Dân tộc ít người nhất Việt Nam
Là một dân tộc ít người, hiện nay dân số của người Ơ Đu (ở huyện Tương Dương, Nghệ An) chỉ khoảng gần 400 người. Thời kỳ hưng thịnh đồng bào Ơ Đu sống độc lập, không xen kẽ với bất kỳ dân tộc nào. Họ cũng ít giao lưu với các dân tộc bên ngoài trừ những khi có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.
Trải qua thời gian và biến động lịch sử, người Ơ Đu giảm dần về số lượng. Rồi dần dần đồng bào dân tộc này sống xen kẽ với đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú nên phong tục người Ơ Đu bị mai một và bị ảnh hưởng nhiều từ phong tục của hai dân tộc trên.
Sau cách mạng tháng 8/1945, người Ơ Đu chuyển về sống tập trung tại 2 bản Xốp Pột và Kim Hòa (thuộc xã Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An). Chỉ có một số ít sống rải rác tại các bản Tạ Xiêng, xã Kim Tiến; bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương.
Tuy nhiên, do biến cố lịch sử cùng với việc di chuyển nhiều nên đến thời điểm này ít người còn nhớ được ngôn ngữ và phong tục riêng của đồng bào mình. Chỉ có một số ít người già còn nhớ được tập tục ăn tết Chăm Phtrong cúng lễ mừng tiếng sấm đầu tiên của năm. Đây được xem là tục lễ duy nhất của người Ơ Đu còn sót lại.
Sự bình ổn nơi ở của đồng bào Ơ Đu chưa dừng lại, năm 2006 khi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khởi công xây dựng, hai bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Đa nơi có người Ơ Đu sinh sống tập trung nhiều nhất lại phải tiếp tục di dời đến bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương) để sinh sống. Sự liên tục biến động về nơi ở khiến các phong tục tập quán, văn hóa của người Ơ Đu phần nào bị mai một.
Trước đây, đồng bào dân tộc này chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy. Gần đây, được sự quan tâm của chính quyền nên họ biết làm thêm lúa nước. Ngoài lúa, đồng bào nơi đây còn trồng thêm sắn, ngô… Tuy nhiên hái lượm và săn bắn vẫn được xem là nguồn thực phẩm quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Ơ Đu.
Từ xa xưa, người Ơ Đu đã dựa vào những hiện tượng của thiên nhiên để xác định thời gian. Họ không theo lịch thông thường mà dựa vào tiếng sấm. Đồng bào tính thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên, khi tiếng sấm lần sau là kết thúc một năm. Tiếng sấm còn là mốc thời gian để đồng bào thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ và kể cả công việc chung của cộng đồng.
Độc đáo tục mừng tiếng sấm
Ngày xưa, người Ơ Đu không có Tết nguyên đán nên Tết mừng tiếng sấm đầu năm là một lễ tục quan trọng nhất đối với họ. Khi những hồi chiêng được gióng lên, đồng bào tề tựu đông đủ tại bản làng mổ trâu, giết lợn cúng tế thần linh, mong cho một năm mới an lành, bình an...
Nghi lễ đầu tiên trong ngày có tiếng sấm là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, phong chức sắc cho thầy mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi.
Người Ơ Đu phụ thuộc vào tiếng sấm, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Họ tin rằng, chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được coi là siêu thoát. Trong gia đình người Ơ Đu, khi người vợ hay chồng không may qua đời họ phải làm lễ chia của và khóc cho người chết.
Ngoài mâm đồ cúng lễ, quan trọng nhất là phải có 1 đồng xu chia làm đôi. Một nửa người sống giữ lại còn nửa kia chôn theo người quá cố. Nếu vợ hay chồng của người quá cố muốn đi bước nữa, họ cũng phải chờ tới tiếng sấm đầu năm. Có sấm, mới bắt đầu lễ cúng, mới xin phép được người quá cố cho đi bước nữa.
Người Ơ Đu tổ chức chọi gà vui tết Chăm Phtrong |
Ông Lo Văn Cường, ở xã Nga My cho biết, năm cũ tầm tháng 11 âm lịch là hết tiếng sấm, đến tiếng sấm năm mới tầm tháng 2, tháng 3 năm sau được tính là tiếng sấm đầu năm và bà con mới tính cho năm mới.
Nguyên do là ngày xưa không có lịch, không có đồng hồ, không có tết và lễ mừng tiếng sấm là duy nhất. Ý nghĩa của Tết mừng tiếng sấm này là để tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, dân làng đoàn kết và cầu cho năm đó làm ăn suôn sẻ, phát đạt.
Trong Tết mừng tiếng sấm của người Ơ Đu cần phải có một con lợn, con gà, rượu cần 2 vò, bánh chưng, cơm lam, nếp cẩm, cá mọc, cá lạp, nhọoc chuột…Lễ vật mừng tiếng sấm được đặt lên chiếc mâm mây đã trải lá chuối rừng. Thầy cúng đứng ra làm lễ trước sự chứng kiến của bà con dân bản.
Trong buổi lễ, thầy cúng thay mặt cho bà con cầu mong trời đất, tổ tiên, dòng họ và linh hồn người Ơ Đu phù hộ cho bản mường một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt, hái lượm. Lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm còn là dịp để người Ơ đu gửi gắm ước mong về một cuộc sống bình yên, no đủ, bản mường ấm no, đoàn kết.
Trong những ngày tết Chăm Phtrong, trên bàn thờ gia đình của người Ơ Đu được trang trí rất cầu kỳ và rực rỡ sắc màu với đầy đủ các loại giấy ngũ sắc. Tuy nhiên, màu đỏ lại không được xuất hiện trong những ngày tết, bởi họ rất sợ lửa.
Dịp tết Chăm Phtrong, đồng bào Ơ Đu chọn một con lợn để cúng tổ tiên, tuỳ thuộc vào điều kiện gia đình mà mổ lợn to hay nhỏ (thông thường là từ 15 - 20kg). Khi mổ lợn, các gia đình đều phải mời dân làng tới dự và uống rượu để ăn tết cùng. Đây được xem là dịp gia chủ cảm ơn bà con, hàng xóm trong bản đã giúp đỡ gia đình một năm vừa qua.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình đều phải chuẩn bị một con gà trống thiến. Con gà trống này sẽ được làm thịt để làm lễ cúng và cặp chân gà được giữ cẩn thận để xem chân gà. Đôi chân gà này sau khi cúng tổ tiên, các gia đình sẽ mang đến nhà cộng đồng nhờ những thầy mo giỏi nhất bản làm lễ thăm chân gà.
Theo quan niệm của người Ơ Đu việc xem chân gà đầu năm là để xem một năm mới có được no ấm, hạnh phúc hay không? Bởi cũng theo người Ơ Đu thì sau tiếng sấm đầu tiên trong năm con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà. Vì vậy, gà được xem là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm.
Ngoài ra những món không thể thiếu trong mâm cúng của đồng bào Ơ Đu là mọc cá (hỗn hợp cá, bột gạo nếp, muối, sả, tiêu rừng gói trong lá chuối và hong chín trên bếp củi); cá nướng; Nhọoc chuột (được làm từ thịt chuột đồng phơi khô cùng với rau rừng, hoa chuối, lá môn…); cơm lam; bánh chưng; rượu cần; rượu cẩm. Những lễ vật được đồng bào đặt trên 2 chiếc mâm mây, đưa từ trên nhà sàn xuống dưới sân trước nhà sàn.
Ngoài những món ăn truyền thống, dịp đầu năm, đồng bào dân tộc Ơ Đu còn có nhiều trò chơi dân gian, lễ hội. Họ cùng thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu. Trong những ngày tết Chăm Phtrong người Ơ Đu còn rộn ràng với âm thanh vui tươi của nhạc cụ cồng chiêng, đàn tùng tinh, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Các trò chơi vui năm mới như đánh khăng, chọi gà, đi cà kheo...
Thường lễ mừng tiếng sấm của người Ơ Đu kéo dài từ 5 đến 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất, ngày tết Chăm Phtrong mới kết thúc. Nhưng hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức trong vòng một ngày.
Được xem là tộc người có số dân ít nhất Việt Nam nên việc hàng năm tổ chức Tết mừng tiếng sấm - một phong tục ý nghĩa duy nhất còn được lưu giữ đến ngày nay là cách để đồng bào gìn giữ cội nguồn, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Người Ơ Đu, còn có tên gọi khác là người Tày Hạt, là một dân tộc ít người có vùng cư trú là huyện Tương Dương phía tây tỉnh Nghệ An và Trung Lào. Theo tiếng Thái, Ơ Đu có nghĩa là "thương lắm". Người Ơ Đu nói tiếng Ơ Đu, ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer trong ngữ hệ Nam Á.
Tuy nhiên hầu hết người Ơ Ðu dùng các tiếng Khơ Mú, Thái để giao tiếp hàng ngày. Tại Việt Nam, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ơ Đu có dân số 376 người, có mặt tại 11 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố.