Độc đáo phiên chợ chỉ họp vào mùng một Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở tỉnh Bình Định có một phiên chợ đặc biệt, bởi trong năm chỉ họp duy nhất vào mùng một Tết Nguyên đán. Phiên chợ này mang đậm nét văn hóa miền “đất võ trời văn”, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn - đó là chợ Gò (ở khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước).
Vào mùng một Tết Nguyên đán, nhiều người dân ở Bình Định nô nức đi chợ Gò.
Vào mùng một Tết Nguyên đán, nhiều người dân ở Bình Định nô nức đi chợ Gò.

Gắn với nhà Tây Sơn

Chợ Gò họp trên một gò đất dưới chân núi Trường Úc, cạnh bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại. Nơi đây đã sinh thành và nuôi dưỡng nên hồn thơ Xuân Diệu và ông tổ hát bội Đào Tấn - những người con đã làm rạng danh miền “đất võ trời văn” Bình Định. Nói là chợ nhưng thật ra nơi đây chỉ là bãi đất trống, rộng và không có một gian hàng hay túp lều. Các ngày trong năm cũng không nhóm chợ mà chỉ họp một phiên duy nhất vào mùng một Tết Nguyên đán.

Chợ Gò có từ thời anh em nhà Tây Sơn. Tương truyền, ngày đó, người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ chọn nơi đây để tập trung lực lượng đánh quân chúa Nguyễn. Tại khu vực này, Nguyễn Huệ giao cho hai phó tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy binh sĩ đóng quân phòng thủ ở cửa biển Thị Nại để đề phòng quân chúa Nguyễn đánh úp bất ngờ.

Trong thời gian này, nghe quân lính tâm sự nỗi xa nhà, Quang Trung - Nguyễn Huệ hiểu được nỗi buồn của họ. Nhân dịp Tết năm đó, ông cho mở hội vui xuân để quân sĩ gặp mặt người thân và khích lệ tinh thần họ. Nghe tin, người dân trong vùng nô nức kéo đến tham dự. Họ đem những sản phẩm từ tay mình làm ra đến cho nghĩa quân.

Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn cùng với ý nghĩa của hội dân gian được đích thân Vua Quang Trung khởi xướng, cứ đến mùng một Tết Nguyên đán hằng năm, người dân nơi đây lại tổ chức phiên chợ đặc biệt này.

Về hội chợ Gò, sách “Tuy Phước - Lịch sử và văn hóa” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015) viết: “Gắn với truyền thuyết địa phương, nơi đây ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui xuân tại chợ Gò Trường Úc, trước là để nhân dân vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chỉ dụ còn quy định thời gian vui xuân từ mùng một đến mùng ba Tết. Chợ Gò là nơi không có sự thách trả, cãi vã như thường ngày và sự mua bán chẳng qua chỉ là cách để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng chứ không đơn thuần là lý do kinh tế…”.

Theo các bậc cao niên ở khu phố Phong Thạnh, có năm trời mưa lớn, ngập lụt nhưng người dân vẫn xắn quần lội nước để đến chợ. Người dân đem hàng đến, không có chỗ cao để ngồi, họ bưng bê đứng bán. Kẻ bán, người mua vẫn tấp nập dù phía dưới chân là nước mênh mông.

Mua lộc, cầu duyên

Khác với những phiên chợ họp thường ngày, chợ Gò giống như một hội vui xuân. Khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt, người dân trong vùng và vùng phụ cận mang đến đây những sản vật của địa phương mình để bày bán. Ai đến trước bày bán hàng trước, ai đến sau thì nối đuôi nhau bày hàng, cứ thế họ xếp trật tự mà không lời qua tiếng lại tranh giành. Họ đem đến bán để lấy lộc đầu năm. Người mua không phải vì thiếu thức ăn mà là muốn mua cái lộc đầu năm.

Mua bán ở chợ Gò là để trao cho nhau chút lộc đầu xuân.

Mua bán ở chợ Gò là để trao cho nhau chút lộc đầu xuân.

Phiên chợ tuyệt nhiên không ai có sự mặc cả về giá, không cò kè bớt một thêm hai. Tất cả là để họ trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà một năm mới an khang, thịnh vượng.

Người ta vẫn nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên hầu như ai đến chợ Gò chí ít cũng mua trầu cau lấy may. Theo tục lệ, người dân mua 12 lá trầu để tượng trưng cho 12 tháng trong năm, hai trái cau chín đỏ, một ít vôi Trường Úc và một chùm trái sung với ý nói lên sự sung túc, giàu sang của gia đình trong năm mới. Có người mua trầu cau về đặt lên bàn thờ tiên tổ, có người mua về bói cầu may, người lại mang lên viếng những ngôi mộ trên núi Trường Úc.

Có một điều thú vị ở chợ Gò, đó là nhiều đôi trai gái ở tuổi đôi mươi, họ khoác tay nhau cùng mua vài quả cau, lá trầu và chút vôi để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi. Hàng trăm năm qua, chợ Gò này đã tác hợp không biết bao nhiêu cặp đôi trẻ nên duyên vợ chồng và còn lưu truyền trong câu ca dao với lời thề non hẹn nước: “Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì anh hết đứng hết ngồi cùng em”. Nhiều cô gái khi đã thắm duyên tình, họ lại đem trầu cau đi bán chợ Gò: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên/Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò”.

Ngoài bán trầu cau và vôi, người dân còn bán những đặc sản khác và đều là các sản phẩm chính tay bà con miền quê tự trồng, tự làm như: rau, củ, các loại trái cây... Những đặc sản “chính hiệu” địa phương như: nem Chợ Huyện, rượu nếp Trường Úc, rượu gạo Trường Úc thì không thể thiếu. Dù đi xa hay đi ngược về xuôi, người dân bản xứ vẫn thuộc làu hai câu ca dao: “Rượu ngon Trường Úc mê ly/Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành”.

Người dân đến chợ Gò không chỉ để mua lộc đầu năm mà còn đến “thưởng thức” các trò chơi vui xuân mang màu sắc dân gian, quy tụ nhiều “tài tử văn nhân” khắp vùng về đây thi thố. Hát bội, đi cà kheo, đánh cờ người, đi quyền, múa võ… là những tiết mục được trình diễn trong hội chợ Gò.

Đặc biệt, sáng sớm, khi anh hiệu trong hội hô bài chòi cất lên những câu ca mời gọi: “Bài chòi mở hội đầu xuân/Hội vui đón Tết, hội mừng non sông/Vui chơi cho phỉ tấm lòng/Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề” thì nhiều người dân và du khách đã đến chơi, tạo không khí rộn ràng cho ngày hội xuân.

Tại đây, người chơi sẽ được lên chòi và nghe những anh, chị hiệu hô những câu thai dí dỏm, sâu sắc. Người thắng cuộc sẽ được thưởng ly rượu nồng nàn cùng những lời hát chúc tụng điều tốt đẹp. Bài chòi trở thành nếp sống của người dân Bình Định từ thuở lập ấp, lập làng, vậy nên từ già đến trẻ ai cũng thuộc lòng câu ca dao: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để cho con khóc đến lòi rún ra”.

Ở chợ Gò không thể thiếu “đặc sản” hô bài chòi.

Ở chợ Gò không thể thiếu “đặc sản” hô bài chòi.

Trong khi hầu hết các chợ Tết quê nơi khác nay đã vắng bóng hình ảnh ông đồ già viết câu đối trên giấy đỏ thắm thì ở chợ Gò tục viết câu đối Tết vẫn còn nguyên vẹn. Những chiếc chiếu hoa được trải ra ở lối cổng chợ cùng các cụ già râu tóc bạc phơ thảo những nét chữ kỳ tài diệu bút trên giấy đỏ.

Ở đây, nghệ thuật chơi chữ và viết chữ đủ cả bốn lối: triện (vuông), lệ (nghiêng), chân (rõ ràng), thảo (thoắng) nhưng lối viết câu đối thảo vẫn được nhiều người ưa thích nhất. Mỗi một vế đối như một bức tranh nghệ thuật độc đáo. Người xem, người mua đều trầm trồ ngợi khen vẻ đẹp của nét chữ, ý hay thâm thúy của câu đối.

Với hàng trăm năm gìn giữ, người dân huyện Tuy Phước nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung có thể tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo, mang nhiều ý nghĩa văn hóa cộng đồng của chợ Gò. Và, chợ Gò còn làm giàu thêm truyền thống văn hóa phong phú của một nước Việt với nghìn năm văn hiến để giới thiệu với bạn bè, du khách trong, ngoài vùng. Hy vọng rằng, một ngày không xa, chợ Gò có cơ hội, điều kiện để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, dịch vụ cho cả vùng miền.

Dù chỉ nhóm họp một ngày trong năm nhưng với sự sầm uất, đa dạng và mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc, chợ Gò đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào top “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”.