Độc đáo ngày hội hiến tế cho tình yêu của người Sán Chỉ

(PLO) - Bên cạnh hát Then của người Tày, hát Đối của người Dao, người Sán Chỉ còn duy trì được hát Soóng cọ một hình thức diễn xướng dân gian gắn liền với ngày hội hiến tế cho tự do tình yêu, ngày “Shặm nhịt hụi”. 
Hát Soóng Cọ được đồng bào Sán Chỉ huyện Bình Liêu lưu giữ từ nhiều đời nay
Hát Soóng Cọ được đồng bào Sán Chỉ huyện Bình Liêu lưu giữ từ nhiều đời nay

Đây là nét văn hóa đặc sắc mà đồng bào Sán Chỉ thuộc huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đang lưu giữ qua nhiều năm nay. Để khám phá những nét văn hóa đặc sắc này chúng tôi đã tìm đến các cụ cao niên ở trong các bản làng của người Sán Chỉ để tìm hiểu.

“Soóng cọ” theo tiếng Sán Chay nghĩa là “xướng ca”, “hát đối”, “hát giao duyên. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian nhằm giao lưu, thể hiện tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chỉ với nhiều hình thức phong phú như hát chúc Tết, hát mừng đám cưới, hát mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên, hát truyền cho nhau kinh nghiệm lao động sản xuất…

Nội dung của các bài Soóng Cọ khá phong phú và đa dạng, nó diễn tả các sự vật, hiện tượng trong đời sống sinh hoạt của người Sán Chỉ, từ việc miêu tả chiếc chăn hoa phơi ở bờ rào đến các hiện tượng thiên nhiên như, (mưa, gió, sấm, chớp). Tất cả các điệu hát đều bộc lộ trạng thái tình cảm con người (nhớ nhung, thương mến, giận hờn, trách móc), ca ngợi quê hương, đất nước…

Theo lời kể của những vị bô lão trong bản, Hội Soóng cọ ra đời cách đây khoảng hơn 300 năm. Trước kia cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, tại mỗi phiên chợ thường diễn ra Hội hát Soóng cọ. Theo tiếng Sán Chỉ hội Soóng cọ còn gọi là “Shặm nhịp hội” tức là Hội tháng ba hay còn gọi là Hội Opò.

Bà Đặng Thị Quý (ở thôn Mõ Túc xã Húc Động, Bình Liêu) cho biết: “Shặm nhịt hụi ngày xưa chỉ dành cho người trưởng thành, trẻ con không được phép tham gia để tránh việc kết tình với người cùng huyết thống, cùng dòng họ mà không kìm chế được tình cảm phá vỡ quy định của luật lệ, phong tục.

Shặm nhịt hụi cấm kỵ hát với người cùng bản, cùng nhà. Sau khi hết hội ai về nhà nấy, không được tự ý hẹn hò, không được can thiệp vào đời sống gia đình riêng của nhau, làm mất hạnh phúc gia đình. Nếu vi phạm cả hai người sẽ bị con ma bản làm hại, bị hai họ phế truất ra khỏi dòng họ, bị cả thôn, bản, xã chê cười...”.

Cũng theo lời bà Quý, ngày shặm nhịt hụi trai gái tự tìm nhau qua câu hát để kết thành vợ chồng. Những người yêu nhau say đắm không cưới được nhau, đến ngày shặm nhịt hụi lại được gặp nhau thoải mái ca hát, tâm sự, nói chuyện, ở bên nhau không bị cười chê. Vào ngày hội, trai gái bản trên, bản dưới đều kéo nhau lên các đồi núi, khe suối, hát từ tối cho đến sáng mới về nhà”.

Chị Lạc Mắc Phấu thôn Nà Ếch, xã Húc Động cho biết: “Vào ngày Shặm nhịt hụi mọi người thường hát Soóng cọ với nhau. Mình biết hát Soóng Cọ từ hồi còn nhỏ, hát Soóng cọ không phải ai dạy đâu, đi nương, đi rẫy thấy người ta hát thì hát theo, cứ như thế nghe hát nhiều thì nó tự ngấm vào người. Vào Hội tháng ba, gặp mọi người vui uống rượu vào là hát, không cần ăn hát cũng thấy no cái bụng rồi. Nhờ ngày hội này mà mình gặp được và lấy chồng mình bây giờ. Nhiều đôi cũng lấy được nhau sau ngày hội ấy”.

Đồng bào dân tộc Sán Chỉ tập trung rất đông ở nhà văn hóa để xem các tiết mục hát Soóng Cọ của thôn mình
Đồng bào dân tộc Sán Chỉ tập trung rất đông ở nhà văn hóa để xem các tiết mục hát Soóng Cọ của thôn mình

Bài Soóng Cọ thường là một khúc hát bao gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ, thường gieo vần liền hoặc vần cách. Trước khi mở đầu cuộc hát là một câu hò đệm ngân dài mênh mang tới tận núi rừng, sau đó là những câu hát mời, lần lượt bên nam hoặc bên nữ hát một đoạn, bên kia sẽ đối lại đoạn kế tiếp.

Mỗi câu hát được cất lên mang đậm chất văn hoá dân gian, với tình cảm mộc mạc, đằm thắm người hát trải tấm lòng mình với người bạn hát đối cùng, có thể là người bạn mới gặp trong ngày hội nhưng cũng có thể là những người bạn từ thời thanh niên, thầm yêu trộm nhớ, họ gặp lại nhau trong ngày hội với những câu hát du dương, êm ái, khoan thai, nhẹ nhàng làm lắng đọng và tạo nên sự gần gũi để động viên nhau, truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong cuộc sống, những dự định, ước mơ và gửi gắm trong đó những tình cảm thầm kín.

“Chàng đến muộn, em mong đợi chàng/Con ngựa chân ngắn chàng đến muộn/Bao nhiêu hoa đẹp người hái tất/Chàng đến muộn hoa đẹp không còn/Chim phượng hoàng bay qua đầu rừng /Trăng lặn phía tây, sao mọc lại?…”.

Sau màn hát chung, các cặp đôi có tình ý với nhau có thể tách ra hát riêng. Cuộc hát càng kéo dài lời ca càng thiết tha sâu lắng. Người có khả năng đặt được lời bài hát, thuộc nhiều bài hát và hát được lâu nhất được coi là trung tâm của ngày hội và sẽ được nhiều chàng trai, cô gái để ý tới. Chính bởi lẽ đó mà trước ngày diễn ra hội, các chàng trai, cô gái đều chuẩn bị rất kỹ để đem thật nhiều lời ca, tiếng hát đến với ngày hội.

Bên cạnh những bài Soóng Cọ truyền thống, thanh niên người Sán Chỉ ngày nay còn “chế tác” thêm nhiều bài hát mới với nhiều nội dung phong phú hơn như xây dựng nông thôn mới, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu…

Để nét văn hóa các dân tộc không bị mai một, huyện Bình Liêu đã quan tâm, chỉ đạo khôi phục và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc trên địa bàn. Hiện hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ đã được phục dựng lại và được ấn định tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm (tùy theo các năm xã và huyện luân phiên tổ chức) và đã có những khởi sắc đáng mừng.

Hiện nhiều thôn, bản đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) hát Soóng Cọ, mỗi CLB trên 20 người tham gia. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc Sán Chỉ, năm 2013 – 2014 CLB hát Soóng Cọ của Trường THCS Húc Động được thành lập với 24 thành viên tham gia. Em Trần Thị Si lớp 7A, Trường THCS Húc Động cho biết: “Từ nhỏ được nghe bà và mẹ hát Soóng cọ em rất thích những ca từ, giai điệu trong câu hát. Nay được tham gia vào CLB em rất vui”.

Bà Hoàng Thị Nghị - Trưởng phòng Văn hóa thông tin và Du lịch huyện Bình Liêu cho biết: “Sau khi được phục dựng lại, hiện Hội Soóng Cọ đã được nhiều người biết đến và sẽ trở thành một sản phẩm du lịch. Năm nay UBND xã Húc Động tổ chức Hội hát Soóng Cọ và nó đã thu hút rất nhiều du khách gần xa đến với huyện Bình Liêu. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức lồng ghép ngày hội văn hóa, tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện”.

Lễ hội cũng là dịp để người dân tộc Sán Chỉ nhắc nhở lớp con cháu biết tự hào về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi hy vọng rằng, hát Soóng cọ - di sản văn hóa tinh thần quý báu của người Sán Chỉ sẽ có sức sống mãnh liệt qua thời gian và thắm mãi trong hôm nay và mai sau.

Đọc thêm