Độc đáo cuộc thi 'hoa hậu' lê Tai Nung tại Lào Cai

(PLVN) - UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) vừa tổ chức lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 năm 2024, tại xã vùng cao Nậm Pung. Đây là một trong những Lễ hội được trông chờ nhất năm, thu hút khách du lịch khắp nơi trong và ngoài nước tới tham dự.
Trao giải "Hoa hậu" lê cho các chủ vườn được Ban giám khảo chấm điểm cao. Ảnh: Quốc Hồng

Năm nay là năm thứ 2 Lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 tại xã Nậm Pung được huyện Bát Xát tổ chức.

Tại ngày hội, người dân và du khách đã được chứng kiến cuộc thi hái lê của người dân địa phương. Các thôn trong xã Nậm Pung và các xã lân cận thuộc huyện Bát Xát được chia thành 8 đội thi; trong thời gian 7 phút, các đội thi hái những quả lê đẹp, chín mọng, đồng đều về mẫu mã, chất lượng, dán tem sản phẩm OCOP và đóng hộp. Ban giám khảo chấm điểm, đội nào hái được nhiều và quả đẹp sẽ giành giải Nhất.

Hội thi 'Hoa hậu" lê diễn ra tại thôn Kin Chu Phìn 2, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội thi xã Dền Thàng, giải Nhì cho xã Mường Hum, giải Ba được trao cho xã Trung Lèng Hồ.

Tiếp đó là cuộc thi "Hoa hậu" lê, tại mỗi vườn sẽ lựa chọn 1 quả lê to đẹp nhất được trang trí trong giỏ trưng bày để thi. Ban tổ chức lựa chọn, chấm điểm và trao giải.

Với trọng lượng nặng nhất, mẫu mã đẹp, danh hiệu "Hoa hậu" lê được trao cho chủ vườn Mẩy Siểu, xã Nậm Pung.

Cây lê đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân vùng cao xã Nậm Pung xóa nghèo hiệu quả và làm giàu (Ảnh: Quốc Hồng)

Hiện nay, diện tích cây lê trên địa bàn xã Nậm Pung có 170 ha, trong đó, có gần 60 ha đã cho thu hoạch. Cây lê đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân vùng cao xã Nậm Pung xóa nghèo hiệu quả và làm giàu từ loại cây ăn quả này. Sản phẩm lê VH6 Nậm Pung hiện đã được tỉnh Lào Cai công nhân đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Hội thi "Hoa hậu" lê và trải nghiệm thu hoạch lê Tai Nung (VH6) tại xã Nậm Pung là sân chơi để du khách có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch bền vững theo hướng bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với sản xuất nông nghiệp, sinh thái ở huyện Bát Xát và tỉnh Lào Cai.