“Bảo tàng kiến trúc” thu nhỏ
Ngoài danh hiệu “ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang”, chùa Vĩnh Tràng còn ẩn chứa nhiều điều thú vị, mới lạ, độc đáo khiến nhiều người muốn một lần đến chiêm ngưỡng, lễ bái.
Nằm trong khuôn viên khoảng 17.000m2, Vĩnh Tràng cổ tự là một quần thể tâm linh với kiến trúc độc đáo, tượng Phật trang nghiêm, bài trí tinh xảo, vườn cảnh xanh tươi, thoáng đãng… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một cảnh trí nhà Phật thanh tịnh, uy nghiêm.
Từ ngoài bước vào, ấn tượng với cổng chùa xây dựng theo dạng “cổ lầu”. Cổng giữa làm bằng sắt theo kiểu Pháp. Phía trên đặt tượng Phật. Cổng tam quan với nghệ thuật ghép bằng mảnh sành, sứ tạo thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời…
Chùa được xây theo dạng chữ Quốc, lợp ngói đỏ, với vật liệu là xi măng và gỗ quý. Công trình có diện tích 1.400 m2, gồm bốn gian nối tiếp nhau là tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu. Chùa có 178 cột, 2 sân và 5 lớp nhà. Mặt chính xây bê tông, tổng thể giống nhà cổ kiểu Pháp. Nóc chùa có năm ngọn tháp ảnh hưởng của văn hóa Khmer.
Những hàng cột ở mặt tiền và dọc hành lang phía chùa thanh mảnh, mái vòm cong. Trên mái vòm trang trí hoa văn kiểu kiến trúc La Mã xen phong cách thời Phục Hưng của phương Tây. Các cổng, cửa sổ bằng sắt giống biệt thự của Pháp.
Nhìn vào, có người nghĩ đến một dinh thự thời Pháp. Rồi vì ngôi chùa có những đỉnh tháp nhô cao, có người nhìn vào còn cho rằng giống Angkor Wat ở Campuchia.
Phía trong gian chính điện và nhà tổ làm theo kiểu của người Hoa nhưng vẫn giữ nét kiến trúc Việt Nam truyền thống. Hai gian nối nhau là một khoảng nhỏ lộ thiên, có hòn non bộ ở giữa, như phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang sắc thái Việt Nam.
Chính điện có bao lam chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú ra đời khoảng năm 1908. Trên mái treo nhiều hoành phi câu đối bằng chữ Hán. Các hàng trụ cột bên trong được làm bằng gỗ quý.
Tại phòng khách, kiến trúc thời Pháp thể hiện ở những hoa văn chạm trổ mang đậm kiến trúc phương Tây. Gạch men nhập từ Italia có chất liệu tốt, hơn 100 năm nhưng màu sắc vẫn rực rỡ.
Kết hợp kiến trúc Đông - Tây
Chùa còn lưu giữ khoảng 60 bức tượng quý được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Giá trị bậc nhất phải kể đến bộ tượng “Thập bát La Hán” ở hai bên chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20. Mỗi vị cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà nhà Phật gọi là “lục căn” (mắt, tai, miệng, mũi, thân và ý, ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai).
Tượng Thập Bát La Hán. |
Ngoài ra, chùa còn hơn 20 bức tranh sơn thủy mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình “mai, lan, cúc, trúc”, hình phong cảnh Việt Nam. Những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ “Hoàng kim bửu điện” được khắc từ năm 1851. Xung quanh chùa là những vườn cảnh trồng nhiều loại cây cỏ, hoa lá tạo nên sự hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên với không gian kiến trúc, khiến chùa thêm cổ kính, uy nghi.
Trong khuôn viên chùa còn có tượng Phật Di Lặc cao 20m, nặng 250 tấn, được đúc bằng bê tông cốt thép. Phía sau chánh điện là tượng Phật Thích Ca trong tư thế nhập niết bàn có chiều dài 32m.
Mặc dù bên ngoài có dáng dấp phương Tây nhưng bên trong chùa đậm nét Việt Nam truyền thống. Do nét Đông-Tây hòa hợp đã làm cho ngôi chùa cổ 150 tuổi vẫn toát lên vẻ hiện đại lẫn cổ kính. Điều này tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt mà hiếm ngôi chùa nào có được.
Năm 1984, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận ngôi chùa là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập Chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên kết hợp phong cách kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây.