ lâu, cũng cách đây khoảng 300 năm rồi. Tôi theo nghề chằm áo tơi thì khi lên 16 tuổi, đến nay đã hơn nửa cuộc đời theo nghề. Nghề chằm áo tơi không khó nhưng đòi hỏi phải có sự chịu khó và tỉ mẩn.
Thuở bé, ông thường theo ông nội đi chằm tơi, mỗi ngày chằm được khoảng 5 - 6 áo tơi. Trước đây tơi được may đi may lại 2 lần và dùng phổ biến hơn, nhất là vào mùa mưa, vì thế cả làng Yên Lạc này nhà nào cũng chằm tơi. Nay số hộ gia đình theo nghề này cũng giảm nhiều rồi. Chủ yếu là những người già như chúng tôi còn “mặn mà” với nghề, chứ lớp trẻ bây giờ mà nói theo nghề này thì hiếm hoi lắm…”.
Nói về công dụng của áo tơi, bà Nguyễn Thị Xuân (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: “Mỗi khi đi gặt hay đi cấy mạ mà không có cái tơi che sau lưng thì cũng chỉ đứng ngoài đồng được vài tiếng đồng hồ rồi về chứ chịu không nổi. Người nông dân như chúng tôi, áo tơi như một công cụ không thể thiếu, mỗi khi trời nắng chúng tôi đứng vẫn vô tư mà thu hoạch lúa vì đã có áo tơi che nắng. Tơi không chỉ giúp che nắng mà còn che mưa rất hiệu quả, không khác gì áo mưa”.
Để chằm được một chiếc tơi phải trải qua rất nhiều công đoạn và cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Lá để làm tơi là lá cọ, được tuyển chọn từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ, không quá già. Thông thường, lúc tờ mờ sáng, đàn ông trong làng đã cơm đùm cơm nắm lên tận mạn trên, từ Hương Khê cho đến Vũ Quang để tìm lá.
Lá cọ khi hái xong được sấy cho khô bớt rồi phơi để lá nở và dai hơn. Sau khi phơi xong, trẻ nhỏ và người già ở nhà vuốt lá, dùng dây thừng cắt ra từng đoạn để làm chiêng tơi. Các cụ ông thì chẻ mây, đưa mây ra phơi rồi vót. Công đoạn cuối để hoàn thành chiếc tơi là chằm tơi.
Vụ tơi chính thường kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6, cũng có khi kéo dài đến tận tháng 8. Mỗi vụ như vậy, một hộ làm thường xuyên có thể làm được đến 300 chiếc áo tơi. Một chiếc áo tơi hiện nay trên thị trường có giá khoảng 50 – 70.000 đồng.
|
Sản phẩm áo tơi làng Yên Lạc ( xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) |
Trăn trở, tìm cách giữ nghề
Thời gian gần đây, các thương lái cũng tìm đến mua để về bán cho các chợ trong tỉnh Hà Tĩnh, vì thế người dân trong làng từ người già đến em nhỏ đều biết chằm áo tơi. Nghề này đã giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng áo tơi ngày càng giảm, người dân nơi đây cũng đang trăn trở tìm cách giữ nghề truyền thống.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2015 xã Quang Lộc đã hợp đồng với Công ty du lịch Xuân Thành (Hà Nội) để bán, quảng bá sản phẩm và giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Đặc biệt, để mọi người biết đến nghề chằm tơi Yên Lạc nhiều hơn, từ ngày 21/5/2016, Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Yên Lạc đã đưa vào chương trình du lịch “Trải nghiệm khám phá làng chằm tơi”.
Ông Nguyễn Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng xã Quang Lộc cho biết: “Nhận thấy trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, đối với dân thành thị, đặc biệt là các em nhỏ rất hào hứng với chiếc áo tơi.
Xã Quang Lộc lại có vị trí thuận lợi để kết hợp làm du lịch như cách Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Khu du lịch sinh thái Hồ Trại Tiểu 7km, cách Khu lưu niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng 3 km. Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quang Lộc đã trình bày ý tưởng hình thành tour du lịch khám phá trải nghiệm với UBND xã Quang Lộc và được lãnh đạo xã, nhân dân xóm Yên Lạc rất ủng hộ”.
Ông Thân Viết Trí – Bí thư Đoàn xã Yên Lạc cho biết: Toàn xã Yên Lạc hiện có có 180 hộ với hơn 300 khẩu thì có đến 60% người biết chằm tơi, trong đó gần 80 hộ chằm tơi thường xuyên, với 4-5 khẩu trong một gia đình tham gia chằm tơi. Thế nhưng, số hộ gia đình chằm tơi ngày càng ít đi, một phần vì lá để chằm tơi trở nên khan hiếm hơn, phần nữa do tiêu thụ được ít sản phẩm hơn nên người dân phải làm những công việc khác.
Hi vọng với những cố gắng của chính quyền địa phương kết hợp với bà còn nhân dân trong làng, nghề chằm áo tơi Yên Lạc sẽ giữ được nét độc đáo và truyền thống.