Độc đáo thuyền Kagor dành cho người đã khuất của đồng bào Raglai

(PLVN) - Đồng bào Raglai ở tỉnh Khánh Hòa quan niệm, người đã khuất sẽ được con thuyền Kagor đưa về cõi trời biển vĩnh hằng, đó là nơi đoàn tụ cuối cùng cũng là nơi xuất phát của tổ tiên. Và, con thuyền này là một công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo của người Raglai.
Thuyền Kagor của người Raglai là một công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo.

Huyền bí con thuyền úp ngược

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa ở tỉnh Khánh Hòa, từ điều kiện cư trú, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai, lao động sản xuất, người Raglai đã tạo cho mình một bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt mà không dị biệt. Qua khảo sát không gian văn hóa Raglai, từ hệ thống các nghi lễ, văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng thể hiện khá rõ nét về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc xây dựng luôn gắn liền với đời sống tinh thần, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng “đa thần” của họ. 

Đồng bào Raglai quan niệm có 2 thế giới song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của những người đã khuất. Người chết đã được chôn cất vẫn còn mối quan hệ với người đang sống, bởi linh hồn còn lẩn quẩn trong cõi nhân gian nên phải làm lễ bỏ mả để chấm dứt mối quan hệ này. Lễ bỏ mả được xem là một lễ nghi truyền thống tâm linh mang giá trị bản sắc văn hóa Raglai được truyền lưu từ ngàn đời. Và, trong lễ bỏ mả không thể không nhắc đến thuyền Kagor.

Thuyền Kagor không phải là phương tiện giao thông, càng không phải mô hình trang trí. Thuyền Kagor là một công trình nghệ thuật, kiến trúc độc đáo và cũng lắm công phu của người Raglai dành cho người đã khuất.

Các nhà nghiên cứu cho biết, sau khi làm xong các nghi lễ cúng bái, chôn cất cho người đã mất, đợi ngày lành tháng tốt, người Raglai sẽ làm lễ bỏ mả, thường thì vào tháng 3, tháng 4 dương lịch. Những lễ vật và vật dụng được dùng trong lễ bỏ mả thường được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng như: dựng nhà mồ, làm thuyền Kagor, chuẩn bị heo, gà, rượu…

Nhà mồ Raglai truyền thống được làm với mái bằng tranh, mây; có 4 cột được chọn lựa và đẽo gọt, chạm khắc hoa văn, họa tiết theo dạng khấc tròn, vặn tròn, đối xứng, thường 2 cột tròn và 2 cột vuông; các màu chủ lực là đen, trắng, đỏ, tím, lam, vàng. Người Raglai vốn gắn bó, thân thiện với thiên nhiên nên họ chọn chất liệu chính từ vỏ cây, lá và các loại củ, quả, dây leo, với tro… để pha trộn, chế tác chất liệu. 

Các bạn học sinh tham quan, tìm hiểu mô hình thuyền Kagor. 

Thuyền Kagor được làm bằng chất liệu cũng giống như nhà mồ. Riêng phần họa tiết hoa văn có phần tỉ mỉ, công phu hơn, đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo và có tâm. Hình dạng như tên gọi, Kagor như một biểu tượng linh hồn nên người Raglai có câu “Ahòq tanruaq rugãq atơu”, tức con tàu quan tài hình thuyền úp ngược. Thông thường, trên thuyền luôn có nhà cửa tượng trưng, có cửa gần giống dạng tam môn quan, ngôi giữa cao hơn 2 ngôi 2 bên.

Thuyền Kagor thường nhỏ nhất khoảng 50cm x 70cm x 80cm, hoặc lớn hơn gấp đôi tùy quy mô ngôi nhà mồ và điều kiện gia chủ. Người nghệ nhân gọt giũa, bào nhẵn đuôi thuyền; mũi thuyền vẽ hoa văn hình rồng (lưỡng long chầu nguyệt) uốn chầu trên đỉnh các ngôi nhà đối xứng tâm, thêm nữa là hình rắn garai. Bên dưới là hàng rào, chim chóc, cá, trái bầu và cả dụng cụ là dao, rìu... 

Già làng Bo Bo Đe (ngụ xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Thuyền Kagor được làm trước và cúng mâm cơm tại nhà, sau đó mới khiêng rước đến nhà mồ. Khi đưa lên nóc nhà mồ, người thân của người quá cố phải “đập heo”, “đập gà”, “bốc ché” để cúng thuyền Kagor. Người khiêng thuyền phải là trai tráng chưa có vợ, người chủ lễ phải là chủ nhang có tiếng ở địa phương”.

Trầm tích biển trong văn hóa rừng

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Raglai mang đậm hơi thở của biển, dấu ấn đặc thù sót lại đó là thuyền Kagor. Với người Raglai, thuyền Kagor là linh vật được đúc kết, chọn lọc từ tinh hoa, sản vật của núi rừng, biển cả…

Người Raglai sớm xuất hiện cùng với sự vận động, phát triển, sinh tồn song hành với dân tộc Chăm trên đất Khánh Hòa và duyên hải Nam Trung bộ. Ở tỉnh Khánh Hòa, người Raglai sống tập trung chủ yếu ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm và TP Cam Ranh. Đồng thời là một trong 5 tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai - Nam Đảo (Chăm, Raglai, Churu, Êđê, Jarai). Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ có nguồn gốc thủy tổ sinh cư ven biển. 

Yếu tố “biển” hiện rõ trong từng câu chữ của truyện cổ, truyền thuyết, sử thi, làn điệu dân ca, lời nói vần, câu đố, hiện thân chính nhân vật của truyện, các sự kiện chống lại thiên tai địch họa… Thuyền Kagor là vật chất còn sót lại sau hàng nghìn thế hệ, dấu ấn về biển trong tâm thức của cư dân Raglai còn đọng lại sâu kín, thầm lặng mà thăng hoa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Kiêm Hoàng (ngụ TP Cam Ranh) cho rằng, nếu rừng là toàn bộ văn hóa Raglai hiện tại thì biển hầu như là toàn bộ văn hóa Raglai trong quá khứ. Về nguồn gốc, có nhiều giả thiết cho rằng họ vốn là cư dân bản địa, chủ nhân lâu đời ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ trước khi người Chăm đặt chân đến đây. 

“Người Chăm phát triển và xây dựng vương quốc Chămpa hùng mạnh khiến người Raglai phải rút dần lên vùng núi cao để sinh tồn. Cùng với thời gian, những giá trị văn hóa biển trở thành trầm tích trong văn hóa của người Raglai”, ông Hoàng cho biết.

Trải qua suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Raglai từ buổi sơ khai đến nay vẫn giữ được nét văn hóa cho riêng mình. Lễ bỏ mả của đồng bào thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống với người đã khất. Đồng thời là dịp thể hiện sự đền đáp công lao tổ tiên, ông bà, cha mẹ và còn là biểu hiện của tình cảm làng xóm gắn kết bền chặt, thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa con người với con người.

Trong đó, thuyền Kagor là một biểu tượng không chỉ đông đặc phạm trù tập quán xã hội, tín ngưỡng “đa thần”, sùng bái các đấng siêu nhiên, kính trọng, biết ơn ông bà thủy tổ mà còn hiện rõ tính nhân văn, nhân sinh quan sâu đậm.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, người Raglai có mức sống khá ổn định. Nhà của đồng bào được xây dựng bằng vật liệu vững chãi như sắt thép, xi măng. Nhà mồ cũng kiên cố hóa nên hình tượng nhà mồ truyền thống, thuyền Kagor đa sắc màu đã dần mai một.

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, lễ bỏ mả của người Raglai mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, vừa tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống vừa thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Qua đó, thấy được tính nhân văn, tính giáo dục qua việc thực hiện làm thuyền Kagor trên nóc nhà mồ. 

“Lễ bỏ mả của người Raglai ở huyện Khánh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012, thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Hiện nay, khi nhu cầu xã hội nâng cao, đời sống phát triển, ngôi nhà mồ được xây dựng bằng chất liệu kiên cố nên hình ảnh thuyền Kagor đầy sắc màu cũng dần mất đi. Việc cấp bách hiện nay là phục dựng, duy trì, bảo tồn nét văn hóa này nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Hoa cho biết.

Đọc thêm