Làm gì khi Việt Nam chỉ 18 năm đã... già?

(PLVN) - Theo dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất Châu Á.
Việt  Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á

Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê (năm 2016) và Liên hợp quốc (năm 2017), Việt Nam sẽ là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á với thời gian chuyển từ giai đoạn dân số “bắt đầu già” (tỷ lệ người từ 60 tuổi chiếm 15% tổng dân số) sang “dân số già” (tỷ lệ người từ 60 tuổi chiếm 20% tổng dân số) chỉ có 18 năm – rất ngắn so với nhiều nước khác (như Pháp cần 115 năm; Thụy Điển cần 85 năm; Hoa Kỳ cần 69 năm; và Nhật Bản và Trung Quốc cần 26 năm…). Cũng theo Tổng cục Thống kê (năm 2016), chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, tức là thời điểm mà Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. 

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH), quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi (NCT) ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội nói chung và hệ thống chăm sóc NCT nói riêng.

Báo cáo chung tổng quan ngành y tế năm 2016 (Bộ Y tế và Nhóm đối tác y tế, 2018) cho thấy, nhiều NCT sống cùng bệnh tật trong một thời gian lâu dài, dẫn đến tăng những khó khăn về chức năng thể chất, trong sinh hoạt cá nhân hàng ngày và trong các hoạt động hỗ trợ cuộc sống hàng ngày.

Khoảng 54,6% người khuyết tật là người từ 60 tuổi trở lên và hơn hai phần ba NCT gặp ít nhất một khó khăn về vận động (phổ biến là ngồi hoặc ngồi xổm, bước lên hoặc xuống cầu thang, đứng dậy khi đang ngồi) và gần 38% NCT gặp ít nhất một khó khăn trong sinh hoạt cá nhân hàng ngày, lên hơn 50% ở nhóm 80 tuổi trở lên. Thực tế này đòi hỏi cần có sự chăm sóc thường xuyên để duy trì các hoạt động hàng ngày cho NCT ở gia đình và cộng đồng. 

Thông tin từ Hội thảo “Công tác xã hội thích ứng với bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam” cho thấy, nếu không có sự đầu tư cho hệ thống chăm sóc ngay từ bây giờ, các vấn đề già hóa dân số sẽ là gánh nặng cho kinh tế và xã hội trong giai đoạn sắp tới.

“Trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, công tác xã hội (CTXH) được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, đóng vai trò “cầu nối” chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, hoạt động CTXH đối với NCT hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Phần lớn các chính sách đối với NCT hiện mới chỉ chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ, còn các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho NCT còn mang tính phong trào. Hơn nữa, ngành CTXH với các loại hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc NCT ở nước ta còn thiếu và yếu.

Các yếu tố, điều kiện cho sự phát triển ngành CTXH chuyên nghiệp còn thiếu như khung pháp lý, các phương pháp khoa học, đội ngũ CTXH nòng cốt, nguồn nhân lực cho mạng lưới CTXH, các chương trình nghiên cứu, tính ưu việt của nghề, hệ thống dịch vụ thiết yếu và cơ sở thực tập, hành nghề vẫn còn nhiều thách thức... 

Nhận thức và thái độ của các cá nhân, gia đình và cộng đồng về CTXH đối với NCT còn nhiều hạn chế; đa số vẫn còn coi CTXH là sự trợ giúp, cách nhìn nhận vấn đề liên quan đến CTXH của cá nhân, cộng đồng với NCT vẫn còn mang tính chất từ thiện, phong trào” – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh. 

Để phát triển hệ thống chăm sóc NCT hiệu quả, quan điểm của ngành LĐTB&XH cho thấy Việt Nam cần có sự chuyển đổi hệ thống bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện NCT trên phạm vi toàn quốc; dịch vụ chăm sóc NCT được thực hiện tuân thủ theo nguyên tắc tại cộng đồng và dựa vào cộng đồng; chất lượng chăm sóc ở cả hệ thống chính thức và không chính thức (các hình thức chăm sóc bởi bản thân, gia đình, và các tổ chức đoàn thể trong cộng đồng) được đảm bảo theo khuyến cáo của các tổ chức thuộc Liên hợp quốc và duy trì bền vững trên toàn hệ thống. 

Về những yêu cầu này, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệp hội đào tạo nghề CTXH Việt Nam, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các tổ chức chính trị tại cộng đồng cần đẩy mạnh tuyên truyền nghề CTXH đối với NCT.

Cải tiến phương thức quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc NCT. Trong đó, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống chăm sóc NCT; phát triển nguồn nhân lực; phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chăm sóc xã hội và CTXH với NCT...

Từ góc độ truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Người Làm báo cho rằng, báo chí truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về lĩnh vực CTXH đối với NCT, góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội. 

Đọc thêm